Ngoại giao kinh tế là động lực mới trong kỷ nguyên mới

Ngoại giao kinh tế là động lực mới, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng, mở rộng hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên phát triển mới.

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngoại giao kinh tế là động lực mới và quan trọng góp phần thúc đẩy GDP tăng trưởng hai con số.

Bên cạnh việc làm mới động lực tăng trưởng truyền thống gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn yêu cầu hoạt động ngoại giao kinh tế thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, số, tuần hoàn, tri thức, chia sẻ và kinh tế đêm.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế như bệnh thành tích và hình thức tại một số cơ quan. Ngoại giao kinh tế còn chưa tận dụng hiệu quả các quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, triển khai cam kết chậm và dự báo thiếu chủ động, chưa theo kịp diễn biến.

Tại hội nghị với các đại sứ và trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tối ngày 20/12, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung vào ký kết các khuôn khổ pháp lý như FTA, IPA, CEPA.

Ông nhấn mạnh cần đánh giá lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam và các đối tác để thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, phát triển thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam, xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả hơn, phát triển thị trường cạnh tranh bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị tối ngày 20/12. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị tối ngày 20/12. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao trong các lĩnh vực công nghệ, chuyển giao công nghệ cao như chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, và hợp tác khai thác không gian vũ trụ, không gian biển.

Đặc biệt, cần mở rộng hợp tác khai thác thị trường mới và tiếp tục đổi mới chính sách visa nhằm thúc đẩy đầu tư và du lịch.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Các ưu tiên bao gồm vận động Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, và phối hợp với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Trong năm 2024, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao với trọng tâm kinh tế đã mang lại hơn 170 thỏa thuận hợp tác.

Các tập đoàn lớn như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Samsung, LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens… đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định vị thế của quốc gia trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Hiện tại, Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam.

Intel đang triển khai giai đoạn hai của nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM.

Google mở rộng chương trình đào tạo kỹ năng tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

NVIDIA đã ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI cũng như Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Song song với Trung tâm R&D của Samsung, LG cũng lên kế hoạch mở trung tâm R&D thứ ba tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoại giao kinh tế còn giúp Việt Nam nâng tổng số FTA lên 17, mở rộng xuất khẩu nông sản và tháo gỡ rào cản kỹ thuật.

Những nỗ lực này đã đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mức cao kỷ lục và phát triển mạnh ngành du lịch, hàng không.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ngoai-giao-kinh-te-la-dong-luc-moi-trong-ky-nguyen-moi-d38452.html