Ngoại giao kinh tế là trụ cột quan trọng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngoại giao kinh tế phải bám sát yêu cầu trong nước, lấy thực tiễn làm thước đo, đề cao tính hiệu quả, chân thành, tôn trọng, tin cậy.
Ngày 21-12, Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao các nỗ lực và thành công của ngành ngoại giao và các lực lượng đối ngoại trong thời gian qua với sáu thành tựu nổi bật. Cụ thể, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, biến kinh tế thực sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của các hoạt động đối ngoại, nắm bắt sát diễn biến tình hình và tham vấn hiệu quả trong xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa bên trong và bên ngoài.
Đồng thời, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển.
Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, chuyển văn hóa thành sức mạnh nội sinh; triển khai hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân, đặc biệt là địa phương với địa phương.
Thủ tướng nhìn nhận những thành tích đó có được nhờ sự nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước trong ngành ngoại giao, cùng sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ban ngành, địa phương; phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị công tác ngoại giao kinh tế phải bám sát yêu cầu trong nước, lấy thực tiễn làm thước đo, đề cao tính hiệu quả, chân thành, tôn trọng, tin cậy, đồng thời đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về ngoại giao, hiểu biết về luật pháp, có tâm và có tầm.
Thủ tướng đánh giá trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ, do đó Bộ Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Công tác ngoại giao toàn diện nhưng ngoại giao kinh tế vẫn là trụ cột quan trọng.
Tình hình thế giới tiếp tục khó khăn, phức tạp, do đó Bộ Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Phát huy tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo
Thủ tướng đề ra sáu nhiệm vụ chính cho ngành ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Đó là tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược, phương pháp luận và cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò trung tâm của kinh tế. Triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Đó còn là hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần “lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ”, bám sát yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, phải làm, phải cung cấp “những gì mà người ta cần chứ không phải những gì mình có”.
Hội nghị đã lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để thảo luận, đề ra chương trình, đề án, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế. Qua đó góp phần đưa công tác này thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.•
Kiều hối về TP.HCM năm 2023 gần 9 tỉ USD
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết từ đầu những năm 2000, Đảng bộ và chính quyền TP đã chú trọng phát triển thị trường tài chính, từ đó hình thành ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP.
Tháng 10-2023, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.
Theo ông Hoan, kết quả năm 2023, TP.HCM thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỉ USD; lượng kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỉ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Các nguồn lực tài chính được thu hút thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế và các chính sách thu hút hiệu quả của TP có vai trò quan trọng, góp phần tạo nguồn lực, mở rộng và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, giao dịch tài chính từng bước hình thành diện mạo một trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Trong thời gian tới, TP tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, thực chất và chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm và tình hình; tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế về TP thân thiện, năng động, an toàn, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư quốc tế, sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng; sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư... NGỌC DIỆP
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngoai-giao-kinh-te-la-tru-cot-quan-trong-post767997.html