Ngoại giao kinh tế phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước

Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) nói riêng.

Đại hội XIII khẳng định "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc" và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Văn kiện đại hội cũng lần đầu tiên đề ra định hướng "xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm".

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thời gian qua, công tác NGKT đã được ngành Ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việc giao lưu, trao đổi đoàn địa phương với nước ngoài được khôi phục sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19; số lượng thỏa thuận hợp tác tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với phát triển của các địa phương được ký kết tăng nhanh. Giai đoạn 2021-2023, các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài.

Công tác NGKT được đẩy mạnh với tư duy mới, cách làm mới, trên tinh thần xác định NGKT là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất trong triển khai công tác đối ngoại địa phương. Các địa phương đã quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác NGKT và hội nhập quốc tế; cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, chương trình hành động, thành lập cơ quan chuyên trách.

Hầu hết các địa phương đã ban hành các kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Các địa phương có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong hợp tác quốc tế, chú trọng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các lĩnh vực mới nhằm phát triển bền vững như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đô thị thông minh...

Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động NGKT đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ,... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Xác định đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm trong ngoại giao kinh tế

Chia sẻ tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng đã chỉ ra những xu hướng nổi trội mà Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hết sức quan tâm. Đó là xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn. Xu hướng xanh hóa gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng; xu hướng về kinh tế số, chuyển đổi số.

Về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, doanh nghiệp nước này thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh… Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để cùng tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng, phong phú, ổn định…

Đại diện các đơn vị trình bày tham luận tại hội nghị

Đại diện các đơn vị trình bày tham luận tại hội nghị

Về hợp tác giữa Việt Nam và EU, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ Việt Nam với EU đã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều dự địa để thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Việt Nam cần đề ra giải pháp phù hợp, tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội, vượt qua thách thức, đạt hiệu quả cao nhất sự hợp tác với đối tác EU.

Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, từ góc độ địa bàn EU, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu không chỉ giúp giảm thiểu tác động từ môi trường mà quan trọng hơn, còn giúp Việt Nam tăng khả năng thích ứng để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và khu vực. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là các lĩnh vực EU có thế mạnh, có nhu cầu hợp tác và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

“Lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Chúng tôi kiến nghị cần giữ đà quan hệ với EU, giữ hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu cần đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm”- Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.

Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao), nhận định triển vọng kinh tế và những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc có thể sẽ có một số tác động thuận nghịch đan xen tới kinh tế Việt Nam.

Theo ông, việc tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, nhất là về kinh tế thương mại với Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chất keo gắn kết, đan xen lợi ích giữa hai nước, là yếu tố tích cực để củng cố nền tảng xã hội và tin cậy chính trị, là động lực góp phần duy trì sự phát triển ổn định quan hệ hai nước.

Để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước, ông Phạm Thanh Bình kiến nghị một số biện pháp như: thiết lập, triển khai cơ chế rà soát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, chương trình hợp tác hai bên đã ký kết; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận nhằm gia tăng sự hiểu biết ở các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp về tiềm năng, ưu thế, nhu cầu hợp tác, tạo niềm tin và xung lực thúc đẩy hợp tác…

Về thương mại, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh (nông, thủy, hải sản), nhất là tại các địa phương còn nhiều tiềm năng chưa khai thác của Trung Quốc như miền Trung, miền Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông; từng bước thúc đẩy thương mại chính ngạch, chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững...

Về đầu tư, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam gần đây có những cải thiện, song nhìn chung vẫn chưa có những dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng. "Trong bối cảnh Trung Quốc có nhu cầu đầu tư đi ra bên ngoài, ta cần tăng cường thống nhất nhận thức trong nội bộ, sớm xác định một số dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của ta mà Trung Quốc có ưu thế, như cơ sở hạ tầng chiến lược, công nghiệp phụ trợ, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… để trao đổi, thúc đẩy hợp tác..." - ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-tich-cuc-cho-cong-cuoc-phat-trien-dat-nuoc-142046.html