Ngoại giao láng giềng là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20/5, ông Lương Kiến Quân - Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết chuyến thăm Việt Nam, Campuchia và Malaysia vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ngoại giao láng giềng là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Ông Lương Kiến Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo ông Lương Kiến Quân, Trung Quốc có vị trí địa lý đặc thù, giáp với nhiều nước trên thế giới. Tại Hội nghị Công tác láng giềng tổ chức gần đây, Trung Quốc xác định láng giềng là cơ sở quan trọng để nước này phát triển phồn vinh, thịnh vượng, bảo đảm an ninh quốc gia và thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Bên cạnh đó, các nước láng giềng có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Từ Đại hội XVIII, XIX và XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, Chủ tịch Trung Quốc đều lựa chọn các nước láng giềng là nước đầu tiên đến thăm. Nhiều chính sách và sáng kiến lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất cũng tập trung ưu tiên vào quan hệ với các nước láng giềng. Tính đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung về xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với 17 quốc gia láng giềng, đồng thời trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 18 nước trong khu vực.
Ngay sau khi Hội nghị Công tác láng giềng kết thúc, Chủ tịch Trung Quốc đã chọn Việt Nam, Campuchia và Malaysia là 3 nước đầu tiên đến thăm trong năm 2025. Điều này một lần nữa khẳng định sự ưu tiên của Trung Quốc đối với chính sách láng giềng và thể hiện rõ quyết tâm tăng cường cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trong khu vực.
Chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện 3 thông điệp quan trọng về chính sách ngoại giao láng giềng. Đầu tiên, ngoại giao láng giềng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Bắc Kinh. Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với các nước láng giềng dựa trên việc lấy xây dựng hòa bình, an ninh, ổn định và phồn vinh làm tư tưởng, lấy láng giềng thân thiện, hữu nghị, thịnh vượng làm phương châm, lấy hòa bình, hợp tác, mở cửa và bao trùm làm giá trị quan cơ bản. Cuối cùng là vai trò dẫn dắt của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất, chống lại chủ nghĩa bá quyền kinh tế, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác khu vực, cam kết duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và thúc đẩy thế giới đa cực công bằng, bình đẳng, cũng như toàn cầu hóa kinh tế toàn diện và bao trùm.
Về quan hệ Trung - Việt, ông Lương Kiến Quân cho biết Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ 4 của Trung Quốc và là đối tác lớn nhất của nước này trong ASEAN. Trong chuyến thăm vừa qua, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực, đồng thời xác định đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.