Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và các nước đối tác
Các Hội nghị Tham vấn đặc biệt giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã trao đổi, thảo luận cách tiếp cận chiến lược của ASEAN và các nước đối tác đối với tình hình hiện nay cũng như phương hướng thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng khu vực.

Các Hội nghị Tham vấn đặc biệt giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Ngày 20/5/2025, các Hội nghị Tham vấn đặc biệt giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và lần lượt các nước đối tác Trung Quốc, Australia - New Zealand, Nhật Bản đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN, Timor-Leste (với tư cách là quan sát viên), Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm Trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Ngoại giao và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang gặp nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, phân tán địa kinh tế...
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến tổ chức các Hội nghị tham vấn đặc biệt này nhằm: (1) cùng nhau trao đổi, đánh giá về những thách thức cũng như tác động của chúng đối với thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế; (2) thảo luận cách tiếp cận chiến lược của ASEAN và các nước đối tác đối với tình hình kinh tế bất ổn hiện nay; (3) cùng nhau thảo luận về phương hướng thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và các nước đối tác nhằm ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu, biến thách thức thành cơ hội, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng khu vực, bảo vệ lợi ích của các bên và giảm tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Các Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến tổ chức các Hội nghị Tham vấn đặc biệt giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác trong bối cảnh hiện nay
Phát biểu tại các hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam ủng hộ ASEAN (với tư cách là một khối đoàn kết, thống nhất) có cách tiếp cận chiến lược toàn diện, linh hoạt và thực tế trong việc tăng cường sự chủ của nền kinh tế nội khối cũng như tăng cường kết nối kinh tế với các nước đối tác quan trọng nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm quan điểm của Việt Nam trong việc chú trọng duy trì môi trường hợp tác quốc tế lành mạnh, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không ảnh hưởng đến các cam kết theo các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại đã có với các đối tác của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam ủng hộ ASEAN (với tư cách là một khối đoàn kết, thống nhất) có cách tiếp cận chiến lược toàn diện, linh hoạt và thực tế trong việc tăng cường sự chủ của nền kinh tế nội khối cũng như tăng cường kết nối kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác quan trọng
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN và các nước đối tác trong thời gian tới nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA 3.0) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm ứng phó với các thách thức hiện nay, hướng tới môi trường thương mại quốc tế minh bạch, ổn định và công bằng.
Cũng tại các hội nghị, các Bộ trưởng đã lần lượt thông qua 3 Tuyên bố chung nhằm thể hiện quan điểm đối với những diễn biến, căng thẳng thương mại hiện nay, cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các nước đối tác trong các cơ chế hợp tác, các FTA hiện có cũng như khai thác các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên cùng quan tâm, tái khẳng định cam kết ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, cởi mở, công bằng, toàn diện, bình đẳng và minh bạch, là cơ sở của thương mại toàn cầu.