Ngoại giao nơi 'biên giới' của đói nghèo và bất công

Bóng đen của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đang lớn hơn bao giờ hết, với 783 triệu người đối mặt với nạn đói kéo dài và 18 điểm nóng, trải dài từ Trung Mỹ, châu Phi hạ Sahara cho đến các vùng xung đột như Sudan và Syria...

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Gerald Walker (*) trong bài viết "Addressing Acute Food Shortages Through Progressive Diplomacy" (Tạm dịch: Giải quyết tình trạng thiếu lương thực thông qua ngoại giao) đăng tải trên Modern Diplomacy ngày 18/7.

Ngoại giao từ những "vùng đói"

Theo Tiến sĩ Gerald Walker, tình trạng thiếu lương thực không chỉ là sự đứt gãy trong khâu hậu cần mà còn là hệ quả của những bất công bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân, chính sách thương mại tân tự do và sự yếu kém trong quản trị toàn cầu.

Tuy nhiên, với cam kết vì công lý và tình đoàn kết, ngoại giao có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để giải quyết các cuộc khủng hoảng này. Bằng cách ưu tiên hợp tác đa phương, dỡ bỏ các rào cản mang tính hệ thống và đặt nhu cầu của những quốc gia Nam bán cầu làm trung tâm, ngoại giao tiến bộ (progressive diplomacy) có thể mở đường cho những giải pháp bền vững nhằm chống lại nạn đói.

Tiến sĩ Gerald Walker khẳng định, đói nghèo không phải là vấn đề đơn lẻ mà là hệ quả của các bất công có tính cấu trúc. Hàng thập kỷ áp dụng những chính sách kinh tế mang tính khai thác đã khiến nhiều quốc gia thu nhập thấp trở nên dễ tổn thương trước các cuộc khủng hoảng lương thực. Ở khu vực châu Phi hạ Sahara, sự lệ thuộc vào mô hình xuất khẩu cây trồng thương mại, vốn là hệ quả của các chương trình điều chỉnh cơ cấu do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thúc đẩy, đã làm xói mòn nghiêm trọng khả năng tự chủ lương thực của cộng đồng địa phương.

Khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đang lớn hơn bao giờ hết, với 783 triệu người đối mặt với nạn đói kéo dài. (Nguồn: UNICEF)

Khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đang lớn hơn bao giờ hết, với 783 triệu người đối mặt với nạn đói kéo dài. (Nguồn: UNICEF)

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, chủ yếu do các nước công nghiệp gây ra, càng làm trầm trọng thêm hạn hán và lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những nông dân quy mô nhỏ – lực lượng cung cấp phần lớn lương thực cho thế giới. Các cuộc xung đột ở Sudan (với 12 triệu người phải di tản) và Dải Gaza (96% dân số đang đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng) càng trở nên khốc liệt hơn do nhiều lệnh trừng phạt và phong tỏa cản trở dòng viện trợ. Đối với Tiến sĩ Gerald Walker, đây là những cuộc khủng hoảng đan xen, đòi hỏi một hình thức ngoại giao có khả năng thách thức cán cân quyền lực hiện tại thay vì tiếp tục duy trì nó.

Ông cũng nhận định, để cải thiện tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng tại những điểm nóng cần ưu tiên thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, coi an ninh lương thực là một lợi ích công toàn cầu. Mặc dù còn nhiều bất cập, Liên hợp quốc vẫn giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối các phản ứng toàn cầu trước khủng hoảng. Trong đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cần đóng vai trò đầu tàu trong việc mở rộng cứu trợ khẩn cấp, song những tổ chức này cần phải được đảm bảo về nguồn tài chính và sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ.

Theo vị chuyên gia, các nhà ngoại giao cần vận động tăng mức đóng góp cho WFP - tổ chức hiện đang thiếu hụt 4,5 tỷ USD ngân sách cho hoạt động nhân đạo. Nhóm các quốc gia phát triển, đặc biệt là G7, cũng cần cam kết tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính, đồng thời chuyển nguồn lực từ ngân sách quân sự sang viện trợ nhân đạo - một bước đi thể hiện tinh thần tiến bộ, đặt lợi ích con người lên trên hết.

Ngoại giao cần đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy cải cách hệ thống thương mại toàn cầu, vốn đang bất lợi cho các quốc gia nghèo. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng phải xem xét lại các chính sách trợ cấp cho các tập đoàn nông nghiệp phương Tây – những chính sách đã khiến hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường các nước đang phát triển, làm suy yếu sinh kế của nông dân địa phương.

Ngoài ra, một chương trình nghị sự ngoại giao tiến bộ nên hướng tới việc xây dựng các hiệp định thương mại công bằng hơn, bảo vệ nông nghiệp quy mô nhỏ, thúc đẩy mô hình canh tác sinh thái và đảm bảo người sản xuất ở Nam bán cầu được hưởng mức giá hợp lý. Tiến sĩ Gerald Walker đề xuất, Hội nghị Bộ trưởng WTO năm 2026 có thể ưu tiên quyền miễn trừ cho những chương trình an ninh lương thực, cho phép các quốc gia như Ấn Độ duy trì kho dự trữ lương thực công mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt.

Vai trò tiên phong

Theo Tiến sĩ Gerald Walker, xung đột là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính, và ngoại giao tiến bộ cần tập trung vào việc xây dựng hòa bình nhằm đảm bảo viện trợ đến được với những người cần.

Tại Syria, nơi những lệnh trừng phạt đã làm tê liệt chuỗi cung ứng thực phẩm và thuốc men sau thời kỳ cựu Tổng thống Basharal-Assad, ngoại giao cần hành động để có ngoại lệ nhân đạo nhằm tạo điều kiện phân phối viện trợ. Trong khi đó, những bên thường áp đặt cấm vận như Mỹ và EU càng cần phải lấy con người làm trung tâm, đặt quyền tiếp cận lương thực của dân thường lên trên tính toán địa chính trị.

Tương tự, tại Sudan, nơi 25,6 triệu người đang đối mặt với nạn đói, ngoại giao khu vực thông qua Liên minh châu Phi (AU) có thể làm trung gian cho các lệnh ngừng bắn và mở hành lang an toàn cho viện trợ. Các nhà ngoại giao nên khuếch đại tiếng nói của xã hội dân sự địa phương, đảm bảo rằng tiến trình hòa bình có sự tham gia rộng rãi và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ như bất bình đẳng về tài nguyên.

Ngoại giao cần phải táo bạo, toàn diện và kiên định trên con đường hướng tới một tương lai không còn đói nghèo. (Nguồn: Global Parliament of Mayors)

Ngoại giao cần phải táo bạo, toàn diện và kiên định trên con đường hướng tới một tương lai không còn đói nghèo. (Nguồn: Global Parliament of Mayors)

Đặc biệt, Tiến sĩ Gerald Walker nhấn mạnh, biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nặng nề nhất đến Nam bán cầu - cũng đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao lấy công lý làm cốt lõi. Tại COP30 ở Brazil sắp tới, Tiến sĩ cho rằng các nhà ngoại giao cần kêu gọi một gói tài chính khí hậu trị giá 300 tỷ USD, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nông dân quy mô nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm tài trợ cho giống cây chịu hạn, hệ thống tưới tiêu và ngân hàng hạt giống do cộng đồng quản lý.

Các quốc gia phát triển, vốn chịu trách nhiệm cho 80% lượng khí thải trong lịch sử, không chỉ mang trách nhiệm đạo đức mà còn phải gánh vác nghĩa vụ tài chính hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương. Ngoài ra, ngoại giao cũng cần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, giúp các nước nghèo áp dụng những phương pháp canh tác bền vững mà không bị lệ thuộc vào các tập đoàn kiểm soát giống cây trồng biến đổi gen.

Tiến sĩ Walker chỉ rõ, một chiến lược ngoại giao quyết đoán phải đặt vai trò chủ thể của các khu vực mất an ninh lương thực lên hàng đầu. Tiêu biểu như sáng kiến Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), mang lại cơ hội củng cố hệ thống lương thực khu vực, giảm sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu dễ biến động.

Bên cạnh đó, ngoại giao cũng cần hỗ trợ các chương trình nâng cao năng lực cho nông dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ, lực lượng đang sản xuất tới 80% lượng lương thực tại một số quốc gia châu Phi. Cuối cùng, Tiến sĩ Gerald Walker khẳng định, thông qua hợp tác Nam-Nam, chẳng hạn như chia sẻ tri thức giữa các hợp tác xã ở Mỹ Latinh và châu Phi, ngoại giao có thể thúc đẩy một hệ thống lương thực tự chủ và bền vững.

Tựu trung, tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính là một thất bại đạo đức và chính trị song sự phối hợp giữa các quốc gia có thể mở ra con đường phía trước. Thông qua cải cách thương mại toàn cầu, ưu tiên miễn trừ nhân đạo tại các vùng xung đột, đảm bảo tài chính khí hậu và trao quyền cho các quốc gia Nam bán cầu, ngoại giao có thể giải quyết tận gốc nạn đói. Để làm được điều đó, thế giới cần dứt khoát từ bỏ những chính sách đặt lợi nhuận lên trên con người và theo đuổi một cam kết mạnh mẽ vì công bằng, tình đoàn kết và cải cách mang tính hệ thống. Năm 2025, thế giới không còn thời gian cho những nửa vời – ngoại giao cần phải táo bạo, toàn diện và kiên định trên con đường hướng tới một tương lai không còn đói nghèo.

(*) Tiến sĩ Gerald Walker là một nhà nghiên cứu có nhiều bài viết được đăng tải trên các ấn phẩm nổi tiếng về chính trị thế giới và ngoại giao quốc tế. Ông cũng thường được mời làm diễn giả khách mời tại các trường đại học.

(theo Modern Diplomacy)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-noi-bien-gioi-cua-doi-ngheo-va-bat-cong-322222.html