Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Sáng 10/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao cần phát huy những thành tựu của năm 2022 để làm tốt các nhiệm vụ của năm 2023.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta vinh dự, tự hào bởi ngành ngoại giao với nhiệm vụ hết sức quan trọng là thực hiện chức năng đối ngoại của Nhà nước. Những năm qua, Bộ Ngoại giao đã luôn nỗ lực, quyết tâm, đấu tranh vì lợi ích quốc gia-dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên trì về nguyên tắc; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong ứng xử đối ngoại; luôn nỗ lực xác định đúng địa bàn, tìm đúng vấn đề, chọn trúng thời điểm để tạo sự đột phá trong công tác đối ngoại.
Thủ tướng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao.
Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước thể hiện quan điểm về vấn đề Ukraine rất phù hợp, thể hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam. Hoạt động đối ngoại đã được đẩy mạnh toàn diện với tất cả các nước lớn và hầu hết các đối tác chủ chốt, thể hiện qua gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước , trong đó có 14 chuyến thăm của ta đến 17 nước; tham dự 5 hội nghị quốc tế đa phương; hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới; tiếp đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam.
Ngoại giao đã thể hiện quan điểm xuyên suốt, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, từ khi chưa có lâm nguy. Ngoại giao vaccine được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, thiết thực, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta cần tổng kết để các thế hệ đi sau có thêm kinh nghiệm xử lý các vấn đề.
Theo Thủ tướng, trong công tác đối ngoại phải chân thành, nhất là thể hiện hình ảnh của con người Việt Nam; Bộ Ngoại giao đã bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Bộ Ngoại giao đã thể hiện bản lĩnh, linh hoạt, chủ động thích ứng kịp thời và hiệu quả…
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực lớn, quyết tâm cao và những kết quả quan trọng nêu trên của ngành ngoại giao nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định phương châm hành động năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương; Bản lĩnh linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời hiệu quả”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhất trí với chủ đề hành động năm 2023 của ngành ngoại giao là “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, sáng tạo, vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.
Về phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là: tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc; từ đó cụ thể hóa mọi chủ trương, đường lối của Đảng với tinh thần chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ “từ sớm”, “từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, không để Đảng, Nhà nước bị động bất ngờ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thứ hai, nắm chắc tình hình, phản ánh trung thực tình hình; tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phù hợp; không để bị động về chiến lược; khi thực hiện phải hết sức linh hoạt, đánh giá đúng bản chất, nhất là các vấn đề liên quan “đối tượng, đối tác”; vận dụng sáng tạo về đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng. Tăng cường vai trò tiên phong, tai mắt của ngành ngoại giao, nhất là hệ thống 94 cơ quan đại diện phải thực sự là những cây “ăng-ten” nhạy bén; phải làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, tổng kết; phải có tư duy mạch lạc, tầm nhìn chiến lược.
Thứ ba, tập trung thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị-xã hội. Đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới tiếp tục bất ổn, bất định; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp nội lực với ngoại lực.
Nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy đàm phán các hiệp định; vận động EU ký Hiệp định EVIPA, phấn đấu gỡ thẻ vàng IUU trong vòng 6 tháng; chủ động thích ứng các vấn đề kinh tế liên quan vấn đề lạm phát, chống lạm phát của các nước ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào; rồi vấn đề thị trường xuất khẩu bị thu hẹp trong bối cảnh không thuận lợi. Về vấn đề này phải cụ thể, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là Thương vụ Việt Nam phải nỗ lực thúc đẩy vấn đề này để góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Hình ảnh sống động nhất chính là từ công việc của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, sức thuyết phục, cách làm việc, sự chân thành, tin cậy. Các đại sứ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để nước sở tại chia sẻ, thấu hiểu.
Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại Quốc hội, Đối ngoại nhân dân; phải tham mưu “đúng vai, thuộc bài”, phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trên cơ sở có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt.
Thứ năm, hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại; có tổng kết, tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tình hình trong nước, thế giới, nhất là bài học hay, kinh nghiệm quý của các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên.
Thứ bảy, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các địa phương, chủ động cung cấp thông tin mà các địa phương cần.
Thứ tám, tăng cường công tác nghiệp vụ ngoại giao cần thiết.
Thứ chín, làm tốt công tác truyền thông đối ngoại với mục tiêu cuối cùng là làm cho thế giới yêu Việt Nam nhiều hơn, khí thế dân tộc mạnh mẽ hơn, hoạt động đối ngoại hiệu quả, thực chất hơn, hun đúc nên lòng yêu nước.