Ngoại giao quốc phòng Ấn Độ: Phản ứng chiến lược trước Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Modi
Trong thập kỷ qua, Ấn Độ chứng minh thành công 3 trụ cột trong chiến lược quốc phòng với quốc gia láng giềng Trung Quốc, bao gồm năng lực, uy tín và giao tiếp.
Đó là nhận định của ông Atul Kumar* trong bài viết “Ngoại giao quốc phòng Ấn Độ: Phản ứng chiến lược trước Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Modi" đăng trên trang web của Quỹ Nghiên cứu người quan sát (ORF) ngày23/9.
Tác giả nhận định, thông qua các cuộc tập trận quân sự chung, các chương trình trao đổi quân nhân, chuyến thăm cấp cao và thỏa thuận quốc phòng song phương, Ấn Độ đã củng cố hơn nữa quan hệ ngoại giao quốc phòng với các đối tác chủ chốt ở Nam Á, Đông Nam Á và trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn. Từ đó, New Delhi nổi lên như một cường quốc “đáng gờm” ở Đông bán cầu.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Narendra Modi đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Ấn Độ. Một tuần trước đó, quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở khu vực Chumar thuộc khu vực Ladakh, phía Đông Ấn Độ.
Căng thẳng quân sự nhanh chóng leo thang, phủ bóng lên chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tới New Delhi. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Modi "vấp" phải chiến lược răn đe từ phía Bắc Kinh.
Sáng kiến lý tưởng
Trong suốt thập kỷ qua, quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ kinh qua vô vàn thử thách, buộc quốc gia Nam Á phải tìm kiếm đường lối ngoại giao quân sự có tính răn đe. Ban đầu, các chiến lược được thực hiện một cách thận trọng, theo “mô hình” chung sống hòa bình với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau một số sự kiện song phương lớn, đặc biệt là các cuộc đụng độ ở Doklam và Galwan, Ấn Độ phải chuyển từ cách tiếp cận thận trọng sang một chiến lược chủ động hơn, không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà còn mang tính răn đe.
Theo chuyên gia Atul, sau sự kiện ở Chumar năm 2014, Trung Quốc lại điều 2 tàu ngầm tấn công của hạm đội Hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, trong đó có một tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm này cập cảng Sri Lanka để tiếp nhiên liệu và bổ sung nhu yếu phẩm, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ an ninh tiềm tàng cho bán đảo.
Qua đó, chính phủ Thủ tướng Modi cũng nhận thấy tính cấp thiết của việc xây dựng các chiến lược khu vực để ứng phó với động thái quân sự của Trung Quốc. Chính vì vậy, New Delhi quyết định tăng cường ngoại giao quốc phòng với các đối tác quan trọng ở Nam Á, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, các cuộc tập trận hải quân Malabar nổi lên như một chiến lược quan trọng. Vào năm 2015, Ấn Độ và Mỹ đồng ý mời Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận này với tư cách thành viên thường trực. Đây là bước tiến quan trọng nhằm củng cố năng lực của 3 cường quốc hải quân ở Đông bán cầu, đặc biệt khi tất cả đều gặp thách thức trong quan hệ với Trung Quốc.
Năm 2020, nhóm này mở rộng quy mô, với Australia là thành viên thứ tư, đánh dấu tập trận lần đầu tiên của tất cả thành viên nhóm Bộ tứ (Quad). Các cuộc tập trận Malabar mang đến cho các bên tham gia một nền tảng chung để trao đổi học thuyết, hoàn thiện kỹ năng huấn luyện và nâng cao khả năng phối hợp hành động.
Phạm vi của cuộc tập trận đã được mở rộng, bao gồm các hoạt động tàu sân bay, tuần tra và trinh sát trên biển, tác chiến trên mặt nước và chống ngầm, phối hợp đáp trực thăng và tiếp tế trên biển.
Trong thập kỷ qua, các cuộc tập trận được tổ chức tại nhiều khu vực và quốc gia khác nhau, bao gồm vịnh Bengal, biển Arab, biển Philippines, biển Hoa Đông, đảo Guam, Nhật Bản và Nam Thái Bình Dương. Ngày nay, các cuộc tập trận Malabar trở thành công cụ ngoại giao hải quân hàng đầu ở châu Á.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc chỉ trích sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực hải quân của các nền dân chủ trong khu vực, đồng thời lên án cái “bắt tay” của Ấn Độ và Mỹ trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng “phật lòng” khi Ấn Độ giám sát và tịch thu các tàu Trung Quốc đang vận chuyển hàng hóa mục tiêu kép đến Pakistan.
Ông Atul nhấn mạnh, các cuộc tập trận Malabar giúp Ấn Độ mua được nhiều cảm biến, hệ thống vũ khí tiên tiến từ Mỹ và Nhật Bản. Các giao dịch vũ khí này cùng với việc các bên tham gia hiểu rõ năng lực quân sự và khả năng phối hợp hoạt động của nhau, được kỳ vọng làm suy yếu tham vọng bá chủ châu Á của quốc gia tỷ dân. Chính vì vậy, các cuộc tập trận Malabar là một sáng kiến ngoại giao quốc phòng lý tưởng để ứng phó và răn đe Trung Quốc.
Xích lại gần Đông Nam Á
Theo tác giả bài viết, lợi ích thương mại và chiến lược của Ấn Độ cũng như cam kết tự do hàng hải đều phụ thuộc vào việc duy trì ổn định ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây có nguy cơ đe dọa lợi ích Ấn Độ, làm suy yếu trật tự dựa trên quy tắc của khu vực. Bởi vậy, Ấn Độ quyết định thúc đẩy quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Đông Nam Á. Ngược lại, các quốc gia như Singapore, Việt Nam và Philippines cũng củng cố hơn nữa quan hệ với New Delhi, đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược và giảm bớt sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Tháng 11/2015, Singapore hoàn tất Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, trước khi diễn ra cuộc Đối thoại quốc phòng Ấn Độ-Singapore cấp bộ trưởng lần đầu tiên vào tháng 6/2016. Tiếp đó, vào tháng 11/2017, hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác hải quân nhằm tăng cường an ninh hàng hải, hỗ trợ hậu cần và tiến hành các cuộc tập trận chung. Đáng chú ý, thỏa thuận này cho phép các tàu hoặc lực lượng quân sự của hai nước có thể tạm thời sử dụng cơ sở quân sự của nhau, tàu Ấn Độ được tiếp cận cảng Singapore để tiếp nhiên liệu và cập cảng một cách thuận lợi. Động thái này giúp Hải quân Ấn Độ hoạt động xa hơn về phía Đông eo biển Malacca và tăng cường quan hệ quân sự với nhiều quốc gia Đông Nam Á trên các khía cạnh như hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm, cung cấp viện trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tăng cường an ninh mạng.
Bên cạnh đó, dưới thời Thủ tướng Modi, Việt Nam và Philippines cũng thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng với New Delhi. Năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và tổ chức đối thoại an ninh lần đầu tiên vào năm 2018. Năm 2020, hai nước thiết lập Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và người dân. Đặc biệt, vào năm 2022, hai bên tiếp tục ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030, đánh dấu thỏa thuận quốc phòng đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác.
Chuyên gia Atul nêu rõ, Ấn Độ cũng đưa đến cho Việt Nam nhiều sự hỗ trợ về mặt vật chất, mở hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD để Hà Nội mua 12 tàu tuần tra từ xưởng đóng tàu Larsen và Toubro ở Chennai, tặng Hải quân Việt Nam tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan, xem xét chuyển giao tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Việt Nam trở thành nền tảng của ngoại giao quốc phòng Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, là một trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.
Từ năm 2016, Philippines trở thành một đối tác quan trọng của quân đội Ấn Độ và là thị trường tiềm năng cho New Delhi xuất khẩu hàng hóa quốc phòng. Trong quá khứ, mối quan hệ Ấn Độ-Philippines kém phát triển nhất khu vực bởi các chính phủ Philippines trước đây thường tập trung duy trì cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa cựu Tổng thống Rodrigo Duterte với Mỹ, cùng các lo ngại về Trung Quốc buộc ông Duterte tìm kiếm các đối tác quốc phòng khác trong khu vực. Động thái này góp phần nâng cao vai trò của ngoại giao quốc phòng Ấn Độ trong khuôn khổ an ninh Philippines.
Bài viết nhận định, việc ông Modi tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á ở Manila năm 2017 và chuyến thăm của ông Duterte tới New Delhi năm 2018 đã đặt nền móng cho sự hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn giữa hai nước. Dưới thời ông Duterte và Tổng thống kế nhiệm Ferdinand Romualdez Marcos, Jr., quan hệ quốc phòng song phương Ấn Độ-Philippines phát triển mạnh mẽ. Tàu chiến Ấn Độ thường xuyên ghé thăm các cảng của Philippines và tiến hành tập trận chung.
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng đồng ý chuyển giao ba tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Philippines. Tại cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Philippines tháng 3/2023, Ấn Độ đồng ý cử một tùy viên quốc phòng đến Manila giám sát các vấn đề quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, các hoạt động đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo, an ninh mạng, nhận thức về lĩnh vực hàng hải và trao đổi thông tin vận tải hàng hóa cũng được hai bên triển khai. Quan hệ song phương giữa New Delhi và Manila phát triển thành đối tác khu vực mang tính quyết định, phục vụ lợi ích chung, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Phản ứng của Bắc Kinh
Theo ông Atul, diễn ngôn quốc phòng Trung Quốc thường nhấn mạnh những thay đổi trong đường lối đối ngoại của Ấn Độ từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, đặc biệt là sự cải thiện trong quan hệ quốc phòng với Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Philippines và Australia.
Ấn Độ cũng đang mở rộng lợi ích của mình ở Biển Đông và sử dụng các tranh chấp tại đây để đáp trả hành động của Trung Quốc ở biên giới hai nước. Sau sự cố Galwan, Bắc Kinh tin rằng việc New Delhi gia tăng hoạt động tại Biển Đông khiến đầu tư tài nguyên của nước này dọc theo biên giới Ấn Độ bị hạn chế.
Đối với Trung Quốc, New Delhi xem Ấn Độ Dương như một khu vực chiến lược. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành một trật tự khu vực tập trung vào Ấn Độ khi nước này nắm quyền kiểm soát các kênh hàng hải quan trọng tại đây. Ông Atul cho rằng, quốc gia Nam Á này cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành “hình mẫu” cho các nước đang phát triển, đồng thời thông qua ngoại giao quốc phòng, Ấn Độ mong muốn đóng vai trò hàng đầu trong việc duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với việc hoàn tất chuyển giao tên lửa BrahMos cho Philippines, Bắc Kinh lo ngại New Delhi sẽ sớm trở thành một trong những nguồn cung cấp vũ khí chính cho các quốc gia Đông Nam Á.
Trước đây, Ấn Độ thường không bình luận về các hành động của Trung Quốc ở châu Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ấn Độ bắt đầu lên tiếng phản đối mạnh mẽ một số chính sách của Trung Quốc, ủng hộ phán quyết năm 2016 của Liên hợp quốc liên quan đến “đường chín đoạn” ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự dựa trên quy tắc, hướng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở.
Bên cạnh đó, xu hướng thương mại quốc phòng của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng trong thập kỷ tới. Hiệu suất của các nền tảng vũ khí ngày càng được công nhận. Do đó, Ấn Độ có khả năng trở thành một nhà cung hàng hóa quốc phòng lớn cho các quốc gia ngoại vi Trung Quốc, từ đó định hình quan hệ đối tác chiến lược dài hạn và đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Việc gia tăng tần suất các cuộc tập trận quân sự chung, tổ chức chương trình trao đổi cho quan chức trong các cơ sở đào tạo quân sự, thường xuyên tiến hành những chuyến thăm cấp cao và ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng song phương đã tái định hình vị thế của Ấn Độ như một cường quốc Đông bán cầu. Các yếu tố như diện tích rộng lớn, dân số đông, kinh tế phát triển, quân đội và khả năng ngoại giao giúp New Delhi cân bằng với sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Vì vậy, đường lối ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ dự kiến tiếp tục mở rộng, đặt ra những thách thức cho vị thế chiến lược của Trung Quốc tại châu Á.
Tựu trung, trong bối cảnh đầy rẫy thách thức hiện nay, thông qua đường lối ngoại giao quốc phòng linh hoạt và mạnh mẽ, Ấn Độ ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế hàng đầu của mình. Hơn hết, đường lối ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ còn tác động đến cục diện an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định vị thế của New Delhi như một cường quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu.
* Tác giả là nhà nghiên cứu trong Chương trình nghiên cứu chiến lược của ORF. Ông tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia châu Á, khả năng quân sự thám hiểm của Trung Quốc, ngoại giao quốc phòng, cũng như chính sách an ninh và đối ngoại. Ông cũng là thành viên của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Sydney. Ông giảng dạy tại Đại học Monash, Đại học Queensland và các cơ sở quân sự Ấn Độ.
Ông Atul có bằng Tiến sĩ về nghiên cứu quân sự Trung Quốc từ Đại học Monash, bằng Thạc sĩ nghiên cứu quốc tế (MPhil) và Thạc sĩ chính trị quốc tế (MA) từ Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi).