'Ngoại giao tái xuất' với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7
Sau 2 năm đại dịch, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 được tổ chức tại Anh đã đánh dấu màn tái xuất cho ngoại giao trực tiếp thay vì trực tuyến.
Ngày 4/5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc ở London (Anh), dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, các cuộc thảo luận trong hội nghị tập trung vào quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran, tình hình ở Myanmar, cũng như bạo lực ở Ethiopia và Syria.
Cơ hội để các nước ngồi lại giải quyết các vấn đề quốc tế
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh, Hội nghị tổ chức trực tiếp cho thấy “ngoại giao đã trở lại” và thông qua đó, Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế.
“Ngoại giao đã trở lại, các nước G7 đang ở đây và các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham dự phiên họp vào hôm sau".
Theo Ngoại trưởng Anh, Hội nghị cho thấy tầm quan trọng của việc đưa các quốc gia ngồi lại với nhau trong bối cảnh các nước đều đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu.
"Đây là điều một 'nước Anh toàn cầu' hướng đến. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không chỉ tận dụng cơ hội có sẵn mà cần thực sự giải quyết các vấn đề nổi cộm”.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, hai bên thảo luận về mong muốn đảm nhận cương vị Chủ tịch G7 của Anh và sự tương đồng trong chính sách đối ngoại của Anh và Mỹ.
Hai bên nhất trí rằng, hợp tác giữa Anh và Mỹ là điều cần thiết để có được tiến triển trong việc chống lại đại dịch Covid-19, bảo vệ môi trường và những ưu tiên quốc tế khác.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng hoan nghênh các lĩnh vực rộng lớn hơn mà Anh với Mỹ đang hợp tác như thương mại và quốc phòng.
Về đại dịch, Thủ tướng Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của G7 trong vấn đề này, bao gồm những nỗ lực gia tăng khả năng sản xuất vaccine trên toàn thế giới.
Ngoài ra, hai bên thảo luận một số vấn đề khác như Afghanistan, Iran và Trung Quốc.
Trong bối cảnh hai quốc gia đang thiết lập mối quan hệ mới sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Blinken khẳng định rằng, nước Mỹ không có đồng minh và đối tác nào thân cận hơn Anh.
Thúc đẩy hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Sau hội nghị chính thức, Ngoại trưởng các nước G7 cùng các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã dự tiệc tối và thảo luận bên lề hội nghị.
Ngoại trưởng Anh coi cuộc họp tối 4/5 là cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa G7 và các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xúc tiến quan hệ thương mại, bảo đảm sự ổn định và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước các cuộc thảo luận, ông Dominic Raab cho biết: “Vai trò Chủ tịch G7 là cơ hội để Anh đưa các xã hội mở và dân chủ lại gần nhau, thể hiện sự thống nhất ở thời điểm cần thiết nhằm chống lại các thách thức chung đang nổi lên”.
Theo Ngoại trưởng Anh, việc có sự góp mặt của Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi, cũng như nước Chủ tịch ASEAN Brunei cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với G7.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng các nước G7 cam kết sẽ đầu tư 10,9 tỷ Bảng Anh (hơn 15 tỷ USD) trong hai năm tới nhằm giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển tiếp cận việc làm, xây dựng các doanh nghiệp có sức bật và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Họ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2026 các nước nghèo có thêm 40 triệu bé gái được đi học, thêm 20 triệu bé gái biết đọc năm 10 tuổi.
Các cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Raab đang bị chỉ trích khi cắt giảm viện trợ nước ngoài từ 0,7% xuống 0,5% GDP, với nguyên nhân đến từ tác động tiêu cực của đại dịch.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Blinken, Ngoại trưởng Anh cho biết, quyết định cắt giảm viện trợ nước ngoài là “quyết định khó khăn”, nhưng Anh vẫn có tham vọng “trở thành một lực lượng tích cực hơn trên thế giới”.
Trước hội nghị, Ngoại trưởng Raab đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu. Hai bên đã thảo luận về hợp tác thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu.
Nhiều biện pháp chống dịch Covid-19 đã được thực hiện để bảo đảm an toàn cho hội nghị và các sự kiện bên lề, bao gồm xét nghiệm thường xuyên, hạn chế số người tham gia và nhiều biện pháp khác.
(theo ITV)