Ngoại giao… 'tên lửa phòng không'

Trên thị trường vũ khí quốc tế hiện nay, hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất được nhắc đến nhiều nhất vì là mặt hàng được săn đón bởi các đồng minh của Mỹ. Đối với Lầu Năm Góc, việc nhiều quốc gia thân cận với mình lại lựa chọn vũ khí của đối thủ vừa là đòn giáng vào uy tín, vừa là mối nguy hại tiềm tàng đối với vũ khí Mỹ.

Ngày 13-6, trong một phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất về khu vực Nam và Trung Á Alice Wells cho biết, Mỹ đang bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Thậm chí, Mỹ còn đề cập đến khả năng cấm vận kinh tế dựa trên Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Lý do của động thái trên xuất phát từ tháng 10-2018, New Delhi ký hợp đồng mua 5 hệ thống S-400, trị giá 5,43 tỷ USD.

Ngày 21-6, một quan chức Mỹ tiếp tục đưa ra lời cảnh báo, lần này tới tất cả các đồng minh hoặc đối tác, phải ngừng mua bán vũ khí với Nga, nếu không sẽ phải chịu trừng phạt của CAATSA. Tuy nhiên, các khách hàng đã đặt bút ký vào bản hợp đồng S-400 được Mỹ nhắc tới đều khẳng định sẽ không thay đổi quyết định.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên lớn thứ hai trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thậm chí tuyên bố sẽ rời khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 mà nước này tham gia từ năm 2002 và không từ bỏ thương vụ S-400 với Nga. Nước này cho biết nếu Washington không cung cấp F-35, Ankara sẽ tìm đến Nga để mua tiêm kích thế hệ 5 Su-57. Dự kiến, quá trình chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu từ tháng 7.

 Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: TASS.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: TASS.

Ngoài ra, các quốc gia đồng minh hoặc đối tác chiến lược của Mỹ, như: Saudi Arabia, Qatar, Iraq và Ai Cập đều đang để mắt tới S-400. Điều này khiến Washington phải ráo riết chào bán các sản phẩm của mình, đồng thời đưa ra lý do rằng S-400 không tương thích với các hệ thống vũ khí phương Tây.

S-400 là “át chủ bài” của Nga nhằm đối phó với các máy bay sử dụng công nghệ giảm bộc lộ ra-đa của Mỹ, bao gồm máy bay ném bom B-2, tiêm kích F-22 và F-35. Mỹ cho rằng nếu máy bay hoạt động trong khu vực có ra-đa của S-400 hoạt động, cho dù là S-400 do đối tác điều khiển, các dữ liệu về tín hiệu ra-đa, đặc tính bay của tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ có thể bị S-400 thu thập và chuyển cho phía Nga.

Điều làm Mỹ lo ngại hơn cả là khi F-35 của khách hàng hoạt động chung với S-400, hai loại vũ khí phải kết nối vào cùng một hệ thống chia sẻ dữ liệu, cũng như hệ thống phân biệt địch-ta. Toàn bộ những thông tin tuyệt mật về F-35, cũng như quy trình truyền tin, liên lạc của Mỹ và đồng minh có thể bị lộ theo cách này.

Vì lý do “không đội trời chung” với S-400 trên, Mỹ không thể bán F-35 cho các nước quyết tâm sở hữu S-400, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều khách hàng tiềm năng cho dòng máy bay hiện đại nhưng đắt đỏ này. Mỹ cần mọi hợp đồng có thể để bù đắp khoản ngân sách khổng lồ dành cho việc phát triển F-35, đồng thời duy trì ảnh hưởng của mình thông qua sự phụ thuộc của các quốc gia khách hàng vào chuỗi cung ứng F-35 do Mỹ nắm giữ.

Ngược lại với F-35 là vũ khí tấn công, S-400 là vũ khí thuần túy dành cho phòng thủ. Do đó mỗi hợp đồng S-400 lại càng gia tăng ảnh hưởng của Nga như “người bảo trợ” cho hòa bình. Sự hiện diện của S-400 giúp hạn chế đụng độ không quân trên ranh giới không phận các nước, hoặc trong vùng có xung đột. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 và Syria triển khai phiên bản cũ hơn là S-300 do Nga viện trợ, căng thẳng sẽ không leo thang tại khu vực quân Chính phủ Syria đụng độ với phiến quân do Ankara ủng hộ vì hai bên hạn chế sử dụng không quân.

Không chỉ với S-400, từ những năm 2000 đã có nhiều nước đi ngoại giao sử dụng tên lửa phòng không. Năm 2017, Ai Cập, quốc gia đang bày tỏ quan tâm tới S-400 đã biên chế 4 tổ hợp S-300VM, có tính năng kém hơn nhưng vẫn có khả năng chống tên lửa đạn đạo. S-300VM được triển khai làm đối trọng với nước láng giềng Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Trước đó vào năm 2001, Hàn Quốc đã hợp tác với Nga để phát triển tên lửa phòng không nội địa. Viện thiết kế Almaz-Antey, đơn vị phát triển S-400 đã chế tạo nguyên mẫu một hệ thống phòng không tầm trung, sau đó chuyển giao cho phía Hàn Quốc. Nguyên mẫu trên phát triển thành hai hệ thống Cheolmae-2 của Hàn Quốc và S-350 của Nga, hiện đều đã đi vào trang bị trong quân đội hai nước.

Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc còn đang phát triển hệ thống phòng không tầm xa có tên Cheolmae-4H. Dự kiến, Cheolmae-4H có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Đây là nỗ lực tự chủ của Hàn Quốc nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt khi quân đội Mỹ nắm toàn quyền điều khiển THAAD. Cheolmae-4H được cho là sẽ dựa trên công nghệ của S-400 do Nga chuyển giao và cùng với Cheolmae-2 hình thành mạng lưới phòng thủ đa tầng K-AMD độc lập với lực lượng Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, S-400 là “cành ô liu” trong ngoại giao, khẳng định vị thế của một nước trong vài trò bảo đảm an ninh của các quốc gia đối tác. Đồng thời, S-400 có thể góp phần ngăn ngừa leo thang căng thẳng ở những điểm nóng có mặt chúng.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ngoai-giao-ten-lua-phong-khong-581308