Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc
Suốt chặng đường 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc.” (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong ASEAN và ở khu vực, có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc” diễn ra ngày 28/7 tại Hà Nội.
80 năm ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho khẳng định ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 10/1961. (Ảnh: TTXVN)
Kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ánh sáng của Đảng và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh suốt chặng đường 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các ngoại trưởng ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của khối. (Ảnh: TTXVN)
“Sau khi nước nhà thống nhất, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng cục diện đối ngoại bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoại giao đi đầu đưa đất nước dần hội nhập vào khu vực và quốc tế, đặc biệt qua các cột mốc lịch sử như gia nhập ASEAN, APEC, WTO... và ký kết, tham gia hàng trăm thỏa thuận, điều ước quốc tế,” ông Bùi Thanh Sơn nói.
Ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trải qua 8 thập kỷ, từ chỗ “thân cô thế cô,” đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta cũng đã có quan hệ với 259 chính đảng tại 119 nước.

Sáng 29/8/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và phát triển ngành ngoại giao. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Để đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, ông Bùi Thanh Sơn cho hay toàn ngành Ngoại giao rút ra một số bài học lớn: Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; bài học về tầm quan trọng của đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp triển khai đối ngoại, ngoại giao; và trên hết, bài học về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đối ngoại.
Củng cố ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc triển khai và tranh thủ lợi ích từ các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp với diễn biến nhanh chóng, khó lường của tình hình; nguồn lực dành cho các lực lượng làm công tác đối ngoại, ngoại giao còn chưa tương xứng với thế và lực mới của đất nước cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại.
Ông Bùi Thanh Sơn cho rằng trong kỷ nguyên mới, ngành Ngoại giao phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài đóng góp đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đặc biệt, sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngành Ngoại giao đứng trước cơ hội phát huy cao độ hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để đảm đương tốt vai trò tiên phong và nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Cùng quan điểm đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng toàn ngành cần phải tiếp tục giữ được thế này, tiếp tục vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đồng thời Việt Nam phải thể hiện là biểu tượng của hòa bình, hòa giải, hòa hợp, đoàn kết và hợp tác.
Trong bối cảnh đó, với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh, thủ đô Hà Nội sẽ là điểm đến quy tụ của các quốc gia nhằm tăng cường đối thoại khu vực và quốc tế để ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngoại giao năm 2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tham luận tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng Ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh chủ động và linh hoạt trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu dịch chuyển phức tạp, đòi hỏi ngành ngoại giao phải trí tuệ và bản lĩnh trong vai trò tham mưu chiến lược và chính sách.
Ngành Ngoại giao cũng cần có phương thức tập hợp lực lượng chủ động và linh hoạt qua các giai đoạn phức tạp và thử thách. Ngoài ra, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam cần thể hiện xuyên qua các giai đoạn, trong đó lợi ích quốc gia, chủ quyền, an ninh quốc phòng, kinh tế và văn hóa dân tộc cần chú trọng.
Đóng góp giải pháp phát triển ngành Ngoại giao, ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh vai trò của ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân như chiếc kiềng ba chân của Ngoại giao Việt Nam.
Ông Hoàng Bình Quân đánh giá đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân luôn giữ một vị trí rất quan trọng, cùng với ngoại giao Nhà nước, tạo thành ba kênh đối ngoại chủ lực, ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và đất nước.

Triển lãm về ngành Ngoại giao Việt Nam trong 80 năm qua diễn ra bên lề Hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Theo ông Hoàng Bình Quân, đối ngoại Đảng cần phát huy cao độ tinh thần “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả,” coi trọng mục tiêu chính trị của đối ngoại nhân dân, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức, nội dung triển khai, thích ứng hiệu quả với tình hình; phát huy vai trò tạo nền tảng xã hội hữu nghị và tham gia cùng với các kênh đối ngoại bảo đảm tối đa các lợi ích của đất nước.
Đối ngoại Đảng cần phát huy mạnh mẽ vai trò đầu mối trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa các kênh đối ngoại, tạo sự gắn bó thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế và “phân vai” hiệu quả giữa các binh chủng đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại./.