Ngoại giao văn hóa: Đổi mới, đột phá về tư duy và hành động
Ngày 26/5, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa đã chủ trì cuộc họp thường niên với sự tham dự của 24 đơn vị trong Bộ là các thành viên Ban Chỉ đạo, tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.
Cuộc họp nhằm rà soát kết quả triển khai công tác Ngoại giao văn hóa thời gian qua, tổng kết một năm thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và thảo luận các sáng kiến, biện pháp cụ thể, đột phá cho công tác Ngoại giao văn hóa thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các nước đều chú trọng tăng cường công tác Ngoại giao văn hóa nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng sức mạnh mềm quốc gia.
Hiện nay, Đảng, nhà nước và chính phủ đều hết sức quan tâm và chú trọng tới phát triển văn hóa và công tác Ngoại giao văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ “phát huy hơn nữa Ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lại luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình hành động của Bộ ta thực hiện chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Ngoại giao 31, trong đó có quán triệt quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao với vai trò chủ trì, đôn đốc về cần phát huy sự chủ động và sáng tạo hơn nữa để có thể tham mưu những công cụ và phương thức khả thi để thúc đẩy hơn nữa công tác Ngoại giao văn hóa thích ứng với những tình hình, bối cảnh mới hiện nay.
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá công tác Ngoại giao văn hóa của Bộ đã đạt được các kết quả tích cực. Thời gian qua, công tác Ngoại giao văn hóa đã góp phần tăng cường quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước; nâng cao hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, đảm bảo lợi ích quốc gia, tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển bền vững đất nước; tham mưu, đồng hành, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cụ thể hóa phương châm “Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm”.
Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo đều nhất trí rằng công tác Ngoại giao văn hóa vẫn còn rất nhiều dư địa để triển khai. Các đại biểu nêu các sáng kiến về tăng cường hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp trong và ngoài Bộ, huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở ngước ngoài và doanh nghiệp, tuyên truyền, ứng dụng chuyển đổi số… để thúc đẩy công tác Ngoại giao văn hóa thời gian tới.
Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo nói riêng và công tác Ngoại giao văn hóa nói chung, tại kết luận của cuộc họp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chỉ đạo Ban Chỉ đạo cần chú trọng tới 3 vấn đề chính về cơ chế phối hợp, nguồn lực triển khai và các giải pháp đột phá.
Ban Chỉ đạo cần tiếp tục chủ động trong việc điều phối các nhóm thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chuyên đề, tăng cường hơn nữa sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài vào các hoạt động Ngoại giao văn hóa và phân loại các sáng kiến, giải pháp đột phá để theo dõi, đôn đốc triển khai theo giai đoạn.
Bên lề cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham quan thực địa di tích Hoàng thành Thăng Long - một trong 8 Di sản thế giới của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh năm 2010.