Ngoại giao vị tha
Căng thẳng hơn nửa thể kỷ giữa hai cường quốc Đông Bắc Á quanh vấn đề nhân phẩm gây ra bởi quân phiệt Nhật vừa bất ngờ dịu hẳn. Đầu tuần này, Hàn Quốc tuyên bố chủ động hỗ trợ các nạn nhân từng bị bóc lột thời kỳ chiến tranh xâm lược 1910-1945. Vượt qua chính mình với tư cách nạn nhân, nếu kết cục viên mãn, đây được xem như mô hình ngoại giao vị tha vốn không dễ kiếm trong nền chính trị hiện nay.
Ngày 6/3, chính phủ Hàn Quốc cho phép doanh nghiệp nước mình, thay vì Nhật Bản, hỗ trợ nạn nhân Hàn bị cưỡng bức lao động thời Nhật Hoàng. Kinh phí “sẽ do các doanh nghiệp tư nhân tự nguyện” và quỹ của chính phủ góp. Động thái nảy nở từ đề xuất của tổng thống Yoon Suk Yeol muốn hữu hảo với Nhật.
Chuyển đổi gây ngạc nhiên nếu biết Hàn-Nhật luôn bị cảm xúc bóc lột chi phối, át nhiều mâu thuẫn khác. Thời điểm bang giao năm 1965, hai nước muốn xử lý ngay nhức nhối dân tộc. Nhưng 500 triệu USD Nhật bồi thường dưới dạng hợp tác kinh tế kèm xin lỗi, về sau, không được chấp nhận.
Đòi hỏi bồi thường và xin lỗi mỗi ngày mỗi mạnh. Năm 2015, Nhật chuyển 8,3 triệu USD vào quỹ hỗ trợ những ai còn sống trong số 200.000 “phụ nữ giải sầu”, hồi chiến tranh hầu hết dưới 18 tuổi. Năm 2018, tòa án Hàn buộc một tập đoàn Nhật trả 60.584 -113.598 USSD/người cho 28 nguyên đơn, khi họ tố bị giáo viên Nhật lừa sang làm với lương bèo thay vì đi học.
Bước ngoặt “tự giải thoát” đương nhiên khó tránh bị chi phối từ ngoài. Chiến tranh Nga-Ukraine khiến người ta lo kịch bản tương tự ở khu vực. Triều Tiên leo thang chưa từng có về hạt nhân từ khi tổng thống Yoon nhậm chức tháng 5/2022. Giữa lò lửa hận thù hầm hập, tổng thống Joe Biden giục hai đồng minh ruột gác bất hòa.
Làn gió lành nổi lên lúc Mỹ muốn đẩy nhanh lập mặt trận chung ở Đông Bắc Á. Nhu cầu “NATO Châu Á” trở nên cấp bách khi quân đội Trung Quốc (TQ) trỗi dậy mạnh mẽ, mâu thuẫn với Nga thêm sâu sắc, và chính sách cứng rắn của Triều Tiên chưa thấy điểm dừng. Chuyến thăm Mỹ của tổng thống Hàn cuối tháng 4 tới và thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn giữa tháng 5 phần nào phản ánh tính cấp thiết phá băng quan hệ Nhật-Hàn.
Sau hành động “thắng chính mình”, tổng thống Hàn sẽ thăm Nhật ngày 16 và 17/3. Phấn khởi, Nhật khuyến khích doanh nghiệp tư nhân nước mình góp quỹ của Hàn, điều trước đấy họ cự tuyệt vì đã bồi thường và xin lỗi nhiều lần. Cử chỉ lạ ở quốc gia có 79% dân chúng suy nghĩ tiêu cực, chỉ sau TQ, về Nhật (BBC thăm dò năm 2013) hy vọng mở cơ hội cho đạo lý trắc ẩn lan tỏa mạnh trong chính trị thời nay.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngoai-giao-vi-tha-post1516828.tpo