Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc
Ngoại giao đồng hành cùng đất nước, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng.
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết "Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân".
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại.
Trong suốt 75 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và các lãnh đạo Đảng tiền bối, Ngoại giao đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà và bảo vệ thành công chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Theo Phó Thủ tướng, những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của ngoại giao như “hòa để tiến”, “phân hóa kẻ thù”, cùng các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”…, đã giúp cách mạng nước ta vượt qua được những tình huống hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Đồng thời ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã trở thành “một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối cách mạng, sát cánh cùng mặt trận quân sự để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngoại giao đã đi tiên phong trong việc tạo ra một mặt trận quốc tế, ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước....
Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Đồng thời, ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta...
Những chặng đường vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam được Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng dẫn dắt, đã góp phần định hình bản sắc, phong thái, phương pháp của ngoại giao Việt Nam.
Từ nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “độc lập, tự chủ”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến phương châm “thêm bạn, bớt thù” và phương pháp ngoại giao tâm công, tranh thủ thời cơ, kiến tạo thời cơ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Ngoại giao đã đi đầu, đóng vai trò tiên phong, mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu, mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát triển KTXH, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy
Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại của ta với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện.
Phó Thủ tướng cho biết ngành Ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Theo đó, ngành ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các biện pháp, bước đi chiến lược để Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng (như CPTPP, EVFTA...).
Ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Không chỉ góp phần nòng cốt trong việc tổ chức thành công nhiều trọng trách quốc tế lớn... được bạn bè, đối tác đánh giá cao.
Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, ngành ngoại giao cùng với các bộ, ngành liên quan nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đồng thời, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và công an trong công cuộc “giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”, nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, ngoại giao ngày càng gắn kết hơn với người dân, các địa phương và các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực được tổ chức triển khai, góp phần mở rộng thị trường, đối tác cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành ngoại giao đã triển khai tích cực, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Để đạt được những kết quả ý nghĩa trên, bên cạnh việc kiên định với nguyên tắc cơ bản là độc lập, tự chủ, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết.
Đặc biệt, lực lượng cán bộ ngoại giao đã không ngừng lớn mạnh, từ 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập đã phát triển thành hàng nghìn cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ. Từ chỗ chỉ có 3 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đến nay mạng lưới các cơ quan đại diện đã tăng lên 94 cơ quan ở khắp các châu lục trên thế giới.
Bên cạnh việc vận dụng khéo léo những bài học ngoại giao của thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước sau chiến tranh, ngoại giao thời kỳ Đổi mới đã đúc rút nhiều bài học quý giá. Đó là các bài học về xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu bền với các nước láng giềng, quan tâm xử lý khôn khéo quan hệ với các nước lớn, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, phát huy “sức mạnh mềm” của dân tộc để nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của nước ta.
Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang chuẩn bị bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới, song đang gặp nhiều thách thức. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, những biến động trong cục diện quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen.
"Chúng ta cần xây dựng nền ngoại giao hiện đại cả về lực lượng, nội dung và phương thức hoạt động, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.
Đồng thời ngành ngoại giao sẽ chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, thích ứng năng động trước những chuyển biến nhanh của tình hình để hoàn thành được vai trò đặt ra đối với ngành trong giai đoạn mới", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết.
Phó Thủ tướng kết luận, với thế và lực mới của đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp bước tinh thần đồng hành cùng đất nước, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam nguyện tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.