Ngoại giao Việt Nam góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc
Trong 75 năm trưởng thành và phát triển, Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.
Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao và đông đảo cán bộ ngành Ngoại giao qua các thời kỳ.
Ngày 28/8/1945, cùng sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Từ thời điểm đó, nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường Cách mạng của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong suốt 75 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày đầu, ngành Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngoại giao đã góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh và in đậm dấu ấn của mình trên mọi chặng đường của đất nước, từ góp phần giành và giữ vững độc lập của Tổ quốc những ngày đầu của chính quyền Cách mạng, đến công cuộc kháng chiến thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, Ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Đồng thời, ngành Ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của đất nước.
Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Công tác Ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngành Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thế giới chuẩn bị bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường, với nhiều thách thức, nhất là tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, cạnh tranh chiến lược nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước. Dưới tác động của COVID-19, những biến động trong cục diện quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Ngoại giao cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo, định hướng công tác cho ngành Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 75 năm qua, ngành Ngoại giao luôn vinh dự, tự hào vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện, đưa ngành Ngoại giao đã đạt được hững thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sau khi kết thúc chiến tranh, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Đồng thời, công tác đối ngoại đã tiên phong trong phá thế bao vây cô lập, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước. "Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ rộng mở với 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 nước G20, toàn bộ các nước ASEAN", Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc chiến chống COVID-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt “ngoại giao COVID”, “ngoại giao trực tuyến” với kết quả nổi bật là từ tháng 2/2020 đến nay đã có 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến, điệm đàm Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn… Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đón gần 30.000 công dân Việt Nam từ các quốc gia ảnh hưởng nặng nề với COVID-19 về nước. Công tác đối ngoại đã phát huy “tinh thần đoàn kết quốc tế” trong phòng chống dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều quốc gia.
Đối với công tác thi đua yêu nước, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 75 năm thành lập nước, 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành Ngoại giao có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được nhưng không được chủ quan, tự mãn vì chặng đường phía trước còn dài.
"Các cán bộ Ngoại giao cần nắm vững, tuyệt đối trung thành với lập trường, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước về giữ vững độc lập, tự chủ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của công đồng quốc tế, thực hiện tốt đoàn kết nội bộ, đồng lòng, nỗ lực, khéo léo, sáng tạo, đưa Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập cho nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho một số cán bộ tiêu biểu của Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao cờ Thi đua Chính phủ năm 2019 cho 6 đơn vị xuất sắc, tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao.