Ngoại giao Việt Nam: Tạo động lực mới cho phát triển thời kỳ hậu Covid-19
Đó là một trong những nhiệm vụ của ngành Ngoại giao Việt Nam đặt ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình hình đại dịch COVID19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Ngày 24/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Khoa học “75 năm Ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng”.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020), hội thảo nhằm đánh giá một cách khách quan, khoa học những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục tổng kết những bài học kinh nghiệm của Ngoại giao 75 năm qua và xây dựng định hướng cho sự phát triển của ngành ngoại giao trong bối cảnh chiến lược mới của đất nước, nhất là chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Sự kiện cũng là dịp tri ân các thế hệ cán bộ tiền bối, kết nối giữa các thế hệ ngoại giao, giáo dục cho thế hệ hiện tại truyền thống vẻ vang của ngành trong suốt 75 năm qua.
Tham dự hội thảo có đại diện nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao; những nhà ngoại giao tiền bối, nhân chứng lịch sử và cũng là những người đã trực tiếp tham gia đóng góp vào những mốc son của ngành ngoại giao; các chuyên gia, diễn giả uy tín, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Từ thời điểm đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và lời dặn của Người về việc ngoại giao “phải luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, ngành ngoại giao đã luôn hết mình, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có những bước trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, ngành ngoại giao đang bước vào thời kỳ chiến lược mới của đất nước với tâm thế mới, trong bối cảnh môi trường đối ngoại của nhiều biến động lớn, phức tạp và khó lường, thời cơ nhiều song thách thức cũng gia tăng. Trong tình hình mới, nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại là hết sức nặng nề. Đó là đối ngoại phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời cần củng cố vững chắc môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với 2 phiên thảo luận. Tại phiên buổi sáng với chủ đề “75 năm Ngoại giao Việt Nam góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất, xây dựng bảo vệ tổ quốc và công cuộc đổi mới đất nước” do Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng điều hành, các diễn giả đã nhìn lại lịch sử 75 năm của ngành ngoại giao Việt Nam, tập trung đánh giá những đóng góp, thành tựu của ngành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rút ra các bài học về đối ngoại, đồng thời làm rõ vị trí, vai trò và bản sắc ngoại giao Việt Nam.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các diễn giả từ các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp và các học giả đặc biệt đánh giá cao vai trò tiên phong của ngành đối ngoại cả trong lịch sử và trong thời kỳ chiến lược mới. Trải qua bao thăng trầm cùng vận mệnh đất nước, ngoại giao Việt Nam mang những bản sắc không trùng lặp với bất cứ nền ngoại giao nào khác trên thế giới. 75 năm qua là chặng đường đầy tự hào của ngoại giao Việt Nam, bước vào giai đoạn mới, đứng trước những thử thách và vận hội mới, ngoại giao Việt Nam sẵn sàng vươn tới những đỉnh cao, nỗ lực phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Cùng với quốc phòng và an ninh, ngoại giao đã thực sự trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên với sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tại phiên buổi chiều với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao củng cố môi trường hòa bình và phát triển trong thời kỳ phát triển mới của đất nước” do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điều hành, các đại biểu đã đi sâu đánh giá bối cảnh thế giới, khu vực, những vấn đề và nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại trong tình hình mới, như tạo dựng các động lực mới cho phát triển thời kỳ hậu Covid-19, tham gia chuỗi cung ứng, triển khai chiến lược FTA, thúc đẩy chuyển đổi số...
Các đại biểu đã có những trao đổi sâu sắc, đề xuất những biện pháp, phương hướng trong thời gian tới, đặc biệt về nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các binh chủng đối ngoại, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược nhằm bảo đảm an ninh từ sớm, từ xa cho đất nước, đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nâng tầm đối ngoại đa phương, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Để đáp ứng tốt yêu cầu tình hình mới, ngoại giao cần xây dựng nền ngoại giao hiện đại, cả về nội dung, phương thức, đặc biệt là bộ máy – tổ chức và đội ngũ cán bộ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp tham gia hội thảo. Hội thảo là một cơ hội quý báu để đúc rút sâu sắc hơn về vai trò của ngoại giao, những bài học ngoại giao của các thế hệ cha anh, để tìm ra mối liên hệ sâu sắc với thực tiễn đối ngoại rất phức tạp của đất nước ngày nay.
Với truyền thống vẻ vang 75 năm tiếp bước tinh thần ngoại giao đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.