Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh: Hành trình 80 năm kiến tạo hòa bình và phát triển
Tám thập kỷ qua là hành trình lịch sử đặc biệt, đánh dấu những bước ngoặt sống còn của dân tộc - từ đấu tranh giành độc lập đến công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện và kỷ nguyên vươn mình ngày nay.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957. (Ảnh tư liệu)
80 năm trước, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại.
Điểm chung xuyên suốt trong chặng đường đó là Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành, tận tụy phụng sự lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần quan trọng vào hành trình hiện thực hóa các mục tiêu cách mạng và khát vọng gìn giữ hòa bình, kiến tạo phát triển đất nước.
Hòa bình và phát triển luôn là yêu cầu tiên quyết đối với sự tồn vong của mỗi quốc gia. Đó cũng là khát vọng tha thiết của mọi dân tộc, trong đó có Việt Nam, một dân tộc đã phải đổ biết bao xương máu để gìn giữ giang sơn.
Xuyên suốt 80 năm đồng hành cùng đất nước, thấm nhuần triết lý “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo” cùng phương châm ứng xử mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam luôn là vũ khí bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng, là phương thức hiệu quả để xây dựng và phát triển đất nước.
Những nhiệm vụ chiến lược
Ngay từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao như mặt trận kiên quyết trong đấu tranh cho khát vọng hòa bình và phát triển: “Sau phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”, được thể hiện nhất quán: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều, tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”. Bên cạnh đó, Người sớm nhìn ra mối quan hệ giữa ngoại giao và phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình về kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”. Tiếp đó, Người tuyên bố chính sách mở cửa và hợp tác, mời chuyên gia Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc giúp Việt Nam kiến thiết quốc gia. Từ đó đến nay, tư tưởng chiến lược và tầm nhìn vượt thời gian về sự gắn bó biện chứng giữa hòa bình và phát triển của Người tiếp tục được cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong từng thời kỳ và trở thành kim chỉ nam của Ngoại giao Việt Nam.
Trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam độc lập non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngành Ngoại giao từng bước mở đường, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài.
Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), bản Tạm ước (14/9/1946) cùng nỗ lực ngoại giao tại Hội nghị trù bị tại Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau đã tránh được việc phải cùng lúc đối mặt với nhiều kẻ thù mạnh. Đồng thời, góp phần kéo dài thời gian hòa bình vốn ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng để chính quyền cách mạng có thêm thời gian củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến vào ngày 19/12/1946.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đấu tranh ngoại giao đã phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị để chủ động triển khai hoạt động quốc tế, tranh thủ đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc; đồng thời, nỗ lực mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. “Ngoại giao đã trở thành mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của các Hội nghị Geneva và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ phải) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh tư liệu)
Bảo đảm “mục tiêu kép”
Mặc dù đã giành lại độc lập, nhưng hậu quả của hai cuộc chiến để lại cho nước ta vô cùng nặng nề. Bên cạnh nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, nhiệm vụ tập trung phát triển lâu dài, bền vững trở thành ưu tiên của đất nước. Ngành Ngoại giao đã tích cực phục vụ cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh; đấu tranh chống bao vây, cấm vận về kinh tế và cô lập về chính trị.
Trong quá trình Việt Nam tìm tòi những bước đầu tiên của công cuộc Đổi mới về kinh tế, các cán bộ ngoại giao bằng kiến thức, sự hiểu biết đa chiều và khả năng ngoại ngữ, đã tiên phong trong tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức về kinh tế quốc tế; trực tiếp tham gia cố vấn cho chính sách đổi mới về kinh tế sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986).
Trải qua tám thập kỷ phát triển, vai trò và vị thế đất nước không ngừng củng cố và mở rộng. Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, mở rộng mạng lưới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 37 quốc gia, gồm toàn bộ năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; ký kết và thực thi hiệu quả gần 20 Hiệp định thương mại tự do, quy mô nền kinh tế gần 500 tỷ USD, tăng gần 100 lần so với năm 1986, đứng thứ tư Đông Nam Á và thứ 34 thế giới; giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 toàn cầu; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đối xanh, đổi mới sáng tạo...
Sau 40 năm Đổi mới, thế và lực của nước ta về mọi mặt, nhất là kinh tế, an ninh, quốc phòng và đối ngoại có sự thay đổi về chất, đòi hỏi cần có sự đổi mới và nhìn nhận tổng thể và hài hòa hai “mục tiêu kép” là hòa bình và phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Một mặt, ngoại giao cần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để có thể huy động cao nhất mọi nguồn lực phục vụ xây dựng, phát triển đất nước, nhanh, bền vững. Mặt khác, sự phát triển về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, xã hội tới khoa học - công nghệ và an ninh quốc phòng tạo điều kiện cơ bản để quốc gia giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, như lời dạy của Bác “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ phải), Tổng thư ký ASEAN cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)
Khẳng định vai trò trọng yếu, thường xuyên
Để ngoại giao thực hiện sứ mệnh cao cả đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) khẳng định vai trò đi đầu, dẫn dắt của ngoại giao trong kiến tạo hòa bình và phát triển đất nước: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Trên cơ sở đó, Đảng đề ra chủ trương “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”, phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Trong bài viết Vươn mình trong hội nhập quốc tế (tháng 4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cùng với quốc phòng, an ninh, “đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đảm bảo tốt nhất lợi ích của nhân dân...
Để tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Bộ Ngoại giao tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, bước đột phá để quá trình hội nhập không chỉ bảo đảm mục tiêu phát triển mà còn thể hiện trách nhiệm và ảnh hưởng lớn hơn, đóng góp tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại. Đây là một trong “bộ tứ trụ cột”, tạo chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đối với mỗi cán bộ ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, dù ở trong hay ngoài nước, dù ở trung ương hay địa phương, kiến tạo và chắt chiu từng cơ hội để đóng góp cho hòa bình và phát triển của đất nước bằng các biện pháp hòa bình luôn là mục tiêu và phương pháp nhất quán để hiện thực hóa ước mơ chung của toàn Ngành, đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Khát vọng đó cũng là sợi dây bền chặt để gắn kết các thế hệ, vừa tạo tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, vượt lên hoàn cảnh để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, làm nên bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.