Ngoại giao y tế trong và sau đại dịch COVID-19
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn đại biểu tỉnh làm việc tại tỉnh Hajdu Bihar (Hungary) về hợp tác trong lĩnh vực y tế. Ảnh: CTV
Khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008 và cú sốc y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra hiện nay được coi là hai cuộc khủng hoảng thực sự của kỷ nguyên mới, mang bản chất xã hội của thế giới toàn cầu hóa, kết nối cao độ. Bài học từ lịch sử có thể giúp nhận thấy xu thế gia tăng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người trong và sau đại dịch.
Hai cuộc khủng hoảng và vai trò của quản trị toàn cầu
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên tiếp tục tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội hợp tác y tế nhằm khắc phục hậu quả của khủng hoảng và ngăn chặn dịch bệnh tái diễn; tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao y tế nhằm mở rộng quan hệ với các đối tác và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại mà tỉnh đã đặt ra.
Sự bùng phát đột ngột và tốc độ lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 làm chúng ta nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008. Ngày 15/9/2008, Ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản, mở đầu cho một giai đoạn rối loạn tài chính trầm trọng cuốn trôi 10.000 tỉ USD, làm tê liệt hệ thống các ngân hàng từ Iceland đến Hong Kong, suy giảm thương mại xuyên biên giới từ Hàn Quốc sang Đức, đánh sập thị trường nhà ở từ Tây Ban Nha đến Nam Phi, kéo theo là hàng chục triệu người mất việc làm và lâm vào cảnh nghèo đói. Cơ chế lây lan của cuộc khủng hoảng không khác gì bệnh truyền nhiễm và phố Wall - trung tâm của ngành Công nghiệp tài chính Mỹ - chính là tác nhân “virus tài chính”, điểm xuất phát của chuỗi phản ứng dây chuyền dẫn đến sự sụp đổ mạng lưới ngân hàng ở Mỹ, châu Âu và lan ra toàn cầu. Khủng hoảng đã làm bộc lộ bản chất lây nhiễm tiềm tàng và sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn trong nền kinh tế thế giới trong khi chưa có được cơ chế quản trị toàn cầu tương ứng. Quỹ tiền tệ thế giới IMF, với tư cách là định chế tài chính quan trọng bậc nhất thế giới, lúc bấy giờ đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhưng cũng nhờ đó, IMF khởi động nhiều biện pháp quyết liệt trên phạm vi toàn cầu nhằm làm trong sạch mạng lưới các giao dịch tài chính, cải tổ mạnh mẽ chức năng giám sát và quản lý toàn cầu, tập trung nhận diện và cảnh báo sớm những nhân tố “virus tài chính” có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường thế giới. Mười năm sau khủng hoảng có thể nói đến nay năng lực quản trị toàn cầu của IMF được tăng cường đã hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế thế giới, thúc đẩy hợp tác tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô ở các quốc gia, nâng cao khả năng chống chịu của thị trường trước các rủi ro thảm họa tái diễn trong tương lai.
Những tháng đầu của năm 2020, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra xuất phát từ Trung Quốc đã lan ra khắp thế giới, tính đến cuối tháng 4/2020 là hơn 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3 triệu người mắc, trong đó hơn 200.000 người tử vong đi kèm theo là sự sụp đổ của hệ thống y tế ở nhiều nước. Ngoài bản chất sinh học của virus chủng mới mà nhân loại còn chưa biết hết, cơ chế lây lan của đại dịch dựa trên môi trường xã hội toàn cầu có đặc điểm dễ lây nhiễm, dễ tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau trong thời đại toàn cầu hóa. Mô hình giúp Việt Nam khoanh vùng và ngăn chặn dịch được xây dựng dựa trên mô tả “ma trận” các tiếp xúc xã hội của các cá nhân theo mạng lưới. Theo đó, khi một mắt xích nhiễm COVID-19, các mắt xích còn lại tùy theo mức độ sẽ được phân cấp theo thang từ F1-F5; hay công cụ giúp nước Đức tránh được sụp đổ hệ thống y tế, tránh được tỉ lệ tử vong cao là việc điều tiết đến mức thấp nhất có thể hệ số lây nhiễm Rt. Hệ số này cũng là sự phản ánh độc lực học của virus trên cơ sở mật độ tương tác của các cá nhân trong xã hội.
Vì vậy, có thể thấy tương tự như năm 2008, thế giới siêu kết nối ngày nay có những vấn đề đòi hỏi năng lực quản trị toàn cầu hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực y tế. Vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang gây tranh cãi hơn bao giờ hết, khi bên cạnh các nỗ lực ở mỗi quốc gia, còn thiếu các phối hợp tập thể và toàn cầu nhằm kịp thời cảnh báo và khắc phục các rủi ro y tế. Vốn là định chế lớn nhất thế giới về hợp tác y tế quốc tế, chủ thể chính của “ngoại giao y tế toàn cầu” song có vẻ những nỗ lực của WHO còn chưa đủ, nhất là trong các nỗ lực phối hợp chung nhằm dự báo, kiểm soát và đối phó hữu hiệu với các vấn đề sức khỏe có bản chất toàn cầu, vượt ra ngoài các biên giới quốc gia. Các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3, G20… về ứng phó dịch bệnh COVID-19 do Việt Nam gần đây khởi xướng đã thể hiện rõ vai trò của Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Các đề xuất của Việt Nam đáp ứng trúng yêu cầu của các quốc gia trên thế giới trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và chắc chắn sẽ truyền cảm hứng hơn nữa cho các sáng kiến ngoại giao y tế và các biện pháp cải tổ quản trị toàn cầu về y tế.
Ngoại giao y tế ở cấp độ địa phương
Hợp tác y tế quốc tế hay ngoại giao y tế được biết đến từ những thế kỷ trước và trong những thập kỷ gần đây đã phát triển nhanh trong hầu hết các khuôn khổ song phương và đa phương. Không gian quản trị y tế mở rộng nhiều lĩnh vực và chủ thể, trong đó các chính quyền địa phương các nước trên thế giới cũng là những chủ thể tích cực. Sự mở rộng này cũng giúp cho các chính quyền thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương, chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo định nghĩa toàn diện của WHO về “sức khỏe” và tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền được đảm bảo sức khỏe như một trong những quyền cơ bản của con người.
Việc nắm bắt xu thế này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh Phú Yên để nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình dự án cũng như mở rộng mạng lưới các đối tác về y tế của tỉnh. Hiện nay, Phú Yên đã thiết lập được quan hệ với các đối tác có thế mạnh về y tế và ngoại giao y tế. Từ tháng 4/2019, tỉnh Hajdu Bihar của Hungary - nơi có tổ hợp suối khoáng chữa bệnh lớn nhất châu Âu Hungro Spa và Đại học Debrecen - trung tâm đào tạo y tế của Hungary và Trung Đông Âu đã bắt đầu hợp tác với tỉnh về phát triển du lịch y tế và đào tạo chuyên ngành y tế cho sinh viên Phú Yên. Tháng 9/2019, UBND tỉnh đã thông qua “Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” trong đó có mục tiêu SDG 3 về bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người và mọi lứa tuổi. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Phú Yên có kế hoạch tiếp tục các chương trình dự án với các tổ chức Liên Hợp Quốc như UNDP, UNICEF, các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Y tế Hà Lan (MCNV), Tổ chức Marie Stopes quốc tế (MSIVN) về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong kế hoạch năm 2020, tỉnh Phú Yên sẽ làm việc với các đối tác nhằm triển khai các dự án về tập huấn, bồi dưỡng cán bộ y tế, cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện, trạm y tế cấp xã; xây dựng các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, các bệnh truyền nhiễm. Mới đây, tháng 1/2020, trong chuyến thăm của Tổng lãnh sự Cuba tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên đã có dịp tìm hiểu về những thành tựu của chính sách ngoại giao y tế Cuba với nhiều tiềm năng hợp tác về sản xuất vaccine, chuyển giao công nghệ sinh học, du lịch y tế.