Sắp hạn chế xe cá nhân ở nhiều đô thị lớn
Bộ Xây dựng đang khẩn trương rà soát các nội dung liên quan để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện có lộ trình các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng và thúc đẩy sử dụng các phương tiện xanh.
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ ngày 1/7/2026 Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực vành đai 1. Việc này đặt ra một dấu mốc quan trọng cho hành trình xanh hóa ngành giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Được biết, sáng nay (14/7), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh có cuộc họp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ cấp bách, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng - cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng đang khẩn trương rà soát các nội dung liên quan để triển khai nội dung Chỉ thị 20.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng nhấn mạnh, trong năm nay và các năm tiếp theo, ngoài Hà Nội, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện có lộ trình các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn; thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Ảnh: Lộc Liên.
"Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực hiện từ quý III/2025", ông Thành nói.
Vừa qua, khi góp ý dự thảo quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng việc kiểm định khí thải xe máy sẽ phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh chi phí tuân thủ của người dân.
Đối với xe đã qua sử dụng lâu năm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao lại thường do nhóm người thu nhập thấp sử dụng. Vì thế, cần hỗ trợ nhóm người này chuyển đổi phương tiện nếu họ không thể đáp ứng mức quy chuẩn khí thải. Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới trung tâm/trạm/cơ sở kiểm định đáp ứng nhu cầu của người dân; có giải pháp phù hợp vừa bảo đảm tính răn đe để người dân chấp hành, không gây bức xúc trong xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất hỗ trợ người thu nhập thấp khi kiểm định khí thải xe máy. Ảnh: Lộc Liên.
Trước đó, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam về vấn đề kiểm định khí thải xe máy. Cục Môi trường đưa ra một số giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể: Hà Nội và TPHCM sẽ kiểm định khí thải xe máy từ ngày 1/7/2027; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng từ 1/7/2028; cả nước thực hiện từ năm 2030.
Hiện quy chuẩn khí thải đối với ô tô đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/12/2025, xe máy dự kiến ban hành quy chuẩn khí thải trong tháng 7 này. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tổng hợp, hoàn thiện các góp ý để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong tháng 7 này.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sap-han-che-xe-ca-nhan-o-nhieu-do-thi-lon-post1760109.tpo