Ngoài Heineken, Honda cũng đã trả hàng tỷ USD cho một đối tác Việt

VEAM có cổ phần tại 3 liên doanh Honda, Toyota và Ford tại Việt Nam. Trong đó, riêng liên doanh với Honda đã chia về cho tổng công ty này hàng tỷ USD lợi nhuận những năm qua.

 Honda Việt Nam cùng Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam đều đặn chia hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm về cho VEAM. Ảnh: Reuters.

Honda Việt Nam cùng Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam đều đặn chia hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm về cho VEAM. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là đối tác nắm cổ phần trong 2 liên doanh với Tập đoàn Heineken tại Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (UPCoM: VEA) cũng là một trong những đối tác hưởng lợi lớn nhờ việc liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để sản xuất và kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trong khi Satra nắm 40% tại Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn tại Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), VEAM cũng sở hữu 30% vốn tại Honda Việt Nam; 20% vốn tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam.

Lãi ròng cao hơn cả doanh thu

Thậm chí, phần lợi nhuận được chia từ các liên doanh của VEAM còn lớn hơn Satra khi hoạt động kinh doanh của các nhà máy lắp ráp và phân phối xe Honda, Toyota, Ford tại Việt Nam liên tục "ăn nên làm ra" những năm qua, trong khi thị trường bia khó khăn khiến hoạt động kinh doanh của liên doanh Heineken Việt Nam sụt giảm.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của VEAM đạt hơn 3.806 tỷ đồng, lợi nhuận gộp theo đó đạt 448 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 31% so với năm liền trước.

Khoản lợi nhuận sau thuế cùng năm của tổng công ty này cũng giảm 18%, nhưng vẫn đạt tới 6.265 tỷ đồng, tức cao hơn 65% so với tổng doanh thu.

Lý do VEAM có kết quả lợi nhuận ròng cao vượt trội so với doanh thu là nhờ tổng công ty này đã nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM cho biết riêng năm 2023, tổng công ty đã nhận tới 6.814 tỷ đồng cổ tức lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết, tăng 28% so với năm liền trước. Trong đó, hơn 99,9% số lợi nhuận được chia này đến từ 3 liên doanh với Honda, Toyota và Ford.

Năm 2023, riêng Honda Việt Nam đã chia về cho VEAM tới 5.844 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 33%. Phần lợi nhuận được chia từ liên doanh Toyota Việt Nam là 660 tỷ (-8%) và liên doanh Ford Việt Nam là 304 tỷ đồng (+32%).

Tương tự, trong năm 2022, VEAM cũng ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.747 tỷ và lợi nhuận gộp 651 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty đạt tới 7.665 tỷ đồng.

Trong đó, phần cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết đóng góp 5.334 tỷ đồng. Riêng liên doanh Honda Việt Nam năm 2022 mang về cho VEAM 4.380 tỷ, tương đương hơn 82% tổng số lợi nhuận được chia. Nếu gộp cả phần lợi nhuận chia từ 2 liên doanh Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam, tỷ lệ này chiếm tới gần 99,9%.

Thực tế, trong các năm trước đó, lợi nhuận gộp bình quân của tổng công ty này chỉ dao động quanh mức 600 tỷ đồng/năm (riêng năm 2019 lãi gộp chỉ đạt 65 tỷ và năm 2020 đạt 187 tỷ đồng), nhưng VEAM vẫn đều đặn báo lãi ròng sau thuế 5.000-7.000 tỷ đồng/năm.

Trong hầu hết giai đoạn này, lãi ròng của VEAM đều cao hơn tổng doanh thu hoạt động nhờ khoản lợi nhuận "kếch xù" được chia từ 3 liên doanh kể trên.

Nhận về hàng tỷ USD lợi nhuận từ các liên doanh

Nếu tính từ thời điểm VEAM đăng ký giao dịch cổ phiếu VEA trên thị trường UPCoM năm 2018 đến nay, tổng công ty đã nhận về hơn 36.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD) lợi nhuận từ 3 liên doanh và riêng Honda Việt Nam đã đóng góp trên 80% số này.

Còn nếu tính trong giai đoạn VEAM công bố báo cáo tài chính 2011-2023, tổng công ty này đã được chia tới gần 59.000 tỷ đồng lợi nhuận từ 3 liên doanh sản xuất kể trên, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá từng thời kỳ.

Thậm chí, đây chỉ mới là mức lợi nhuận VEAM nhận được trong hơn một thập niên gần nhất, trong khi đây đều là các liên doanh đã được tổng công ty tham gia thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Cụ thể, liên doanh Honda Việt Nam được thành lập từ năm 1996 giữa Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và VEAM.

Tương tự, liên doanh Ford Việt Nam thành lập từ tháng 9/1995 do Tập đoàn Ôtô Ford của Mỹ nắm 75% và Công ty Diesel Sông Công - công ty con do VEAM sở hữu 100% vốn - nắm 25%.

Còn liên doanh Toyota Việt Nam được thành lập tháng 9/1995, đi vào hoạt động từ tháng 10/1996 do Tập đoàn ôtô Toyota Nhật Bản nắm 70%, VEAM nắm 20% và Công ty TNHH KUO Singapore nắm 10%.

Theo Bộ Công Thương (cổ đông nắm 88,47% vốn VEAM), số vốn điều lệ VEAM tham gia 3 liên doanh với Honda, Toyota, Ford chỉ chiếm 7% nguồn vốn doanh nghiệp, nhưng mang về xấp xỉ 90% tổng lợi nhuận hàng năm.

Mức lợi nhuận VEAM nhận được từ các liên doanh lớn đến mức Bộ Công Thương từng có kế hoạch thoái vốn khỏi tổng công ty với kỳ vọng thu về 30.000 tỷ đồng. Dù đã có quyết định thoái vốn, phía cơ quan quản lý sau đó đã đưa ra tính toán rằng nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại.

Bởi lẽ riêng phần lãi được chia từ các liên doanh đã mang lại cho VEAM 5.000-7.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, nếu bán vốn chỉ thu được khoảng 30.000 tỷ đồng thì mức này mới tương đương 5-6 năm lợi nhuận được chia của doanh nghiệp.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngoai-heineken-honda-cung-da-tra-hang-ty-usd-cho-mot-doi-tac-viet-post1484393.html