Ngoài hút thuốc lá, 6 'thủ phạm' này cũng là nguyên nhân gây ung thư phổi
Tỷ lệ người trẻ không hút thuốc lá nhưng vẫn mắc ung thư phổi bệnh đang ngày càng tăng.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động. Hút thuốc lá được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, tuy nhiên còn một số nguyên nhân khác là tác nhân gây bệnh mà bạn cần biết để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.
Hút thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra 70% các trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới. Trong khói thuốc lá chứa khoảng 40 chất gây ung thư như nicotin, acetone, oxide carbon, arsen, benzene, hydrogen cyanide, formaldehyde, ammonia…
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, một người nghiện thuốc lá trước năm 15 tuổi có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 4 lần so với người hút thuốc trễ hơn 10 năm, tức là sau 25 tuổi. Ngoài ra, một nghiên cứu mới đây còn nhận thấy việc bỏ hút thuốc trên 10 năm, sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi từ 30 - 50%.
Hít phải khói thuốc lá
Mặc dù không hút thuốc lá nhưng nến bạn thường xuyên tiếp xúc, hít phải khói thuốc lá có thể gây tác hại đến phổi, thậm chí gây ung thư phổi. Một khảo sát của Mỹ nhận thấy những người sống chung với người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao hơn từ 20 - 30%.
Tiếp xúc với tia phóng xạ
Tiếp xúc với tia phóng xa là nguyên nhân điển hình gây ra các bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Những người làm việc trong mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.
Uống nước nhiễm arsen
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, nước uống có chứa arsen có thể gây ung thư phổi. Nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp, thuốc phun hoa quả, và các chất phụ gia là các đầu mối chính gây ô nhiễm arsen vào nguồn nước ngầm.
Do đó, những người sử dụng nước từ giếng khoan có nguy cơ uống nước nhiễm arsen cao nhất.
Mắc bệnh phổi mãn tính
Những người mắc các bệnh phổi mãn tính như: bệnh lao, phổi silic, bệnh bụi phổi có khả năng rơi vào các trường hợp mắc ung thư phổi cao. Ngoài ra, viêm phế quản và bệnh phổi mãn tính có thể gây ra sẹo xơ trong quá trình chữa bệnh, vảy tế bào bình thường trong quá trình diễn tiến của bệnh có thể phát triển thành ung thư.
Ô nhiễm không khí
WHO tuyên bố ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân chính khiến con người tử vong do ung thư phổi. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi tăng vọt ở những cá nhân tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Lượng nitơ điôxít trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%.