'Ngoài kia gió đang thổi', nông nghiệp – nông thôn phải thay đổi
'Ngoài kia gió đang thổi, thế giới đang thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục mãi thế này'!Chuyển từ theo đuổi giá sang vừa tạo ra giá trị gia tăng vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường.Hàn Quốc có khẩu hiệu: 'Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai'. Nhật Bản quan niệm 'Ruộng vườn đẹp đẽ là một trong ba phẩm cách quốc gia', cùng với đạo đức xã hội và đào tạo nhân tài cho thế giới.
Người dân trồng khổ qua tại Tân Phước, Tiền Giang. Ảnh: H.P
Nếu chúng ta không chịu tiếp cận, nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy, thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường.
Cái giá của sự không thay đổi
“Tôi rất ấn tượng với câu nói của bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, về “cái giá phải trả khi chúng ta không làm gì”. Nói cách khác, chúng ta cứ cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi, mà quên tính đến cái giá khi chúng ta không thay đổi, chúng ta không làm gì. Bây giờ, không còn sức ép bên trong, mà là sức ép toàn cầu. Và câu chuyện “gót chân Achilles”, bất hạnh là mẹ của Achilles nhúng cả người mà quên nhúng luôn gót chân, nhắc nhở chúng về những ngổn ngang phải đối mặt, phải thay đổi.
Tôi và bà Carolyn Turk cùng chia sẻ “ngoài kia gió đang thổi, thế giới đang thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục mãi thế này”. Sức ì quán tính rất lớn, đây là thách thức vì chúng ta còn trách nhiệm với 10 triệu hộ nông dân, trách nhiệm với những cam kết của nền nông nghiệp Việt Nam với quốc tế định hướng phát triển “minh bạch – sinh thái – bền vững”.
Thế giới VUCA
“Cam Cao Phong (Hòa Bình) trước đây là niềm tự hào của người dân Hòa Bình. Khi còn làm lãnh đạo ở Đồng Tháp, tôi từng giới thiệu nông dân ở Lai Vung (Đồng Tháp) ra Hòa Bình để xem người ta làm như thế nào. Họ trồng theo quy trình kiểm soát rất chặt chẽ. Thời điểm đó, quýt hồng Lai Vung đang bị vấn đề, cây chết khoảng 30%. Lúc đó, nông dân nói vài năm nữa cam Cao Phong sẽ đi theo vết xe đổ của quýt Lai Vung, vì thấy có những triệu chứng tương tự như vậy. Nền nông nghiệp có đầy rủi ro. Chỉ cần lơ là một chút thì trong vòng 2-3 năm, một mô hình mình từng tung hô, tôn vinh cũng có thể trở về con số 0.
Chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA – “biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ”. Chúng ta không lường trước được điều gì trong thế giới đầy biến động, đầy bất định, đầy phức tạp, đầy mơ hồ ấy. Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo rằng, trong một thế giới VUCA, anh đừng bao giờ nghĩ rằng lúc nào anh cũng nắm đằng cán. Chỉ xoay chuyển chút xíu là có thể anh đã phải vào thế đằng lưỡi rồi!
Tiếp cận xu thế mới
Nền nông nghiệp cũng không thoát ly khỏi bốn thuộc tính chung của thế giới hiện tại. Trong thế giới như vậy, nếu chúng ta không chịu tiếp cận, nắm bắt thông tin, không chịu học hỏi, nếu cứ nghĩ rằng nền nông nghiệp sẽ mãi mãi là như vậy, thì sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường.
Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, lãnh đạo các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có cách tiếp cận mới, về những xu thế mới. Biết cách tiếp cận đôi khi còn quan trọng hơn là chuyên môn, vì chuyên môn thì có thể có bộ phận chuyên môn đảm trách. Tiếp cận cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và cách thế giới họ vận động như thế nào. Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”.
Nông nghiệp: từ tư duy sản xuất đến tư duy kinh tế
Nền nông nghiệp của chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào, chứ chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường, thì vẫn còn phải giải cứu. Bây giờ, cần cung ứng cái thị trường cần, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn, giao hàng ra sao,… Cần bắt đầu từ đầu ra để quyết định đầu vào, cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Doanh nghiệp là người gần gũi thị trường nhất sẽ tường tận nhiều thông tin, nội dung về tiếp cận thị trường. Chuyển từ theo đuổi giá sang vừa tạo ra giá trị gia tăng vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường. Bài toán kinh tế hợp tác giúp giảm chi phí đầu vào. Lâu nay, ta tư duy trúng mùa, được giá chứ ít nhắc tới việc giảm chi phí đầu vào bao nhiêu. Phải thống kê, phân tích chi tiết tất cả chi phí, để từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi. Đầu ra không quyết định được, thì ít nhất phải tăng thêm sự chủ động đối với các yếu tố đầu vào.
Chuyển từ nền nông nghiệp “sản lượng cao” sang nền nông nghiệp “công nghệ cao – sinh thái – trách nhiệm – bền vững”
Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách? Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều (phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh,…)? Phải chăng thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác? Phải chăng bản chất các ngành hàng nông sản không tạo được niềm tin để doanh nghiệp có thể đầu tư bền vững (quy mô nhỏ, mối liên kết thiếu bền chặt, vùng nguyên liệu không ổn định, chuỗi liên kết không ổn định)?
Bên cạnh các báo cáo về diện tích, sản lượng, cần đánh giá về tác động như thế nào, giá trị gia tăng, có sáng kiến gì mới, đột phá, giá trị cộng hưởng,… Chúng ta cần ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội hơn là các số liệu báo cáo đơn thuần.
Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “phát triển tích hợp liên ngành”
Từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”. Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn. Giới thiệu cả phần hồn của vùng đất chứ không chỉ là bán một trái quýt, trái cam. Yếu tố hữu hình tích hợp với giá trị vô hình (văn hóa, lịch sử của cả một vùng đất). Cần gửi gắm “giá trị”, chứ không phải bán vì “giá cả” như trước đây. Chúng ta đang theo đuổi giá trị thấp nhất (bán ở tầng đáy) của tầng giá trị, của nền kinh tế trải nghiệm.
Nhiều nơi trên thế giới tìm giá trị khác biệt để bán. Bi kịch hay khó khăn nhất của chúng ta là có quá nhiều sản phẩm tương đồng khiến khách hàng không biết lựa chọn. Chúng ta phải chuyển tải câu chuyện, chứ không chỉ là buôn bán sản phẩm.
Nền kinh tế xanh lam cần hành động tập thể
Chuyển từ phát triển dựa vào doanh nghiệp dẫn đầu sang kết hợp doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng tạo dựng và phát triển đa dạng, bền vững hệ sinh thái. Phát triển bền vững, nói cách dễ hiểu là, “đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Nước ngoài họ tư duy đầu vào ít nhất để đầu ra nhiều nhất. Thị trường quyết định trồng cây gì, nuôi con gì. Trong cuốn Nền kinh tế xanh lam, nếu biết cách dựa trên cái cũ mà sáng tạo thì sẽ tìm ra được cái mới. Tư duy nền kinh tế xanh lam, cái mà chúng ta hay dùng từ dư địa, là cách nước ngoài đang khai thác làm ra sản phẩm giá trị với chi phí thấp. Chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Thái Lan tạo ra một nền kinh tế từ cây mía chứ không chỉ là đường. Khi nào chúng ta phát huy được hết giá trị của nông sản thì khi đó chúng ta mới giàu. Lâu nay suy nghĩ nông sản là lương thực, chúng ta chỉ mới bán giá cả chứ chưa bán giá trị. Bên cạnh giá trị thực phẩm còn dược phẩm, mỹ phẩm…
Hệ sinh thái nông thôn
Ba chủ thể trong Nghị quyết 26 là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Kinh tế nông thôn chú trọng: hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Từ đó hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn. Hàn Quốc có khẩu hiệu: “Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”. Nhật Bản quan niệm “Ruộng vườn đẹp đẽ là một trong ba phẩm cách quốc gia”, cùng với đạo đức xã hội và đào tạo nhân tài cho thế giới.
Nông thôn mới chính là nơi lưu giữ, cân bằng giá trị văn hóa và giá trị truyền thống lịch sử của một dân tộc chứ không phải đô thị. Nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp về văn minh thì nông thôn là nơi biểu thị văn hóa của quốc gia này với quốc gia khác. Chương trình nông thôn mới phải gắn câu chuyện này chứ không phải chỉ là kết cấu hạ tầng, với cầu cống, đường sá, công trình. Giai đoạn 2021-2025, nông thôn mới chú trọng hơn đến phần hồn của nông thôn. Phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn: du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ
Các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp – nông thôn cần được quan tâm. Các địa phương đừng chỉ săn đón đại bàng mà quên chăm sóc, lót ổ cho chim sẻ. Trung Quốc đi lên từ xí nghiệp nho nhỏ hương trấn, rồi mới lên công ty lớn. Chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn chiều sâu, xa hơn ở 5-10 năm nữa. Chúng ta không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương.
Tạo dựng hình ảnh nông nghiệp chuyên nghiệp
Cần quan tâm tạo dựng đội ngũ người nông dân chuyên nghiệp. Định hình lại nông dân. Nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế. Nông dân chuyên nghiệp là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý mình. Nông dân chuyên nghiệp là biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Phải xóa bỏ tư duy mùa vụ. Israel làm nông nghiệp bằng tri thức. Người Trung Quốc có câu “Người nghèo nghèo cái túi, người giàu giàu cái đầu”.
Về chương trình OVOP
Nhật Bản không chỉ tạo sản phẩm OVOP (mỗi làng một sản phẩm) đơn thuần, mà sâu xa là tạo dựng cộng đồng dân cư biết đoàn kết, cộng đồng có năng lực. Cộng đồng dân cư nông thôn được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tinh thần tự lực, chủ động, cùng hợp tác, chia sẻ. Các chương trình hỗ trợ chú trọng đến việc trao quyền, nâng cao năng lực cho cộng đồng, thúc đẩy sáng kiến, hơn là chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm.
Tư duy liên kết vùng
Chúng ta vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. TPHCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính tôi ngày xưa cũng từng cùng đoàn doanh nghiệp lên TPHCM ký kết hợp tác. Sao mình không hợp tác cả đồng bằng với TPHCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia.
(*) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lê Minh Hoan (*)