Ngoài Mỵ Châu, An Dương Vương còn con gái nào khác?
Chuyện vợ con của An Dương Vương rất mịt mờ, thiếu thông tin như chính xuất thân của vua vậy.
Chính sử không nhắc gì đến gia đình riêng của An Dương Vương mà chỉ đề cập duy nhất đến một nàng công chúa tên gọi Mỵ Châu. Còn mẹ nàng là ai, ngoài ra An Dương Vương còn có bao nhiêu vợ, sinh được mấy người con thì hoàn toàn không có một chút thông tin nào.
Nói đến An Dương Vương, người đời thường nhớ đến những truyền thuyết nỏ thần, thành Ốc và câu chuyện cha con ông tuy thông minh có thừa nhưng bị mắc lừa bởi kế trá hôn của cha con Triệu Đà, Trọng Thủy dẫn tới kết cục bi thương nước mất nhà tan và một cuộc tình sử bi tráng ngàn thuở không tan.
Những hậu phi trong Cổ Loa thành
Trong các bản ngọc phả về An Dương Vương cũng như nội dung những ghi chép ở các sách sử đều không nhắc gì đến gia đình riêng của vị vua này mà chỉ đề cập duy nhất đến một người đó là nàng công chúa tên gọi Mỵ Châu. Còn mẹ nàng là ai, ngoài ra An Dương Vương còn có bao nhiêu vợ, sinh được mấy người con thì hoàn toàn không có một chút thông tin nào.
Sự thiếu hụt dữ liệu ấy trong chính sử phần nào được dã sử và các nguồn thần tích bù đắp đôi chút, giúp cho chúng ta biết được thêm về một số người thân thích của An Dương vương, dù không được nhiều thông tin nhưng cũng rất đáng quý.
Theo các liệu như Thái Bình tỉnh thần tích, Ngọc phả đình làng Công Bồi thì mẹ của công chúa Mỵ Châu quê ở làng Thao Bồi (nay thuộc xã Phương Công, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Chuyện kể rằng Thục Phán được Hùng Duệ Vương nhường ngôi, ông xưng hiệu là An Dương Vương, cho xây thành đô Cổ Loa làm kinh đô.
Sau đó, vua cùng một số đại thần đi tuần thú khắp nơi, tìm hiểu đời sống người dân. Một ngày kia, vua xa giá tới vùng bãi biển mới bồi rộng chừng trên một ngàn mẫu ở vùng Trực Định (sau gọi là huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ), An Dương Vương sai cắm thẻ làm mốc, treo bảng chiếu dụ và cho người đi chiêu mộ dân các xứ đến lập ấp làm ăn.
Hưởng ứng lời kêu gọi của vua, 39 người dân thuộc các họ Lê, Phạm, Trần, Nguyễn, Đặng, Phan, Vũ, Ngô, Tạ thuộc sách Lam Sơn, đất Thiệu Thiên, Ái châu (nay thuộc Thanh Hóa) kéo nhau về đây quy tụ đầu tiên, cùng với nhau khai đất quật thổ. Làng xóm dần hình thành theo năm tháng. Nhà vua đặt tên vùng đất này là Thao Bồi Lý và hẹn với dân sẽ có ngày trở lại thăm.
Bấy giờ, ở làng Thao Bồi có người tên là Trần Bính, lấy bà Đào Thị Hoan, đã hơn 40 tuổi mà chưa có con, cầu cúng mãi, đến năm 42 tuổi, bà nằm mơ nhặt được một cái gương, sau đó mang thai rồi sinh được một cô con gái vào đầu xuân năm Giáp Thìn.
Ngay khi mới lọt lòng, bé gái đã có khuôn mặt đẹp đẽ, nước da phấn mịn; cha mẹ hết lòng yêu chiều, đặt tên là Trần Thị Chân, còn gọi là Châu Nương, hiệu là Thục Nương. Càng lớn, Thục Nương càng yêu kiều nết na, thông minh sắc sảo, nổi tiếng khắp một vùng.
Khi An Dương Vương về lại làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân, vua rất yêu mến bèn cho đón vào cung phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Vua truyền còn cho dân xứ Thao Bồi lập hành cung ven sông cho đệ nhị Nguyên phi ở mỗi khi về thăm quê.
Tuy đã trở thành vợ vua, nhưng Thục Nương vẫn luôn hết lòng báo hiếu cha mẹ, chăm lo các bậc lão làng, cứu độ cho người nghèo khổ. Những khoảng thời gian ở Thao Bồi, Nguyên phi mang tiền bạc của mình ban phát cho dân nghèo, nuôi nấng người già cô quả giúp làng xóm thêm trù mật, yên vui. Lại thấy những chùa chiền, đền đài miếu vũ trong vùng bị đổ nát, nàng đều gia tâm góp công đức, xuất tiền của vào tu sửa, phục dựng.
Đến mùa hạ, ngày rằm 15 tháng 5 năm Tân Dậu, Thục Nương sinh được một công chúa “mắt phượng mày ngài, mặt tựa tuyết hoa”. Vua An Dương Vương mừng rỡ đặt tên cho con gái là Mỵ Châu, hiệu là Trinh Nhất Nương. Đến tuổi học hành, vua cho Mỵ Châu vào cung, rèn cặp chu đáo, văn võ toàn tài, am tường sử sách.
Khi công chúa đã trưởng thành, An Dương Vương giao cho nàng cùng với mẹ cai quản, dạy dỗ 300 thị nữ trong cung. Được ít lâu, Mỵ Châu xin vua cha cho nàng về quê ngoại để lập Linh từ chính miếu, chia làng Thao Bồi làm hai thôn là thôn Nương và thôn Bối. Công chúa lại xin cho dân Thao Bồi được miễn lính và đóng thuế rồi trở về cung.
Một thời gian sau, vì nhớ Thao Bồi quê hương bản quán, hai mẹ con Thục Nương và Mỵ Châu xin vua An Dương Vương cho dời về sống ở hành cung. Dân Thao Bồi vui mừng đón rước cung phi và công chúa, ở thôn Bối (còn gọi là Vối) họ còn lập thêm cung thất thứ hai cho công chúa Mỵ Châu ở.
Khi Triệu Đà thua trận nhiều lần, hắn lập mưu hòa thân, cho con trai là Trọng Thủy sang Âu Lạc xin hỏi cưới công chúa Mỵ Châu rồi tìm cách lấy cắp nỏ thần.Vì chủ quan mà An Dương Vương để cho Trọng Thủy ở rể, giúp giặc gây chia rẽ nội bộ triều đình. Cuối cùng Thục An Dương vương thua trận tự vẫn, còn công chúa Mỵ Châu tự chuốc lấy cái chết oan nghiệt vào ngày 15 tháng 5 năm Ất Sửu. Nghe tin buồn, nguyên phi Thục Nương âu sầu, đau xót rồi cũng qua đời sau đó một ngày (tức 16 tháng 5).
Nhớ đến công đức của Nguyên phi và công chúa, người dân hai thôn lập miếu thờ “Nhị vị mẫu tử” (Hai mẹ con) để ghi ân công đức. Đời sau, dân chúng cầu cúng đều được linh ứng; triều đình ban sắc phong làm Thành hoàng làng Thao Bồi để hương khói và lưu truyền mãi mãi.
Cũng ở vùng đất Thái Bình, theo truyền tụng tại làng Khai Lai (nay là Thái Thủy, xã Khai Lai, huyện Đông Hưng), ngôi miếu Đông là nơi linh thiêng, nơi gửi gắm tinh thần, tình cảm của dân làng. Miếu đông được xây dựng trên đất “kế vãng thánh, Khai lai hạc” thờ thần và thờ một người vợ của An Dương Vương có hiệu là “Cung phi Mỵ Nương”.
Tương truyền, sau khi vua An Dương Vương thua trận rồi mất ở bờ biển phía Nam, Cung phi đã về vùng duyên hải miền Đông (thuộc Thái Bình ngày nay) để tập hợp dân binh chống lại giặc, bà còn dạy người dân cách trồng cấy sao cho hiệu quả, dạy nghề tầm tang ươm tơ dệt vải và huy động sức người đắp đê ngăn lũ lụt để bảo vệ mùa màng, đồng ruộng.
Khi Cung phi qua đời, nhớ công ơn của bà, dân chúng đã lập miếu thờ, tôn làm “Thần nữ”, các triều đại cũng phong làm Thượng đẳng phúc thần. Trong miếu nay còn giữ đôi câu đối ca ngợi cung phi như sau:
Yểu điệu cung phi tinh quốc sắc,
Anh linh thần nữ trấn thiên hương.
Nghĩa là:
Yểu điệu cung phi trang quốc sắc,
Thần nữ linh thiêng tiếng muôn năm.
Ở làng Hạ Đồng (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay) có nơi thờ phụng những vị tiền hiền có công với làng, đó là Thành hoàng Mai Công Phúc, dòng dõi Mai An Tiêm, ông là người mộ dân đến khai phá lập làng, biến đất hoang thành ruộng; hoàng tử Công Uy, phúc thần Đặng Công Kỳ.
Đặc biệt, ở đây còn thờ vợ chồng Nam Hải Đại Vương; Nam Hải Đại vương là tước của các triều đại sau này sắc phong cho vua Thục Phán An Dương Vương, còn người vợ có hiệu là Cống Nương phu nhân, tương truyền bà là Đệ tam cung phi của vua.
Theo Thần tích Hà Nam thì ở trang Phù Viên, huyện Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay là xã Phù Viên, huyện Kim Bảng, Hà Nam) vào thời An Dương Vương có hai vợ chồng ông Trần Thức, bà Nguyễn Thị Phả nổi tiếng đức độ, nhân từ. Ngày mồng 6 tháng 11 năm Ất Mão, người vợ sinh hạ một bé gái xinh đẹp đặt tên là Ngoạn Nương.
Năm Ngoạn Nương được 14 tuổi thì bố mẹ lần lượt qua đời, nàng được người cô ruột đón về nuôi dưỡng và theo cô hành nghề buôn bán đó đây. Dần dần Ngoạn Nương đi xa hơn, nàng gồng gánh mang hàng hóa đến tận kinh đô Cổ Loa. Giá cả phải chăng, nói năng nhẹ nhàng, chiều khách nên ai cũng mến Ngoạn Nương, có người hỏi quê quán, nàng đáp rằng mình người ở Lý Nhân. Vì thế, mọi người quen gọi nàng là cô Lý.
Một năm vào dịp đầu xuân, khắp nơi đều mở hội, hai cô cháu Ngoạn Nương đi vãn cảnh; tình cờ, hôm đó An Dương Vương cũng đi du xuân, bất chợt, vua nhìn thấy trong đám đông có một cô gái nhan sắc tuyệt trần bèn cho vời đến hỏi chuyện. Nhà vua rất hài lòng khi thấy nàng không chỉ xinh đẹp mà rất thông minh, đoan trang, An Dương Vương đón Ngoạn Nương vào cung phong làm Đệ bát cung phi.
Sống trong cung đình Cổ Loa hơn 10 năm mà Ngoạn Nương vẫn chưa sinh được người con nào, điều đó khiến Cung phi buồn rầu. Hiểu được điều ấy, An Dương Vương đồng ý cho nàng đi du ngoạn các danh thắng, lại cho xây dựng một cung điện tại trang Phù Viên để Ngoạn Nương ở gần người thân họ hàng để nguôi ngoai nỗi sầu muộn.
Tại quê hương, Cung phi Ngoạn Nương bỏ tiền bạc giúp đỡ dân nghèo, bà thấy dân đông mà ruộng ít chỉ đủ cấy hái, vì thế đã dạy cho người dân nghề buôn bán, thương mại. Từ đó, Phù Viên trở lên sầm uất, nhiều hiệu buôn được mở ra, hàng hóa được lưu thông, vận chuyển, trao đổi ngày càng nhiều. Chỉ trong vòng 7 - 8 năm mà cuộc sống người dân đã no đủ, phong tục thuần hậu, đâu đâu cũng ca ngợi ơn đức của Đệ bát cung phi.
Đến năm Cung phi Ngoạn Nương 37 tuổi, bà mắc bệnh nặng rồi mất trong niềm tiếc thương của dân chúng. An Dương Vương nghe tin rất đau buồn, ông cho làm lễ an táng trọng thể, lại cho sửa cung riêng của bà thành đền thờ, truyền cho dân Phù Viên chăm lo hương khói thờ phụng. Đời sau, Cung phi được truy phong làm Đương Cảnh thành hoàng, mỹ hiệu là Lý Bà công chúa.
Cách Phù Viên không xa, ở thôn Phù Thụy (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cũng có một người phụ nữ trở thành vợ của An Dương Vương. Theo truyền tụng ở địa phương, vị phúc thần mà người dân bao đời nay lễ bái thờ phụng là bà Trần Thị Quang, thứ phi của An Dương Vương, lúc còn sống có ơn với dân, khi mất được chôn cất tại quê nhà. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của cung phi (ngày 14 tháng 8 âm lịch) người dân lại làm lễ tế để tưởng nhớ, tri ân bà.
Một tư liệu nữa là bản thần tích “Lưỡng vị hoàng hậu ngọc phả lục” được soạn vào năm Nhâm Thân (1572) đời vua Lê Anh Tông được lưu giữ tại xã Thụy Phú, tổng Thụy Phú, huyện Thượng Phúc (nay thuộc Hà Đông, Hà Nội). Nội dung cho biết về hai vị nữ thần được thờ là, một vị là Phương Dung, Nguyên phi của An Dương Vương và một vị là Mỵ Nương, con gái của An Dương Vương, vợ Trọng Thủy (như vậy theo bản thần tích này, Mỵ Nương chính là công chúa Mỵ Châu).
Còn ngôi đền Thọ Vực ở xã Xuân Phong (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thờ 5 vị thần là những người có công ngăn trừ tai họa, khai thiên lập địa, tiếng thiêng hiển hách và luôn phù trợ cho cuộc sống yên ấm cho dân chúng. Trong các vị được thờ phụng ấy có Nam Hải Đại Vương (Thục Phán An Dương Vương) và một người vợ của vua là Trần Thái Chưởng phu nhân.
Những người con gái của vua Thục Phán
Người con gái nổi tiếng nhất của vua Thục nước Âu Lạc và cũng là nàng công chúa có số phận bi thương nhất trong lịch sử, mang nỗi oan khuất ngàn đời không tan, đó là công chúa Mỵ Châu.
Công chúa Mỵ Châu nhan sắc tuyệt trần nhưng “hồng nhan bạc mệnh”, bấy giờ, Triệu Đà ở phương Bắc nhiều lần sang xâm lược Âu Lạc nhưng An Dương Vương nhờ có thành Cổ Loa kiên cố, có “nỏ thần” uy dũng cùng với binh hùng tướng giỏi đã khiến quân giặc thất bại thảm hại.
Biết không thể thắng bằng võ lực, Triệu Đà làm kế hoãn binh, sai sứ sang giảng hòa, biếu đồ lễ rất hậu, lại hỏi công chúa Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy. Vua Thục Phán An Dương Vương bất chấp lời khuyên ngăn của các đại thần là Cao Lỗ, Nồi Hầu,… đã chấp nhận mọi đề nghị, vì vua cho rằng Triệu Đà không dám có hành động gì khi đã nhiều lần nếm mùi thất bại, hơn nữa “Triệu Đà xin hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ” (Giao Châu ngoại vực ký).
Nàng công chúa Mỵ Châu thuận theo ý vua cha, lại thấy Trọng Thủy dung mạo khôi ngôi nên đem lòng yêu thích. Trọng Thủy được ở rể, trong ba năm trời sống tại Cổ Loa đã tìm hiểu mọi điều về tình hình Âu Lạc, còn công chúa Mỵ Châu thơ ngây đã vô tình giúp chồng hại cha, hại nước mà không hề hay biết, nàng còn tiết lộ cả bí mật về nỏ liên châu…
Thậm chí, cho đến lúc ngồi sau lưng vua cha trên mình ngựa chạy về phía Nam lánh giặc, công chúa vẫn cả tin rắc lông ngỗng làm dấu cho chồng tìm mình mà đâu hay chính mình lại chỉ đường dẫn lối cho giặc truy đuổi hai cha con.
Tương truyền, khi chạy đến núi Mụ Dạ nằm bên bờ biển (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), An Dương Vường vì cùng đường, kiệt sức đã gọi thần Kim Quy cứu giúp, thần nổi lên khỏi mặt nước mà nói rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó!”. An Dương Vương nhìn thấy dấu lông ngỗng, còn ở phía xa xa bóng giặc đang đến gần, vua nổi giận rút gươm chém con gái.
Lúc này, công chúa Mỵ Châu mới sực tỉnh, trước khi bị giết, nàng ngửa mặt lên trời mà khấn nguyện rằng: “Thiếp là con gái, nếu có lòng phản cha thì xin chết làm tro bụi; nếu một lòng trung tín nhưng vì thật bụng tin người, bị người lừa dối thì xin chết hóa thành châu ngọc để rửa nhục này!”.
Khi bị chém, máu nàng chảy xuống biển, trai hút lấy mà tạo thành những viên ngọc trai sang; còn An Dương Vương nhảy xuống biển tự vẫn. Triều Thục tan vỡ, nước Âu Lạc mất vào tay giặc. Không chỉ các thư tịch của nước ta nhắc đến mà sách sử cổ của Trung Quốc cũng ghi lại trong nhiều tác phẩm như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Thủy kinh sở chú, Nam Việt chí, Giao Chỉ thành chí…
Và câu chuyện bi thương dẫn đến đại họa mất nước, nhà tan này còn được đời sau dân gian hóa, truyền tụng qua các truyền thuyết về “nỏ thần”, “áo lông ngỗng”, “giếng nước Loa thành”… Nó cũng là đề tài của các sáng tác văn thơ mang nỗi niềm thương đau, chia sẻ, oán trách, thanh minh cho công chúa Mỵ Châu:
Tình riêng nàng thắm thiết với chàng,
Mang tiếng hại cha, khó giải oan.
Thần nỗ không còn, rùa biệt tích,
Ngọc chìm đáy bể, hận đời mang.
Rất nhiều nhân vật, từ học trò, nho sĩ, văn thần cho đến cả bậc quân vương cũng không thể không có ít nhiều xúc cảm khi được đến nơi thờ tự công chúa Mỵ Châu, được nghe kể, hay được đọc lại những trang sử bi thương thuở trước. Vua Tự Đức triều Nguyễn cũng có bài thơ rằng:
Loa thành tài trúc, nỏ tài khoe,
Hải thượng đồ cùng hồi dĩ xa.
Nhược ngộ hung vong do nhất nữ,
Hòa thân há tất giám tiên xa.
Nghĩa là:
Loa thành vừa đắp, nỏ vừa khoe,
Bãi bể đường cung hối đã khua
Vì biết mất còn do một gái,
Hòa thân đâu phải ngắm lằn xe.
Khó có thể biết An Dương Vương có bao nhiêu người con, nhưng phần lớn các ghi chép trong thư tịch, chính sử, truyền miệng dân gian chỉ nhắc đến công chúa Mỵ Châu như là người con duy nhất của vua. Tuy nhiên dựa vào một số bản thần tích, ngọc phả và dã sử thì An Dương Vương còn nhiều người con khác, và những người này đều là con gái.
Theo một tài liệu dã sử “Tình sử Mỵ Châu” thì người con gái cả của An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược, rất nhiều vị tướng đã lập công lớn, trong đó có tổng binh Võ Quốc.
Bấy giờ thấy con gái đã trưởng thành, “xuân xanh tới tuổi, đến tuần cập kê”, An Dương Vương liền tổ chức cuộc thi võ để kén chồng cho công chúa, rất nhiều anh tài võ tướng trẻ tuổi hứng khởi tham gia đua tranh thi đấu quyền cước, đao kiếm, cưỡi ngựa bắn cung. Cuối cùng, người giành chiến thắng trong đám quần kiệt ấy chính là Võ Quốc.
“Người quốc sắc, kẻ anh tài”; thật là trùng hợp vì công chúa Quỳnh Anh từ lâu đã nghe tiếng về tài binh lược của vị tướng trẻ tuổi, còn Võ Quốc cũng thầm ngưỡng một vẻ đẹp hiền dịu, nét đoan trang hiền thục của nàng công chúa cả của đức vua.
Sách “Tây Hồ chí” cũng có phần nhắc đến sự tích của tướng Võ Quốc, theo đó ông người ở bến Lâm Ấp, trang Long Đỗ (nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội), võ nghệ siêu quần lại có tài dụng binh. Nhờ có công dẹp phản loạn ở động Nghê Trà, bộ Dương Tuyền (nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), lại có công đánh giặc Tần nên được vua gả công chúa Quỳnh Anh cho làm vợ.
Từ khi trở thành con rể của An Dương Vương, tướng Võ Quốc càng dốc lòng trung thành, tích cực giúp vua trong việc xây dựng kinh đô mới ở Cổ Loa, bố trí việc phòng thủ đất nước… Còn công chúa Quỳnh Anh, với vai trò là chị cả, rất mực chu toàn với việc nội cung.
Đặc biệt là quan tâm chăm sóc đến cô em gái út vốn được vua cha cưng chiều, đó là công chúa Mỵ Châu và trong lòng nàng mong muốn em gái có được tấm chồng tương xứng. Người mà Quỳnh Anh để ý đến, muốn tác hợp duyên tình cho em gái là một vị tướng tên gọi Hùng Nam, tuổi trẻ tài cao, dung mạo tuấn tú.
Trong triều cũng có nhiều người tán đồng cho rằng nếu Hùng Nam trở thành chồng của công chúa Mỵ Châu thì đức vua An Dương Vương sẽ có thêm một chàng rể là trang tuấn kiệt góp phần bảo vệ vương triều vững vàng, dài lâu.
Tiếc rằng duyên phận éo le, An Dương Vương lại đồng ý gả công chúa cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà vua nước Nam Việt với mong muốn gạt bỏ chiến tranh, kết tình hòa hiếu giữa hai nước mặc dù có rất nhiều đại thần can gián, khuyên vua chớ mắc mưu gian của giặc.
Khi Trọng Thủy được ở rể, mua chuộc chia rẽ các Lạc hầu, Lạc tướng và đã nắm hết nội tình triều chính Cổ Loa, phá bỏ được vũ khí thần diệu của nước Âu Lạc là nỏ Liên châu (Linh quang kim trảo thần nỏ) rồi lấy cớ trở về nước thăm cha thì lập tức, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc; vì chủ quan, An Dương Vương thua trận. Nghe tin cấp báo, phò mã tổng binh Võ Quốc cùng công chúa Quỳnh Anh dẫn quân về cứu thành Loa nhưng không kịp.
Trong trận chiến ác liệt dưới chân thành, Võ Quốc cùng người em kết nghĩa là dũng tướng Võ Trung tử trận, công chúa Quỳnh Anh được các tùy tướng hộ vệ phá vây chạy về làng Cháy ở đất Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Giặc kéo đến vây kín, chống không nổi các tướng chỉ huy là ông Đống, ông Vực, bà chúa Quả Cảm… đã tuẫn tiết; công chúa Quỳnh Anh bị giặc bắt nhưng nàng đã dùng cây kim thoa bằng đồng tự sát để giữ lòng trung trinh, tiết hạnh.
Thần tích làng Hương Bài, hương Bài Thôn (nay là khu vực Đồng Xuân, Mã Mây, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có nhắc đến một người con gái khác của An Dương Vương là công chúa thứ ba, có hiệu là Phượng Minh.
Công chúa Phượng Minh được gả cho Cao Tứ, một vị tướng giỏi thủy chiến vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Trở thành đệ tam phò mã, Cao Tứ được phong tước phò mã Tứ Dương Hầu, đã lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Tần xâm lược và trong kiến thiết đô thành Cổ Loa.
Tiếc là sau khi thành Cổ Loa được xây dựng xong, ông lâm bệnh rồi qua đời; công chúa vì thương chồng ngày đêm khóc lóc, không chịu ăn uống, chẳng bao lâu sau cũng mất.
An Dương Vương đã ban lệnh lập đền thờ hai người, từ đó hương khói không dứt; các đời vua sau này nhiều lần ban sắc phong cho hai vợ chồng công chúa Phượng Minh. Hiện nay còn giữ được một số sắc phong từ thời Lê Hiển Tông đến đời vua Khải Định triều Nguyễn, theo đó công chúa Phượng Minh được phong mỹ hiệu là: Tứ y đại vương công chúa.
Theo thư tịch lưu giữ tại đền Hương Nghĩa (phố Đào Duy Từ) và đền Ngũ Đằng (phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng ghi chuyện công chúa Phượng Minh là vợ của Thủy đạo tướng quân Cao Tứ, em trai tướng quân Cao Lỗ nhưng kết cục của đôi vợ chồng này theo một thuyết khác.
Khi kinh đô Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu chạy về phương Nam, thì ở đất Đại La, nơi tướng quân Cao Tứ giữ chức trấn thủ, ông đã tổ chức đánh trả giặc quyết liệt nhưng cuối cùng vì chênh lệch lực lượng, vị tướng anh hùng ấy đã hi sinh bên dòng sông Tô Lịch. Còn công chúa Phượng Minh cũng trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, thủy chung với chồng.
Trên đây là thông tin về một số phi tần và con cái của An Dương Vương, mặc dù không thể thống kê được đầy đủ, chính xác nhưng cũng ít nhiều làm rõ hơn về đời tư của một vị vua nổi tiếng nhưng lại có quá nhiều bí ẩn mà hàng nghìn năm nay vẫn chưa thể khám phá, giải đáp hết được.