Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia muốn 'cấm cửa' TikTok

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance, nếu không muốn bị cấm ở Mỹ. Trước đó, nhiều quốc gia như Canada, Italia hay Úc, New Zealand cũng có nhiều hành động siết hoạt động của ứng dụng này.

Bên ngoài trụ sở của tập đoàn ByteDance ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Getty

Bên ngoài trụ sở của tập đoàn ByteDance ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Getty

Nghị sĩ James Paterson của Úc cho rằng TikTok là "vai ác" và là một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia, khuyến nghị Chính phủ nước này nên tiếp bước Mỹ có hành động mạnh mẽ đối với mạng xã hội này. Việc TikTok bị cấm hoàn toàn không được ủng hộ nhưng Úc cần phải có giải pháp giống Mỹ, tức là bắt công ty mẹ của ứng dụng này ở Trung Quốc phải thoái vốn ra khỏi nước nước này.

Trong cuộc trao đổi với đài ABC, nghị sĩ này hy vọng việc thay đổi cấu trúc sở hữu của TikTok sẽ giảm nguy cơ dữ liệu của Úc bị thu thập bởi chính phủ Trung Quốc, ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch. Ngoài TikTok, ứng dụng WeChat cũng nên được xử lý theo hướng này.

Nguy cơ TikTok bị cấm tại Mỹ nếu không cắt đứt quan hệ với công ty mẹ tại Trung Quốc

Trước đó, với 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc.

Dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng hoặc sẽ phải đối diện với lệnh cấm của Mỹ. Đây là biện pháp mới nhất trong loạt động thái ở Washington nhằm ứng phó với những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.

Các thượng nghị sĩ chủ chốt tại Mỹ cho biết dự luật này sẽ trải qua quy trình lập pháp thông thường, có thể mất vài tháng. Tuy nhiên, việc dự luật nhanh chóng được Hạ viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ đã cảnh báo nguy cơ rõ ràng về khả năng TikTok bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Công nghiệp Canada Francois Philippe Champagne cho biết, nước này đang tiến hành đánh giá an ninh quốc gia đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Theo ông Champagne, việc đánh giá hoạt động của TikTok được triển khai từ tháng 9/2023 theo quy định của Đạo luật Đầu tư của Canada. Sau khi hoàn tất, sẽ thông báo cho người dân về kết quả đánh giá cũng như các biện pháp xử lý liên quan.

Người đứng đầu Bộ Công nghiệp Canada cho biết, việc đánh giá trên không liên quan đến dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua. Trước đó, tháng 2/2023, Canada đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động của chính phủ liên bang.

TikTok bị Italia phạt 11 triệu USD vì nội dung độc hại. Ảnh: AFP

TikTok bị Italia phạt 11 triệu USD vì nội dung độc hại. Ảnh: AFP

TikTok bị một số quốc gia phạt nặng, khuyến cáo không sử dụng tại cơ quan Chính phủ

Chính phủ Italy xử phạt TikTok gần 11 triệu USD vì không có biện pháp bảo vệ đầy đủ cho người vị thành niên.

AGCM - Cơ quan quản lý cạnh tranh của Italy AGCM đưa ra thông báo, "Công ty đã không áp dụng những cơ chế phù hợp để giám sát nội dung được đăng tải trên nền tảng, đặc biệt là những nội dung có thể đe dọa người vị thành niên và những cá nhân dễ bị tác động".

Giới chức Italy nhận định những nội dung gây hại với người vị thành niên được gợi ý lặp lại một cách có hệ thống, thông qua thuật toán đánh giá hồ sơ người dùng, tăng kích thích sử dụng mạng xã hội ở mức chưa từng thấy.

Tổng mức phạt gần 11 triệu USD được áp dụng với ba công ty thuộc tập đoàn Bytedance của Trung Quốc, gồm Công nghệ TikTok Ireland, Công nghệ Thông tin TikTok Anh và TikTok Italy.

TikTok thường xuyên bị cáo buộc truyền bá thông tin sai lệch, khiến người dùng gặp nguy hiểm với các video "thử thách" nguy hiểm. Italy mở điều tra TikTok vì không thực thi quy định về gỡ bỏ "nội dung nguy hiểm" liên quan đến hành vi tự làm hại bản thân hồi tháng 3/2023.

Trong thời gian qua, giới chức phương Tây đang áp dụng các chính sách ngày càng cứng rắn hơn với TikTok, vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị chính quyền Trung Quốc truy cập hoặc sử dụng. Mỹ, Canada, Bỉ, Anh, New Zealand và Ủy ban châu Âu đã cấm ứng dụng này trên thiết bị làm việc. Quan chức Hà Lan và nhân viên chính phủ ở Na Uy cũng được khuyến nghị không cài đặt TikTok.

Tuy nhiên, trước những đòn trừng phạt của một số quốc gia, ByteDance - Công ty mẹ của TikTok vẫn khẳng định quan điểm họ không liên quan tới Trung Quốc. CEO công ty này cũng từng nói rằng dữ liệu của người dùng Mỹ đang được lưu ở Singapore mà không phải ở quốc gia tỉ dân.

Nguồn: The Guardian, Reuters

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ngoai-my-nhieu-quoc-gia-muon-cam-cua-tiktok-179240317201443102.htm