Ngoài nâng lãi suất, còn cách nào để chống lạm phát?

Nâng lãi suất để chống lạm phát là biện pháp kinh điển, nhưng hệ lụy có thể thấy ngay là nền kinh tế đình đốn có thể dẫn đến suy thoái. Nước Mỹ đang vào một đợt tranh cãi mới khi nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang (Fed) bằng cách liên tục nâng lãi suất, chưa thấy kết quả đâu nhưng đang gây khó đủ kiểu cho người dân Mỹ. Tờ Vox nhân đó mới đặt câu hỏi cho nhiều chuyên gia kinh tế: ngoài việc nâng lãi suất, còn có biện pháp nào để chống lạm phát không?Điều đáng ngạc nhiên là có khá nhiều ý kiến đề cập đến kiểm soát giá, mặc dù biện pháp này đi ngược lại các quy luật thị trường, có lẽ do doanh nghiệp tăng giá bán khá lộ liễu, nhanh hơn mức tăng của lạm phát nhiều lần.

Meg Jacobs, chuyên gia nghiên cứu ở Đại học Princeton, cho rằng có một số biện pháp kìm cương lạm phát từng có tiền lệ có thể áp dụng. Đầu tiên là sự cứng rắn của nhà nước, dùng quyền lực hành chính để gây áp lực buộc doanh nghiệp điều tiết việc tăng giá, nhất là trong các lĩnh vực có sự tập trung như sản xuất thịt, vận tải biển… Cũng có thể áp dụng cách ấn định giá trực tiếp thông qua kiểm soát giá, nhất là khi thị trường bị méo mó hay trong tình trạng có khủng hoảng do thiên tai, chiến tranh.

Mặc dù bà thừa nhận các nhà kinh tế hoài nghi tính hiệu quả của các biện pháp phi thị trường kiểu này, bà cho rằng chúng là những tín hiệu nhà nước nên phát ra để người dân tin tưởng chính phủ đang có biện pháp chứ không phải là đang thả nổi thị trường cho doanh nghiệp lợi dụng tăng giá.

Meg Jacobs còn trích lời Joseph Stiglitz, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001, cho rằng kiểm soát giá đối với một số mặt hàng như xăng, khí đốt là cần thiết vì thị trường đang biến động do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh ở Ukraine hay dịch Covid-19. Kiểm soát giá cũng có thể dưới dạng thuế bổ sung như châu Âu đang làm với các tập đoàn dầu khí.

Đầu tư vào hạ tầng cũng là một biện pháp mang tính lâu dài nhờ nhắm đến tăng trưởng và năng suất trong tương lai – tức nhắm vào bên cung vì tăng cung sẽ dẫn tới giảm giá.

Brian Riedl, một chuyên gia kinh tế ở Viện Manhattan, lại nhấn mạnh đến các biện pháp tức thì. Chẳng hạn Chính phủ và Quốc hội Mỹ phải ngưng chi tiêu [vô tội vạ] vì các chính sách như xóa nợ vay tiền đi học cho sinh viên Mỹ, hay các gói giải cứu kinh tế là nguyên nhân làm lạm phát trầm trọng hơn. Nội cái cách liên tục đề xuất các gói chi tiêu hàng ngàn tỉ đô la sẽ tạo ra tâm lý chờ đợi lạm phát trong tương lai. Ông cho rằng cắt giảm thuế cũng là biện pháp chống lạm phát hiệu quả.

Một nghiên cứu của Peterson Institute for International Economists cho rằng, cắt giảm 2 điểm phần trăm thuế có thể giảm lạm phát đến 1,3 điểm phần trăm và giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm được 800 đô la.

Một số chính sách của Chính phủ Mỹ, theo ông, cũng đang gây ra lạm phát như yêu cầu các cơ quan nhà nước phải sử dụng hàng Mỹ trong các dự án hạ tầng có nguồn tài trợ của liên bang, hay buộc phải trả lương cho công nhân trong các dự án hạ tầng bằng mức lương bình quân của công nhân khác đang làm công việc tương tự.

Theo ông, có những đạo luật góp phần làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làm lạm phát nặng thêm như đạo luật buộc hàng hóa vận chuyển từ cảng này sang cảng khác, tất cả đều là của Mỹ thì phải sử dụng tàu của Mỹ, vận hành bởi thủy thủ Mỹ…

J.W. Mason, một nhà kinh tế tại Đại học John Jay và Viện Roosevelt, lập luận chưa chắc phải nhất thiết kéo lạm phát xuống vì các biện pháp áp dụng như tăng lãi suất có cái giá phải trả còn cao hơn lạm phát: một thị trường lao động yếu ớt, thất nghiệp cao, suy thoái sâu.

Tuy thế, ông cho rằng một tỷ lệ lớn trong các tác nhân gây ra lạm phát là năng lượng; nếu có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo, sẽ làm giảm lạm phát.

Các biện pháp tương tự là kiểm soát giá cho thuê nhà, chi phí chăm sóc sức khỏe, chuyển hướng sản xuất trong nước thay vì phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài.

Lindsay Owens, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu Groundwork Collaborative, cho rằng có ba cấu phần đang thúc đẩy giá tăng: lương tăng, chi phí đầu vào và biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Vai trò của Fed là chống tăng giá ở các lĩnh vực bên cung; phía Chính phủ và Quốc hội Mỹ nên tập trung vào cấu phần thứ ba là cách doanh nghiệp đang tăng giá, đẩy sức ép lạm phát về phía người tiêu dùng. Ở đây cũng có ba biện pháp để hạn chế việc tăng giá của doanh nghiệp.

Đầu tiên là dùng thuế để làm doanh nghiệp thấy có nâng giá cũng không hưởng thêm lợi nhuận, từ đó doanh nghiệp không còn động cơ tăng giá chỉ để tăng biên lợi nhuận. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đang chứng kiến mức lợi nhuận tăng vọt như PepsiCo ở Mỹ vừa báo cáo lợi nhuận quí 3 tăng trên 20%. Tương tự trong cùng kỳ mức lợi nhuận của Coca-Cola tăng 14% – cả hai đều do tăng giá bán.

Các tập đoàn dầu khí đang lãi kỷ lục, không phải vì họ cải tiến được công nghệ khai thác hay tìm ra mỏ dầu mới, tất cả chỉ vì thị trường dầu khí đang bất ổn, nguồn cung thiếu hụt, giá tăng.

Thứ đến là xem xét có hay không tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tăng giá – hiện nay có đến 38 tiểu bang đã có sẵn những đạo luật chống chèn ép giá người tiêu dùng và một đạo luật liên bang đang được đề xuất.

Cuối cùng là xem xét doanh nghiệp có hưởng lợi thế độc quyền để có quyền định giá mà người tiêu dùng đành phải chấp nhận. Điều này đòi hỏi rà soát lại các quy định về chống độc quyền để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp cùng ngành liên kết để định giá.

Nhìn chung, ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều tập trung vào chuyện cần kiên nhẫn chờ đợi các đợt nâng lãi suất của Fed sẽ phát huy tác dụng. Trong lúc chờ đợi, họ đều nhận định Chính phủ và Quốc hội Mỹ cần chấm dứt các đợt tung tiền ra dù để giải cứu hay để kích thích nền sản xuất nội địa.

Điều đáng ngạc nhiên là có khá nhiều ý kiến đề cập đến kiểm soát giá, mặc dù biện pháp này đi ngược lại các quy luật thị trường, có lẽ do doanh nghiệp tăng giá bán khá lộ liễu, nhanh hơn mức tăng của lạm phát nhiều lần.

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngoai-nang-lai-suat-con-cach-nao-de-chong-lam-phat/