Ngoài ST25, Việt Nam còn loại gạo nào ngon nức tiếng?

Ngoài gạo ST25 vừa 'đăng quang' quán quân ngon nhất thế giới, Việt Nam có rất nhiều loại gạo nổi tiếng khác như Jasmine, nếp cái hoa vàng, gạo nàng hoa...

Gạo ST25

Trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới diễn ra ở Manila (Philippines) mới đây, gạo ST25 của Việt Nam xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo của các nước khác để giành Giải Nhất cuộc thi gạo ngon thế giới 2019.

 Gạo ST25 đăng quang quán quân ngon nhất thế giới.

Gạo ST25 đăng quang quán quân ngon nhất thế giới.

Gạo ST25 do nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo. Trước đó, gạo ST25 cũng tạo được tiếng vang lớn tại “Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về Thương mại Gạo” tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) khi vinh dự lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017. Loại gạo này cũng đạt giải nhất tại Festival lúa gạo lần thứ III - 2018 diễn ra tại Long An.

Giống lúa ST25 được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, gạo ST25 có đặc tính phẩm chất gạo rất trắng, cơm trắng và rất tự nhiên.

Gạo Jasmine

Được nhập Việt Nam năm 1992 và sản xuất rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, gạo Jasmine của Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq (18,8%), Philippines (18,4%) và Bờ Biển Ngà (18,1%).

 (Ảnh: Gaongon24h)

(Ảnh: Gaongon24h)

Jasmine là loại lúa thơm dẻo có thời gian sinh trưởng ngắn (hay còn gọi là lúa ngắn ngày). Gạo Jasmine được trồng phổ biến rộng rãi, chiếm diện tích lớn trong tổng diện tích trồng lúa.

Gạo Jasmine có một hương vị thơm tự nhiên với hàm lượng nhỏ hạt phấn. Sau khi nấu chín, nó trở nên thơm hơn, ngọt dịu và ngon đậm vị. Hạt gạo dài, trong, không bạc bụng.

Gạo Japonica

Gạo Japonica là giống lúa hạt tròn (còn gọi là gạo Nhật), chất lượng cao, được canh tác và sản xuất ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 10 năm trở lại đây.

 Ảnh: Hatngoctroi

Ảnh: Hatngoctroi

Năm 2018, một công ty tư nhân của Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn gạo Japonica xuất khẩu sang Hàn Quốc - một thị trường được xem là khó tính. Hạt gạo Japonica tròn, cơm dẻo, khi nấu chín hạt cơm trắng bông, căng tròn như những hạt ngọc. Đặc biệt, gạo Japonica có vị đậm cơm, thơm ngọt tự nhiên và chứa nhiều dinh dưỡng.

Gạo nàng hoa

Đây là loại gạo cao cấp có vị cơm dẻo thơm, mềm ngọt, là một đặc sản của cánh đồng lúa nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, nổi bật nhất là ở Mộc Hóa, Long An. Sản phẩm này được xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu.

 (Ảnh: Chogaomientay)

(Ảnh: Chogaomientay)

Gạo nàng hoa là sự kết hợp tinh tế giữa Jacmine85 và AS996. Hạt gạo đẹp, trắng trong, thon dài, cơm mềm, dẻo và rất thơm.

Gạo bắc hương

Đây là loại gạo được xem là đặc sản ở vùng quê Nam Định, đặc biệt là ở vùng Hải Hậu và Giao Thủy. So với các loại gạo ngon ở Việt Nam hiện nay, bắc hương có độ "phủ sóng" rộng nhất.

 (Ảnh: Facebook)

(Ảnh: Facebook)

Loại gạo này có mùi vị rất đậm đà, hương thơm tự nhiên, vị dẻo mềm. Đặc biệt, sau khi nấu chín và để nguội trong thời gian khá dài thì hạt cơm vẫn giữ được độ dẻo và hương vị vốn có.

Nếp cái hoa vàng

 (Ảnh: Nongsandungha)

(Ảnh: Nongsandungha)

Từ lâu, nếp cái hoa vàng đã là giống gạo nếp nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc, Bắc Ninh. Loại gạo này có hạt to tròn, thơm và dẻo, để 3-4 ngày sau khi nấu chín vẫn không bị khô cứng.

Bằng Lăng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngoai-st25-viet-nam-con-loai-gao-nao-ngon-nuc-tieng-d510525.html