Ngoài thi tốt nghiệp, thí sinh chỉ nên tham dự một kỳ thi riêng

Với sự nở rộ của các kỳ thi riêng, nhiều thí sinh đã đăng ký nhiều kỳ thi hoặc nhiều đợt thi vừa để thử sức, vừa để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Các chuyên gia cho biết, việc này là không cần thiết và gây lãng phí.

4 kỳ thi riêng uy tín

Năm 2024, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi riêng. Để có thêm cơ hội thử sức và rộng đường vào các trường đại học mong muốn, nhiều thí sinh tìm hiểu và đăng ký các kỳ thi này.

Tại phía Bắc, có 4 kỳ thi riêng uy tín và phổ biến gồm: Đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội), đánh giá tuyển sinh (Bộ Công an) và Đánh giá năng lực (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Thí sinh tham dự thì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST)

Thí sinh tham dự thì thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST)

Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) với số lượng đăng ký 84.000 lượt. Bài thi HSA được làm trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Bài thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội thi trong 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính. Năm 2024, ĐH Bách khoa cũng dự kiến tổ chức 6 đợt thi.

Là năm thứ ba Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, năm 2024, thí sinh tham gia dự thi vẫn làm các bài thi độc lập trực tiếp trên giấy. Nội dung thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo cấu trúc từng bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an năm 2024 được giữ ổn định như các năm trước. Thời gian tổ chức kỳ thi này sẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khoảng 10 ngày. Tham gia kỳ thi này, thí sinh chọn 1 trong 2 mã bài thi để dự thi, gồm CA1 là phần thi trắc nghiệm và tự luận Toán hoặc CA2 là phần thi trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn. Tổng thời gian làm bài 180 phút (phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút).

Bỏ tâm lý thi để tập dượt

Với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12/2024). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Thí sinh tra cứu kết quả thi và nhận Giấy chứng nhận kết quả thi sau 14 ngày dự thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi HSA.

ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau khi tham gia dự thi đánh giá tư duy và có kết quả, thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm và dùng kết quả thi để xét tuyển đại học.

Mỗi thí sinh chỉ nên tham dự 1 kỳ thi riêng

Mỗi thí sinh chỉ nên tham dự 1 kỳ thi riêng

Còn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ công bố kết quả thi trước ngày 1/6/2024. Thí sinh được nhận giấy chứng nhận kết quả thi và giấy chứng nhận này chỉ có giá trị xét tuyển đại học trong năm tuyển sinh 2024.

Liên quan đến kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an, các trường khối công an sẽ lấy 2 thành phần điểm để xét tuyển (60% điểm của bài thi đánh giá của Bộ Công an, 40% còn lại sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Trước câu hỏi của thí sinh về việc có nên tham dự nhiều kỳ thi riêng của nhiều trường hoặc đăng ký nhiều đợt thi của một trường hay không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh chỉ nên thi thêm nhiều nhất 1 kỳ thi riêng và cũng chỉ nên thi 1 đợt để tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tiền bạc và dành cơ hội cho người khác.

“Năm 2024, Trung tâm Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội đã thiết kế khoảng 100.000 chỗ thi đánh giá năng lực. Số liệu trên được tính toán dôi dư hơn so với số thí sinh dự thi những năm trước. Để tổ chức mỗi đợt thi, chúng tôi phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng địa điểm như cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đường truyền...; nếu đủ điều kiện mới tổ chức thi. Hiện Trung tâm chưa có phương án mở thêm đợt thi khác ngoài kế hoạch dự kiến. Trung tâm vẫn giữ quy định là sau 96 giờ thí sinh không nộp lệ phí thì ca thi hủy tự động để nhường chỗ cho người thực sự có nhu cầu”, GS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến cáo, mỗi thí sinh thi 1 kỳ thi riêng là nhiều và với mỗi kỳ thi này thi 1 lần là tốt bởi định dạng đề thi đã được thiết kế hợp lý, đảm bảo điểm của thí sinh sẽ không chênh giữa 2 lần thi.

“Phụ huynh, thí sinh thường có tâm lý và mong muốn thi nhiều lần. Lời khuyên của chúng tôi vẫn là thí sinh nên chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe, kiến thức để thi 1 lần và đạt điểm cao nhất, phản ánh đúng năng lực của mình nhất. Hãy bỏ qua ý nghĩ thi lần 1 chỉ để tập dượt còn các lần sau mới là thi thật. Ngược lại, hãy coi kỳ thi là một cuộc chiến để cố gắng và nỗ lực hết sức vì thực tế cho thấy, nếu thí sinh chỉ xác định chỉ thi 1 lần thì số đạt được sẽ cao ngay từ lần thi đầu tiên”, GS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngoai-thi-tot-nghiep-thi-sinh-chi-nen-tham-du-mot-ky-thi-rieng.html