Ngoại tôi

Má hay kể tôi nghe nhiều về bà ngoại, mặc dù ngoại đã đi xa lắm rồi. Bà ra đi trong sự mãn nguyện vì đã lo chu tất cho đàn con khi ông ngoại vĩnh viễn nằm lại vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cuộc đời làm dâu không có chồng bên cạnh thì tủi thân vô cùng nhưng ngoại vẫn cố gắng làm tròn bổn phận dâu con. Má hay kể về cuộc đời bà ngoại khi trở thành hậu phương vững chắc cho ông an tâm chiến đấu. Tôi bật khóc.

Cách đây 63 năm, khi chiến tranh đang xảy ra. Hôm đó là buổi hừng đông của tháng ba âm lịch năm 1956. Chiếc tàu xuôi sông Nhựt Tảo ghé trước cửa nhà bà cố. Bước lên bờ là người con gái lạ, khoảng 18 tuổi, mái tóc dài thướt tha, vào nhà nói chuyện với bà cố, vẻ thẹn thùng: “Thưa cha má, con là người yêu anh Nghĩa. ảnh hứa sau khi chiến tranh kết thúc, hai đứa con mần đám cưới. Con sẽ là dâu của cha má, ảnh có gửi cho cha má bức thư”. Ông cố cầm bức thư đọc chăm chú, đọc xong, ông bà cố đều mừng. Nghĩa là ông ngoại tôi, đi vào vùng giải phóng đã hơn 5 năm. Nhà ông cố lúc đó nghèo lắm. Pháo bắn sụp hầm, đạn pháo làm vỡ đê nên nước phèn tràn vô ruộng rồi làm mất mùa mấy năm liên tục. Bà cố ở nhà đi làm thuê, cấy mướn, nuôi đàn con nhỏ.

Sau vài phút xúc động đọc xong bức thư của ông ngoại, bà cố ngước mặt lên nhìn bà ngoại, lộ vẻ ưng ý người con dâu.

... Nhớ lại, máy bay bỏ bom làm sụp hầm, gia đình mất hết, bà ngoại khi đó chưa quen ông, phải sống côi cút một mình. Trời xui khiến, ông ngoại tôi được đơn vị cho về thăm gia đình. Tránh bom đạn, ông ghé tạm nhà bà rồi hai người quen biết, yêu nhau trong chiến tranh. Đời bà côi cút, nhờ có ông, có gia đình ông bà cố, ngoại như có thêm gia đình thứ hai. Tờ mờ sáng, gà gáy chặp đầu, ngoại lọ mọ vo gạo nấu cơm rồi dọn dẹp bếp núc, vác cuốc ra đồng đến trời đỏ đèn mới về. Ngoại hay nói với bà cố: “Anh Nghĩa thương má lắm. Giờ ảnh lo việc nước nên con thay ảnh lo cho cha má được chút ít là con mừng rồi”. Bà cố nhìn ngoại mà rơm rớm nước mắt. Thế đấy, bà ngoại làm dâu suốt ba năm liền mà chưa một đám cưới nào diễn ra. Rồi ông ngoại cũng về thăm nhà được ba ngày. Ngày lên đường, hai người bịn rịn không muốn xa nhau nhưng chiến tranh vẫn còn, ông phải ra đi theo tiếng gọi của quê hương. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Mỗi lần ông ngoại về thăm nhà là y như trên người có thêm vài vết thương. Bà không khỏi xót xa, sờ lên những vết thương mà khóc.

Đầu mùa mưa, cây me già trước nhà ngoại thay lá, cứ chiều chiều, ngoại ra gốc me ngóng về nơi xa. Bà nhớ ông, nỗi nhớ cứ ngút ngàn theo từng ngọn khói đốt đồng. Năm ấy, má tôi được 12 tuổi, nỗi sợ lớn nhất cũng đến, nó xảy ra đúng cái ngày ông ngoại xin về thăm nhà. Ông vĩnh viễn ra đi. Bà như ngã quỵ, ba ngày bà không ăn uống gì, nằm vật vã trong nỗi đau bất tận.

Nỗi đau nào cũng phải qua, bà gắng gượng làm tròn trách nhiệm dâu con, chăm sóc đàn con thơ. Rồi vài năm sau đó, ông bà cố cũng qua đời, ngoại tần tảo gồng gánh gia đình. Má kể, lúc đó nhà nghèo, ngoại phải vất vả lắm mới nuôi nổi đàn con. Thương ngoại, nhiều người ngỏ ý gá nghĩa nhưng bà đều từ chối, chỉ thờ chồng, chăm con. Ngoại dạy má và các cậu, các dì phải ráng học, chỉ có học mới thoát khỏi đói nghèo, chỉ có học mới tiến bộ. Lời ngoại dạy má rồi má dạy lại tôi. Cuộc đời tôi vẫn nặng bóng hình ngoại dù chưa một lần được nhìn thấy bà. Hình ảnh ngoại trong tôi chỉ lờ mờ qua lời má kể.

Tôi ngưỡng mộ ngoại bởi mối tình một đời, một kiếp với ông. Ngoại hay nói với má: “Từ hồi cha mày hy sinh, má nguyện ở vậy lo cho tụi bây”. Lời ngoại nói với má mấy chục năm rồi mà má vẫn in sâu trong tim, khắc trong lòng. Lòng thủy chung son sắt mà bà dành cho ông ngoại cảm động cả đất trời. Đến lúc sắp ra đi, ngoại vẫn nói nhẹ tênh: “Má sắp được gặp cha bây rồi!”./.

Diệp Linh

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/ngoai-toi-a81368.html