Ngoại trưởng Đức tới Trung Đông thúc đẩy lệnh ngừng bắn

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Mục đích chuyến thăm

Theo lịch trình, bà Baerbock sẽ đến thăm Saudi Arabia, Jordan, Israel và Bờ Tây. Truyền thông Đức đưa tin đây là lần thứ 11 Ngoại trưởng Baerbock đến Trung Đông kể từ khi xung đột Gaza bắt đầu cách đây 11 tháng.

Một lệnh ngừng bắn nhân đạo và việc thả các con tin Israel sẽ là trọng tâm trong tất cả các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Baerbock và các đối tác của bà tại Riyadh, Amman, Tel Aviv và Ramallah trong chuyến đi này. Bà Baerbock cũng cho biết sẽ công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 50 triệu euro (55 triệu USD) cho Dải Gaza.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công du Trung Đông lần thứ 11 trong vòng 11 tháng qua. Ảnh DW

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công du Trung Đông lần thứ 11 trong vòng 11 tháng qua. Ảnh DW

Ngoại trưởng Baerbock tuyên bố trước chuyến đi “mọi nỗ lực phải tiếp tục hướng tới một lệnh ngừng bắn nhân đạo dẫn đến việc thả các con tin - và chấm dứt cảnh chết chóc. Xét cho cùng, không có giải pháp quân sự nào cho Gaza hoặc cho tình hình ở Bờ Tây”. Bà Baerbock nhấn mạnh kế hoạch ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất vào tháng 5 "cuối cùng cũng phải được thông qua".

Mỹ, Ai Cập và Qatar đang cố gắng chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng trong việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas. Việc phát hiện ra sáu con tin người Israel mới bị sát hại ở Dải Gaza và mối đe dọa trả thù của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gây thêm căng thẳng cho các nỗ lực hòa giải.

Kể từ tuần trước, Israel và Hamas đã tạm ngừng bắn nhân đạo tại Gaza để tạo điều kiện tiêm vắc-xin cho trẻ em ở Gaza chống lại vi-rút bại liệt, trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chính phủ Đức đang hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới và đã làm việc với các đối tác trong nhiều tháng để đảm bảo có thêm nhiều viện trợ nhân đạo đến Gaza.

Lịch trình chuyến thăm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Kathrin Deschauer cho biết, tại Saudi Arabia, Ngoại trưởng Baerbock đã gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud hôm 5/9, thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực và các cuộc tấn công đang diễn ra của lực lượng Houthi từ Yemen vào hoạt động vận chuyển quốc tế trên Biển Đỏ.

Ngoại trưởng Baerbock gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud hôm 5/9. Ảnh DW

Ngoại trưởng Baerbock gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud hôm 5/9. Ảnh DW

Tại Jordan, Ngoại trưởng Baerbock đã gặp người đồng cấp Jordan Ayman Al- Safadi tối 5/9 để thảo luận về vấn đề phối hợp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza. Tại đây, bà Baerbock cho biết Đức sẽ cung cấp một gói viện trợ mới cho Gaza để chống lại nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, cũng như cung cấp các dịch vụ y tế. “Jordan là đối tác quan trọng của Đức trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza”, bà Baerbock cho biết.

Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Jordan Ayman Al -Safadi, bà Baerbock cho biết Đức đã cam kết hơn 360 triệu euro cho người dân Gaza kể từ năm ngoái. Trọng tâm của đợt viện trợ mới nhất là chống lại nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, cùng với việc cung cấp các dịch vụ y tế đã bị phá hủy do các cuộc tấn công của Israel.

Ngoài ra, viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Syria ở Jordan sẽ được tăng thêm 12,7 triệu euro, nâng viện trợ của Đức cho Jordan lên 63 triệu euro trong suốt năm 2024.

Sau đó, trong chuyến thăm đến Israel, bà Baerbock sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Israel Israel Katz và Bộ trưởng Quốc phòng Joav Galant vào tối ngày 6/9. Đây là chuyến đi thứ 9 của bà Baerbock tới Israel kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Đức Kathrin Deschaue cho biết những cuộc đàm phán tại Israel sẽ tập trung vào các kế hoạch ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, nhằm hướng tới việc thả các con tin và viện trợ nhân đạo cấp thiết cho người dân Gaza. Bà Baerbock dự kiến cũng sẽ gặp gỡ người thân của các con tin Israel bị bắt cóc.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock là khu Bờ Tây. Bà sẽ gặp nhà lãnh đạo chính quyền Palestine Mohammed Mustafa tại Bờ Tây để thảo luận về các giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực đang leo thang ở Bờ Tây.

Theo DW, bà Baerbock cho rằng vụ bạo lực bùng phát gần đây ở Bờ Tây của Palestine đang khiến chính phủ Đức vô cùng lo ngại.

"Israel đang chiếm đóng ở Bờ Tây và có nghĩa vụ theo Công ước Geneva phải duy trì luật pháp và trật tự thay vì gây nguy hiểm cho luật pháp và trật tự. Điều này bao gồm việc bảo vệ người dân khỏi các cuộc tấn công của những người định cư bạo lực, cực đoan", bà Baerbock nói.

Đức có thể duy trì vai trò hòa giải ở Trung Đông?

Đức từng được coi là một bên trung gian đáng tin cậy ở Trung Đông, tạo điều kiện cho các thỏa thuận quan trọng giữa Israel và các đối thủ của mình trong những thời điểm căng thẳng nhất. Đức đã đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo điều kiện cho hai thỏa thuận trao đổi tù nhân quan trọng giữa Israel và Hezbollah vào năm 2004 và 2008. Trong nhiều năm, Đức đã tuyên bố an ninh của nhà nước Israel là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của mình.

Kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, nước này đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Israel. Khi dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tàn khốc của Israel ở Gaza, Đức đã định vị mình là đồng minh cung cấp viện trợ vật chất đáng kể cho Israel mà các quốc gia khác không có.

“Chỉ có một nơi dành cho nước Đức vào thời điểm này, đó là bên cạnh Israel”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từng nói với các nhà lập pháp Đức vào ngày 12 tháng 10.

Một số nhà quan sát nhận định Đức đang trỗi dậy mạnh mẽ để nâng cao vị thế của mình ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, việc Đức ủng hộ Israel một cách vô điều kiện sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 và hỗ trợ cho Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Gaza có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với ngoại giao và ảnh hưởng của Đức trong khu vực và ở Nam bán cầu nói chung.

Gần đây, khi số người chết ở Gaza vượt quá 40.000 người, Ngoại trưởng Baerbock đã thay đổi giọng điệu của mình. Vào cuối tháng 3, trong chuyến thăm thứ 6 tới khu vực này kể từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái, bà đã mô tả tình hình ở dải đất này là "địa ngục" và cũng lên tiếng phản đối cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah.

Ngoại trưởng Đức Baerbock gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 17/4/2023 tại Jerusalem. Ảnh The Times of Israel.

Ngoại trưởng Đức Baerbock gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 17/4/2023 tại Jerusalem. Ảnh The Times of Israel.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, xuất khẩu vũ khí của Đức sang Israel đã tăng vọt, gấp mười lần so với năm 2022. Các quan chức chính phủ Đức đã tiết lộ rằng trong số 218 giấy phép được cấp vào năm 2023, có 185 giấy phép đã được phê duyệt trong cuộc tấn công của Israel. Thủ tướng Scholz thừa nhận rằng ông đã nói với các nhà lãnh đạo Israel rằng hãy yêu cầu ông "bất kỳ sự hỗ trợ nào cần thiết". Theo báo cáo tháng 3 năm 2024 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Đức cung cấp 30% lượng vũ khí nhập khẩu vào Israel trong những năm gần đây.

Một hành động khác bị hoài nghi của Berlin là khi nước này bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc trước tòa án Tòa án Công lý Quốc tế IJC rằng Israel có khả năng phạm tội diệt chủng ở Gaza, trong khi đồng thời tuyên bố sẽ can thiệp với tư cách là bên thứ ba trước ICJ. Theo học giả Stefan Talmon, "Việc tuyên bố ý định can thiệp trước khi Tòa án có thể đưa ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền có vẻ là thiếu tôn trọng ICJ và cuối cùng có thể làm suy yếu uy tín và sức mạnh của sự can thiệp của Đức". Học giả Talmon nói thêm rằng nhiều người ở Nam bán cầu "sẽ coi sự can thiệp của Đức là một ví dụ khác về tiêu chuẩn kép trong luật pháp quốc tế".

Sajjad Safaei, nhà nghiên cứu khoa học tại Đức, cho rằng phản ứng chính trị, quân sự và pháp lý của Đức đối với cuộc tấn công của Israel ở Gaza có thể khiến vị thế quốc tế của nước này bị tổn hại, đặc biệt là ở Nam bán cầu, bao gồm cả thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Vào thời điểm quan trọng, khi việc hạ nhiệt căng thẳng và hòa giải hiệu quả là tối quan trọng, cách tiếp cận hiện tại của Đức đối với Trung Đông khiến chúng ta khó có thể tưởng tượng ra một kịch bản mà Berlin sẽ đảm nhận một vai trò hòa giải như hồi năm 2004 hoặc 2008. Sẽ cần cả thời gian và nỗ lực để Đức lấy lại uy tín đã bị suy giảm của mình ở khu vực này trong nhiều thập kỷ.

Hà Thu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ngoai-truong-duc-toi-trung-dong-thuc-day-lenh-ngung-ban-263639.htm