Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Chuyến đi 'dập lửa'

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở lại Trung Đông trong chuyến thăm kéo dài năm ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Israel, Bờ Tây và Ai Cập với nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 10/1. (Nguồn: NY Times)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 10/1. (Nguồn: NY Times)

Đây là lần thứ tư Ngoại trưởng Mỹ công du khu vực Trung Đông kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát từ ngày 7/10/2023. Liệu chuyến đi của ông có đạt được kết quả như mong đợi?

Tiếp tục lan rộng

Sau gần 100 ngày, xung đột Hamas-Israel tiếp tục leo thang, gây thương vong ở mức kỷ lục cho các bên và thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Từ các cuộc đối đầu trên lãnh thổ Israel và Dải Gaza, xung đột đã lan rộng ra tất cả các vùng lãnh thổ của Palestine, tới biên giới Israel-Lebanon, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria, Iraq và khu vực Biển Đỏ.

Bên cạnh giao tranh tại Dải Gaza, báo cáo của Liên hợp quốc ngày 28/12/2023 cho biết, tình hình nhân quyền và bạo lực ở Bờ Tây xấu đi nhanh chóng. Trước tình hình trên, nhìn lại các bước đi của chính quyền Tổng thống Joe Biden thời gian qua đối với Trung Đông, có thể thấy Mỹ đã bất ngờ trước hành động tấn công Israel của lực lượng Hamas. Washington đã đưa ra các hành động mạnh ủng hộ Israel. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cũng chịu áp lực ngày càng lớn từ nhóm cử tri gốc Hồi giáo, Arab sau khi Israel thực hiện nhiều cuộc tấn công trả đũa khiến hàng ngàn người, đa số là dân thường thiệt mạng.

Mặc dù tiến trình bình thường hóa giữa Israel và các nước Arab đạt được một số kết quả tích cực theo thỏa thuận Abraham, Mỹ chưa đạt được kết quả trong xử lý các vấn đề quan trọng nhất là đàm phán lại thỏa thuận JCPOA về hạt nhân Iran. Trong khi đó, Iran tiếp tục tăng cường vai trò tại khu vực thông qua các hình thức viện trợ cho Hamas, Hezbolla. Trên mặt trận khác, Mỹ đang phải đối phó với nhiều thách thức như xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiệm vụ có khả thi?

Trong bối cảnh như thế, Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông lần này với trọng tâm nhằm giảm leo thang căng thẳng, ngăn xung đột lan rộng và thúc đẩy cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ông Blinken đồng thời nhấn mạnh với Israel rằng nước này cần phải hành động nhiều hơn để giảm căng thẳng ở Bờ Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Ông Blinken sẽ thảo luận về những bước cụ thể mà các bên có thể thực hiện, bao gồm cả cách họ sử dụng ảnh hưởng của mình với nước khác trong khu vực để tránh leo thang căng thẳng và ngăn chặn xung đột mở rộng”.

Trong một phát biểu gần đây, chính Ngoại trưởng Blinken thừa nhận, đây đang là thời điểm căng thẳng tại khu vực và xung đột từ Dải Gaza có thể dễ dàng lan rộng ra các nơi khác, nếu tất cả các bên không hành động khẩn cấp. Ông nói: “Đây là cuộc xung đột dễ dàng di căn và gây thêm nhiều thiệt hại hơn cho khu vực. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã tập trung cao độ vào việc ngăn chặn xung đột lan rộng. Đó cũng là ưu tiên chính trong chuyến đi lần thứ tư của tôi đến khu vực kể từ khi xung đột nổ ra”.

Từ khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza, một trong những mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Biden là không để xung đột lan rộng, tránh dàn trải sức mạnh quân sự tại nước ngoài, rút dần can dự trực tiếp, tăng cường trách nhiệm của đồng minh. Đồng thời, Mỹ tìm cách thúc đẩy vai trò hòa giải giữa các nước Arab và Israel theo thỏa thuận Abraham nhằm duy trì vị thế và nâng cao uy tín của nước này.

Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan gặp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại in Abu Dhabi ngày 8/1. (Nguồn: AFP)

Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan gặp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại in Abu Dhabi ngày 8/1. (Nguồn: AFP)

Giải pháp hậu chiến

Bên cạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn cuộc chiến lan rộng, một nhiệm vụ nặng nề khác của Ngoại trưởng Mỹ là thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp nhằm sớm chấm dứt xung đột, tiến tới xây dựng các khuôn khổ chính trị mới, lên kế hoạch tái thiết và quản trị hậu xung đột tại Dải Gaza. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập đang đóng những vai trò khác nhau trong nỗ lực trung gian hòa giải. Các nước này cũng có tiếng nói hoặc có tầm ảnh hưởng với những lực lượng như Hezbollah và Houthi.

Sự hiện diện của Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ trong hợp tác với các đối tác để thiết lập các điều kiện cần thiết cho hòa bình ở Trung Đông, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo còn do dự sẵn sàng đóng góp cho tái thiết, quản trị và an ninh của Dải Gaza trong tương lai.

Bên cạnh đó, thông qua thái độ và động thái của các nước đến thăm, phái đoàn Mỹ có thể biết được quan điểm của các nước Arab về tương lai Dải Gaza trước khi đưa ra quan điểm với Israel, trong bối cảnh vẫn còn những khác biệt lớn giữa các bên về xung đột tại Dải Gaza và các vấn đề khác của khu vực. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan điểm và tiến triển của Ankara trong việc phê chuẩn Thụy Điển là thành viên NATO được hai bên bàn thảo.

Các hành động quân sự gia tăng vừa qua của Israel cho thấy Mỹ cần gấp rút phải đưa ra giải pháp cho hậu xung đột Israel-Hamas, thúc đẩy giải pháp hòa bình trong khu vực. Nhưng đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với Ngoại trưởng Blinken và chính quyền Biden khi cuộc bầu cử tổng thống đang nóng dần lên tại xứ cờ hoa.

Huyền Phạm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-cong-du-trung-dong-chuyen-di-dap-lua-256980.html