Ngoại trưởng Mỹ dọa rút khỏi đàm phán về chấm dứt chiến tranh Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng, Washington sẽ ngừng các nỗ lực đàm phán về thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga trong những ngày tới, nếu không có tín hiệu nào cho thấy, có thể đạt được một thỏa thuận; và rằng, Mỹ cũng có những việc khác cần ưu tiên.

Ngày 18/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, Washington sẽ ngừng các nỗ lực đàm phán về thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga trong những ngày tới, nếu không có tín hiệu nào cho thấy có thể đạt được một thỏa thuận.

“Trong những ngày tới, chúng ta phải xác định xem hòa bình có khả thi hay không. Nếu xác định không thể đạt được hòa bình cho Ukraine, Mỹ sẽ chuyển sang làm chuyện khác, vì Washignton có những ưu tiên khác cần tập trung và không muốn hồ sơ Ukraine kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng.”, ông Rubio nói với báo giới trước khi rời Paris về nước, cho biết, Mỹ đã dành 3 năm cùng hàng tỷ đô la để hỗ trợ cho phía Ukraine, nhưng đã đến lúc Washinnton phải “tập trung vào những việc khác”.

Phát biểu của ông Rubio sau cuộc gặp với các quan chức châu Âu và Ukraine diễn ra ngày 17/4 tại Paris để thảo luận về cuộc xung đột.

 Cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ Rubio với các quan chức châu Âu và Ukraine tại Paris, ngày 17/4 tại Paris. Nguồn: EmmanuelMacron.

Cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ Rubio với các quan chức châu Âu và Ukraine tại Paris, ngày 17/4 tại Paris. Nguồn: EmmanuelMacron.

Ngoại trưởng Rubio lưu ý, Tổng thống Donald Trump quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận hòa bình Ukraine, nhưng Washington cũng có những ưu tiên khác.

Không rõ phát biểu của ông Rubio là quan điểm cá nhân hay một thông điệp từ Nhà Trắng.

Alexandra Filippenko, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nga, tin rằng, tuyên bố của ông Rubio gửi tín hiệu đến Nga, mặt khác cũng “nhắn nhủ” Tổng thống Trump, hãy “đẩy tới”, bởi thực tế Mỹ còn nhiều việc khác phải làm.

Hồi đầu tuần, tờ Wall Street Journal đưa tin, ông Rubio và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Ukraine Keith Kellogg đã hối thúc ông Trump áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow. Trong khi cho đến nay, ông Trump vẫn nghiêng về lập trường của Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff, người kêu gọi xích lại gần Nga, Wall Street Journal viết.

 Tổng thống Pháp Macron (bên trái), Ngoại trưởng Mỹ và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff, Paris, ngày 17/4. Nguồn: EmmanuelMacron.

Tổng thống Pháp Macron (bên trái), Ngoại trưởng Mỹ và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff, Paris, ngày 17/4. Nguồn: EmmanuelMacron.

Trở lại cuộc họp tại Paris hôm 17/8, truyền thông Pháp cho biết, các thảo luận đã không đạt được tiến bộ gì đáng kể.

Viết trên trang cá nhân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo, các cuộc thảo luận sẽ tiếp diễn ở London, Anh vào tuần tới. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Pháp hoan nghênh cuộc thảo luận mà ông đánh giá là “tích cực và mang tính xây dựng” về Ukraine, bởi rằng các bên “đều có quyết tâm đi đến hòa bình”.

Theo ông Macron, sự phối hợp giữa các đồng minh là vô cùng quan trọng trong bối cảnh mà từ nhiều tuần qua, các nước châu Âu lo ngại bị Mỹ “cho ra rìa” trong tiến trình đàm phán chấm dứt chiến tranh Ukraine.

Phát biểu trên truyền hình tối 17/4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot nhấn mạnh, Mỹ đã “ngộ” ra rằng, không thể đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine, nếu không không có sự đồng thuận và sự đóng góp của các nước châu Âu.

Văn Phong (theo Kyivindependent)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/ngoai-truong-my-doa-rut-khoi-dam-phan-ve-cham-dut-chien-tranh-ukraine-176287.html