Ngoại trưởng Mỹ đưa thông điệp tới Bộ trưởng Ngoại giao Đức: Trừng phạt Nord Stream 2 là 'một khả năng thật sự'
Theo Reuters 24/3/2021, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/3 tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã nói với người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, rằng các biện pháp trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là 'một khả năng thật sự' và không hề có 'sự mập mờ' trong lập trường phản đối của Mỹ đối với dự án này.
Tái khẳng định những lo ngại của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Maas trong một cuộc gặp riêng Thứ Ba, ngày 23/3 rằng các công ty liên quan đến dự án sẽ có nguy cơ bị trừng phạt, đặc biệt ở giai đoạn khi hoàn thành dự án, ông nhấn mạnh rằng “đã nói rất rõ rằng các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí có nguy cơ chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ”. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng đường ống dẫn khí đã “chia rẽ châu Âu”, “làm cho Ucraina và các nước Trung Âu đối mặt với sự thao túng và cưỡng ép của Nga”, “đi ngược lại các mục tiêu năng lượng” của chính châu Âu.
Ngoại trưởng Blinken cho rằng điều quan trọng là đã “chuyển thông điệp trực tiếp” tới Bộ trưởng Ngoại giao Đức Maas, để “thể hiện rõ ràng quan điểm” của Mỹ và chắc chắn rằng “không có sự mơ hồ” và khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động này và nếu diễn ra những hoạt động đó, chúng tôi sẽ quyết định về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Trong trao đổi với Reuters, các quan chức và nhà ngoại giao tại địa bàn cho rằng cho đến nay, Đức đang đánh cược rằng chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden sẽ có một cách tiếp cận thực tế đối với dự án dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu vì dự án gần như sắp hoàn thành.
Reuters ngày 24/2 đưa tin gần đây 18 công ty đã từ bỏ công việc tại dự án để tránh các biện pháp trừng phạt. Nga nói rằng Nord Stream 2, dự án trị giá 11 tỷ USD do công ty dầu khí quốc gia của Nga Gazprom chủ trì, là một dự án thương mại nhưng các chính quyền Mỹ phản đối dự án.
Tháng 2 vừa qua, nguyên Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger đã lưu truyền ý tưởng về một thỏa hiệp giữa Mỹ và Đức, cho phép dự án được hoàn thành và sử dụng nó như một đòn bẩy chính trị.
Ngoại trưởng Blinken đã từ chối bình luận về một khả năng thỏa hiệp, theo đó cơ quan điều hành mạng lưới điện của Đức có thể ngắt dòng chảy khí qua đường ống dẫn khí (“phanh khẩn cấp”) nếu như phía Nga có hành động “vượt qua giới hạn”./.