Ngoại trưởng Mỹ nói gì ngay trước thượng đỉnh Mỹ-Trung?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên sau sáu năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế San Francisco ở San Francisco, California (Mỹ), ngày 14/11/2023. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế San Francisco ở San Francisco, California (Mỹ), ngày 14/11/2023. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ năm 2017, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại một địa điểm không được tiết lộ ở San Francisco vào sáng 15/11 (giờ địa phương), sau đó tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Hội nghị thượng đỉnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong một năm qua, được các quan chức Mỹ coi là cơ hội để giảm bớt xích mích trong sự "cạnh tranh nguy hiểm nhất thế giới".

Truyền thông cho thấy ông Tập vẫy tay từ trên cầu thang máy bay Air China và xuống gặp các quan chức Mỹ đang đợi trên đường băng, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns.

Sau đó, ông lên chiếc xe limousine “Cờ Đỏ” của Trung Quốc và rời sân bay vào thành phố.

Trước đó chưa đầy hai giờ, phát biểu trước các bộ trưởng của APEC gồm 21 thành viên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh Washington tin tưởng vào “một khu vực nơi các nền kinh tế được tự do lựa chọn con đường riêng của mình… nơi hàng hóa, ý tưởng, con người, lưu chuyển hợp pháp và tự do”.

Theo The Guardian, ông Blinken không đề cập đến Trung Quốc trong nhận xét của mình, nhưng ngôn từ ông lặp lại luận điệu của Mỹ trong những năm gần đây, trong đó Washington cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cố gắng phá hoại cái mà Mỹ và các đồng minh gọi là “khu vực dựa trên quy tắc” hiện có.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, cùng ông Blinken khai mạc phiên họp cấp bộ trưởng APEC, cho biết cuộc họp ở San Francisco diễn ra vào thời điểm “có nhiều bất ổn và thách thức lớn” đối với khu vực. Bà lưu ý căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, chuỗi cung ứng mong manh và cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước đó, Tổng thống Biden cho biết mục tiêu của ông trong cuộc hội đàm với ông Tập là cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc sau thời gian căng thẳng. Ông sẽ tìm cách nối lại liên lạc bình thường giữa hai siêu cường, bao gồm giữa quân đội hai nước.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng ông Biden và ông Tập cũng sẽ trao đổi về xung đột Israel-Hamas ở Gaza cũng như những nỗ lực của Mỹ hỗ trợ Ukraine trong chiến sự với Nga.

Các vấn đề kinh tế dự kiến sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự. Ông Biden cho biết Mỹ không muốn tách rời khỏi Trung Quốc mà muốn thay đổi vì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn.

Chính quyền của ông đã nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” đối với một số chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và quân sự với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Khôi phục liên lạc quân đội hai bên hiện được coi là mục tiêu hàng đầu của Mỹ. Về phía Mỹ vẫn khẳng định không tìm kiếm sự tách biệt hoàn toàn về kinh tế.

Trung Quốc đã cắt đứt liên lạc quân sự với Mỹ sau khi Chủ tịch Hạ viện thời điểm đó - bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.

Mối quan hệ giữa hai nước cũng diễn biến căng thẳng sau khi ông Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ hồi tháng 2.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngoai-truong-my-noi-gi-ngay-truoc-thuong-dinh-my-trung.html