Ngoại trưởng Vương Nghị công du châu Âu và 'thông điệp' từ Trung Quốc
Ngoại trưởng Vương Nghị đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong đại dịch COVID-19, với nỗ lực kêu gọi châu Âu chống lại các sức ép của Mỹ nhằm tách rời Trung Quốc về mặt kinh tế và từ bỏ chủ nghĩa đơn phương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chào người đồng cấp Na Uy Ine Eriksen Soreide bằng một cú va chạm khuỷu tay ở Oslo hôm thứ Năm, trong chuyến công du 5 nước châu Âu - Ảnh: Xinhua
Chuyến công tác châu Âu của ông Vương chỉ đạt được những lợi ích ngoại giao hạn chế trong các cuộc đàm phán bị đè nặng bởi “sự mệt mỏi về lời hứa”, các nhà phân tích cho biết.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhưng ở Đức không có sự kiện nào với Thủ tướng Đức Angela Merkel hoặc bất kỳ quan chức nào từ đảng liên minh Dân chủ cơ đốc giáo của bà.
Do Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan của Liên hợp quốc bị cáo buộc tạo điều kiện để Trung Quốc che giấu đại dịch, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hình ảnh của mình như một bên tham gia đa phương bằng chuyến ngoại giao con thoi dài 8 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị, tới thăm các nước bao gồm Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu như Na Uy.
Ông Vương kêu gọi châu Âu hợp tác trong việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, thu hút chú ý với các số liệu kinh tế chính thức phục hồi nhanh chóng do Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới công bố.
Noah Barkin, chuyên gia EU-Trung Quốc tại Rhodium Group, một công ty nghiên cứu chính sách, lưu ý rằng các chính phủ châu Âu ngày càng cảm thấy “mệt mỏi với lời hứa”, mặc dù Trung Quốc thường xuyên đề cập đến chủ nghĩa đa phương.
“Đã gần bốn năm kể từ khi Tập Cận Bình nói về những phẩm chất của chủ nghĩa đa phương ở Davos và châu Âu vẫn đang chờ đợi những hành động tiếp theo”, Barkin nói.
"Berlin và Brussels đã thúc ép Bắc Kinh đồng ý hành động chung về khí hậu trong gần một năm mà không có kết quả”, ông cho biết.
Trong những tháng gần đây, châu Âu đã tìm kiếm sự đa dạng hóa từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị y tế. EU cũng đã kêu gọi giám sát nhiều hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các tài sản chiến lược của châu Âu, vì lo ngại ngày càng sâu sắc về việc Trung Quốc có thể tiếp quản các lĩnh vực nhạy cảm trong thời kỳ kinh tế suy thoái.
Nhắc lại thông điệp mà ông đã đưa ra ở những nơi đến thăm trong chuyến đi này, hôm thứ Ba, ông Vương nói tại Berlin, chặng cuối cùng của chuyến công du rằng, Trung Quốc và châu Âu “nên tăng cường đoàn kết và hợp tác, đồng thời từ chối chia rẽ và tách rời”.
Tuy nhiên, những phát ngôn của ông Vương chưa đủ thuyết phục, nói đúng hơn, sự cảnh giác của châu Âu trở nên rõ ràng khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cảnh báo Trung Quốc sẽ trở thành một “đế chế mới”.
“Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có ba đặc điểm chung: họ có chủ quyền ở bên ngoài và độc đoán ở bên trong”, Borrell cho biết trong một bài báo trên Le Journal de Dimanche. “Sau 30 năm mà tầm nhìn châu Âu dường như đã có cơ sở, tầm nhìn chủ quyền đã giành lại thế thượng phong với những đế chế mới này”.
Nền kinh tế do nhà nước kiểm soát và tiến bộ công nghệ của Trung Quốc là mối quan tâm lớn nhất của EU. Trong khi EU và Trung Quốc dự kiến hoàn tất một thỏa thuận đầu tư vào cuối năm nay, các nhà đàm phán của EU đã phàn nàn về sự thiếu cam kết của phía Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan Stef Blok chào đón Vương Nghị tại Lâu đài Duivenvoorde ở Voorschoten, Hà Lan - Ảnh: AFP
Vấn đề là liệu Trung Quốc có đồng ý với các yêu cầu của châu Âu về tiếp cận thị trường và một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc hay không. EU nói riêng tìm cách chấm dứt các chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại một tổ chức tư vấn ở Paris vào Chủ nhật, ông Vương cho biết ông đã kêu gọi Tổng thống Macron can thiệp cá nhân nếu cần thiết - sau khi chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã cầu xin ông Tập cung cấp động lực chính trị để hoàn tất thỏa thuận.
“Các cuộc đàm phán của hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU đã bước vào giai đoạn cuối cùng”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói. “Cả hai bên nên tăng cường đóng góp ý kiến và khi cần thiết, đưa ra lời kêu gọi chính trị để giải quyết các vấn đề còn lại một cách kịp thời nhằm đảm bảo hoàn thành đàm phán theo đúng lịch trình”.
Kết thúc một thỏa thuận sẽ là một chiến thắng lớn không chỉ cho các doanh nghiệp châu Âu. Đối với Bắc Kinh, điều này tạo ra hình ảnh về mối quan hệ đối tác địa chính trị với 27 quốc gia của EU - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - khi Mỹ cố gắng làm suy yếu nước này về mặt kinh tế.
EU tin tưởng vào sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chủ nghĩa đa phương trong một loạt vấn đề và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh EU trực tuyến do bà Merkel tổ chức vào ngày 14/9.
Tuy nhiên, mối quan tâm chính của họ nằm ở việc Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ các quy tắc quốc tế - từ Biển Đông đến Hong Kong cho đến các vấn đề và tiêu chuẩn công nghệ như trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu của ông Vương ở Berlin cũng thừa nhận sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với các vấn đề chính sách của EU, đặc biệt là về biến đổi khí hậu khi Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump đã chế nhạo và nghi ngờ khoa học.
“Trung Quốc và EU nên xây dựng để trở thành đối tác xanh. Cả hai bên cần kiên quyết thúc đẩy hợp tác quốc tế về giải quyết biến đổi khí hậu và nên áp dụng các động thái mới cho mục đích này”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ông Vương nói thêm rằng, Trung Quốc đã “hoàn thành các mục tiêu giảm phát thải năm 2020 sớm hai năm”, mặc dù Trung Quốc bị chỉ trích rộng rãi, vì đã đầu tư vào các nhà máy điện than ở các nước khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, và không thông qua các mục tiêu cắt giảm chính tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái.
Trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị đã đạt được một số vấn đề chủ yếu, kết nối thân thiết với trái tim của Liên minh Châu Âu, thì việc ông lên án một nhà lập pháp hàng đầu của Séc vì đã thực hiện chuyến đi đến Đài Loan, đã phản tác dụng.
Sau khi ông Vương đe dọa sẽ khiến Milos Vystrcil, chủ tịch thượng viện Cộng hòa Séc, "phải trả giá đắt" cho chuyến thăm này, Đức và Slovakia đã chỉ trích nhận xét của ông.
“Slovakia ủng hộ Cộng hòa Séc”, Tổng thống Slovakia, Zuzana Caputova, viết trên Twitter. “Quan hệ EU-Trung Quốc dựa trên cơ sở đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Các mối đe dọa nhắm vào một trong các thành viên EU và đại diện của nó mâu thuẫn với bản chất của mối quan hệ đối tác của chúng ta và như vậy là không thể chấp nhận được”.
Phát biểu đáp lời ông Vương trong cuộc họp báo ở Berlin hôm thứ Ba, ngoại trưởng Đức cũng có thông điệp tương tự.
“Chúng tôi với tư cách là những người châu Âu hợp tác chặt chẽ - chúng tôi dành cho các đối tác quốc tế sự tôn trọng và chúng tôi cũng mong đợi điều tương tự từ họ”, Heiko Maas nói. "Các mối đe dọa không phù hợp ở đây".
Thông điệp của Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến công du châu Âu đã rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu quả của lời kêu gọi của Trung Quốc có được hưởng ứng và đón nhận không có lẽ thuộc vào chính cách nền kinh tế thứ hai thế giới xử lý các mối quan hệ quốc tế, và với chính cam kết của họ.