Ngoạn mục pha giải cứu mẹ con hươu cao cổ mắc kẹt trên đảo

Mới đây, Save Giraffes Now (SGN), tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, đã hợp tác với các nhà bảo tồn ở Kenya giải cứu các chú hươu cao cổ bị mắc kẹt nhiều tháng trên đảo đến nơi an toàn.

Hươu cao cổ tên Susan nhảy ra khỏi sà lan sau chuyến đi tới đất liền. Ảnh: Northern Rangeland Trust

Hươu cao cổ tên Susan nhảy ra khỏi sà lan sau chuyến đi tới đất liền. Ảnh: Northern Rangeland Trust

Rothschild, một giống hưu cao cổ có nguy cơ tuyệt chủng cao, đã sống trên đảo Longicharo ở Hồ Baringo (Kenya) từ năm 2011. Tuy nhiên, mực nước dâng cao liên tục đã làm ngập môi trường sống của loài hươu. Các nhà bảo tồn lo ngại rằng hươu cao cổ sẽ không thể tìm thấy đủ thức ăn trên đảo nên đã đưa ra quyết định sơ tán các con vật.

Ngày 2/12/2020, cuộc sơ tán hươu cao cổ bắt đầu. Theo bài đăng trên Facebook đại diện của Tổ chức Kenya Northern Rangelands Trust (NRT), mực nước ở hồ Baringo đã dâng lên trong một thời gian, nhưng đến năm 2020, tốc độ nước hồ dâng bất ngờ tăng nhanh, làm ngập các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ven bờ, cũng như đe dọa sự tồn tại của hươu cao cổ.

SGN đã làm việc với NRT và các cơ quan bảo tồn địa phương khác là Ruko Community Conservancy và Kenya Wildlife Service để đưa bầy hươu cao cổ rời khỏi “ngôi nhà” sắp biến mất của chúng đến một khu bảo tồn mới trên đất liền. Những người từ cộng đồng Njemps và Pokot đã thiết kế và chế tạo một chiếc sà lan mang tên “GiRaft” chở hươu cao cổ với các cạnh cao được gia cố chắc chắn, sử dụng 60 cái trống rỗng bên trong làm “phao” và được kéo đi bằng thuyền.

Theo SGN, các nhân viên kiểm lâm đã giúp hươu cao cổ làm quen với sà lan GiRaft bằng cách đậu nó trên đất liền và chất lên sà lan những món ngon như xoài, vỏ hạt và lá keo để hươu cao cổ đến “khám phá”. Khi chúng quen thuộc với chiếc sà lan, những người cứu hộ đã lần lượt vận chuyển chúng lên vùng đất cao hơn trong một khu bảo tồn khép kín rộng 178 km2, nằm cách đảo khoảng 1,6 km.

“Hành khách” đầu tiên lên sà lan GiRaft là một con hươu cao cổ cái tên là Asiwa, vì nước dâng cao đã ngăn cách nó với những con còn lại trong đàn. Trong những tháng tiếp theo, nhiều con hươu cao cổ đã được đưa đi và vào ngày 12/4 vừa qua, hai con hươu cao cổ cuối cùng - một con cái tên là Ngarikoni và con của nó, Noelle - đã hoàn tất cuộc hành trình.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên Tạp chí Sinh thái học châu Phi, các quần thể hươu cao cổ nói chung đã giảm khoảng 40% trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, số lượng hươu cao cổ Rothschild giảm khoảng 80% khiến đây được coi là một trong những loài hươu cao cổ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Những con hươu cao cổ Rothschild đã từng phổ biến khắp Kenya, Uganda và miền nam Sudan. Chủ tịch SGN David O'Connor cho biết hiện chỉ còn khoảng 3.000 cá thể trong các quần thể biệt lập ở Uganda và Kenya, cho thấy mức độ cấp thiết của sứ mệnh giải cứu hươu cao cổ. Ông chia sẻ: “Hươu cao cổ đang tuyệt chủng thầm lặng, và cuộc giải cứu này là bước đi quan trọng để bảo vệ chúng”.

Kết thúc có hậu cho câu chuyện về hươu cao cổ trên đảo cũng phản ánh sự hợp tác mang tính bước ngoặt giữa cộng đồng Njemps và Pokot - hai cộng đồng sau nhiều năm xung đột đã đoàn kết trong nỗ lực bảo tồn động vật. Rebby Sebei, quản lý của Ruko Community Conservancy, cho rằng Ruko là một ví dụ về mối liên kết của hòa bình với mọi thứ khác - bảo tồn, sinh kế, kinh doanh, bình đẳng giới, quản trị. Tất cả đều bắt đầu từ hòa bình.

Hà Anh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/ngoan-muc-pha-giai-cuu-me-con-huou-cao-co-mac-ket-tren-dao-20210427143056062.htm