Ngọc Hân tỏa sáng trong khai mạc triển lãm tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
Ngọc Hân tỏa sáng tại sự kiện khai mạc triển lãm, đưa tác phẩm 12 con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm đến gần với công chúng.
Triển lãm "Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây" được tổ chức tại Ana Mandara Đà Lạt từ 10/3 đến 17/3, trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024. Sự kiện giới thiệu bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, một trong tứ trụ hội họa hiện đại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên nhà sưu tập - nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên, quyết định công bố tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, sáng tác trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2011, trên chất liệu giấy dó đến với công chúng.
Nguyễn Tư Nghiêm là một trong tứ trụ của hội họa hiện đại Việt Nam gồm 4 danh họa “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” với nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà. Triển lãm tại không gian biệt thự Pháp cổ của Ana Mandara Đà Lạt không chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật mà còn là điểm giao thoa văn hóa, thu hút du khách và người yêu nghệ thuật. Hoa hậu Ngọc Hân chính là một trong những thành viên Ban tổ chức của triển lãm tranh này.
Tại sự kiện khai mạc, Hoa hậu Ngọc Hân rạng rỡ trong bộ đầm tông đen - trắng với phần cổ được thiết kế cách điệu từ áo yếm truyền thống. Ngọc Hân cho biết: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi tham gia triển lãm với tư cách Ban tổ chức. Có lẽ nhà sưu tập Trần Lê Bảo Quyên từng từ chối rất nhiều lời mời, nhưng nhờ có sự kiện Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024 mà cô đã đồng ý cùng giám tuyển Như Huy và Ban tổ chức công bố những bức tranh quý này. Ý tưởng kết hợp triển lãm tranh cùng các buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển cũng từ đó nảy sinh, như một cuộc đối thoại thú vị trong nghệ thuật, giữa tranh với nhạc; giữa bột màu, giấy dó mỏng manh với cấu trúc chặt chẽ của âm nhạc cổ điển”.
Ngọc Hân còn chia sẻ, Ban tổ chức cũng cho ra mắt sản phẩm khăn lụa và túi vải in tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với số lượng có hạn nhằm gây quỹ hoạt động cho Lễ hội Âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024. Đây là sản phẩm sáng tạo của Viện Âm nhạc trẻ Việt Nam, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của hội họa đến với công chúng, đặc biệt không phải ai cũng có cơ hội được thưởng ngoạn trực tiếp các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Trong buổi khai mạc, nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên cùng em trai - nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến, đã cùng nhau ngẫu hứng chơi những bản nhạc để các vị khách có thể chìm đắm vào không gian du dương trong lúc chậm rãi ngắm tranh. Cô là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân - cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm; đồng thời là cháu bên ngoại của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bảo Quyên tâm sự, mẹ cô là một người thích sưu tầm tranh nên từ nhỏ, ngoài tình yêu cháy bỏng với piano, cô cũng thừa hưởng tình yêu tranh giống như mẹ.
Những năm tháng sống xa nhà để sang châu Âu học tập và làm việc, bức tranh con giáp đậm nét văn hóa dân tộc của Nguyễn Tư Nghiêm mà cô mang theo trở nên quý giá hơn bất cứ báu vật nào trên đời và khiến cô càng thêm yêu quê hương. “Đối với nhân sinh quan của tôi, giá trị của hội họa cũng như âm nhạc luôn vượt khỏi cõi trần thế, không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện như vật chất hay thời cuộc”, cô nói.
Trong suốt hơn 2 năm qua, Ngọc Hân đã tổ chức hơn 10 triển lãm tranh cho các họa sĩ tên tuổi và cả những họa sĩ trẻ tại thành phố Đà Lạt. Ở công việc mới mẻ này, Ngọc Hân có những trải nghiệm thú vị, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích về hội họa. Cô nói: “Tiếp xúc với mỗi nghệ sĩ, mỗi giám tuyển, tôi lại có được nhiều bài học lý thú, nghĩ ra nhiều ý tưởng để giúp cho hội họa đương đại tiếp cận đến đông đảo công chúng. Tôi biết có nhiều nghệ sĩ đã và đang chỉ đam mê sáng tạo mà không quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm. Và tôi muốn trở thành cầu nối giữa họ với các nhà tài trợ, trong đó có các doanh nghiệp để góp phần đưa nghệ thuật trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống ngày nay".
Cũng nhờ 2 năm trải nghiệm ở công việc tổ chức triển lãm tranh, Ngọc Hân tìm lại tình yêu với mỹ thuật. Cô đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và có 5 năm trải nghiệm vẽ nhiều phong cách, từ tĩnh vật đến sơn dầu, màu nước… Tuy nhiên, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, tâm thế của Ngọc Hân chỉ như một sinh viên cố gắng học tập thật tốt. Còn hiện tại, cô vẽ trở lại như một cách chăm sóc tâm hồn để mình sống chậm lại.