Ngọc Huyền gây chú ý trong phim giờ vàng

'Cha tôi, người ở lại', với sự tham gia của Ngọc Huyền, đang được chú ý. Song, phim liên tục bị so sánh với phiên bản gốc 'Lấy danh nghĩa người nhà'.

Trên khung giờ vàng mới, Cha tôi, người ở lại được quan tâm sau 3 tập đầu. Remake từ bộ phim Lấy danh nghĩa người nhà tại Trung Quốc, song Cha tôi, người ở lại ít nhiều có sự điều chỉnh, thêm thắt chất liệu để gần gũi với khán giả Việt Nam.

Vào vai nữ chính, Ngọc Huyền thể hiện khá tốt tính cách nhí nhảnh, dí dỏm của nhân vật. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều trích đoạn, câu thoại nhận về lượt tương tác lớn. Tuy nhiên, phim khó tránh cảnh bị khán giả so sánh với bản gốc về diễn xuất, kịch bản.

Câu chuyện về một gia đình đặc biệt

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống trong gia đình có hai ông bố Bình (NSƯT Thái Sơn) và Chính (NSƯT Bùi Như Lai) cùng 3 người con lần lượt là Nguyên (Trần Nghĩa), Việt (Thái Vũ) và An (Ngọc Huyền).

Gia đình họ có thể thiếu đi hình bóng người mẹ, người vợ nhưng tình cảm giữa 5 người luôn đong đầy, dù chẳng máu mủ ruột rà.

Ngay tập đầu, cả Nguyên và Việt mạnh mẽ đứng ra bảo vệ An khi thấy cô bị bắt nạt. Cuộc xô xát buộc nhà trường phải mời phụ huynh tới làm việc. Tại đây, không chỉ các thầy cô mà người xem cũng bối rối về mối quan hệ giữa 5 bố con. Bởi vậy, Cha tôi, người ở lại dành trọn 3 tập đầu tiên chỉ để giải đáp khúc mắc này.

Cụ thể, An là con gái ông Bình, một tay ông chăm bẵm sau khi vợ mất sớm. Sống cùng khu nhà là Nguyên, con trai ông Chính, vợ chồng ông vì bất hòa mà đường ai nấy đi. Ngoài ra, Nguyên còn có một cô em gái theo mẹ. Đáng thương nhất là Việt, cậu bị mẹ bỏ rơi tại hàng ăn của ông Bình. Qua bao sóng gió, từ những mảnh đời khuyết thiếu, họ yêu thương, chăm sóc lẫn nhau và trở thành gia đình.

Cha tôi, người ở lại là bản remake của bộ phim nổi tiếng Trung Quốc.

Cha tôi, người ở lại là bản remake của bộ phim nổi tiếng Trung Quốc.

Để chăm lo cho các con ông Bình kinh doanh quán cơm chay, thi thoảng kiếm thêm thu nhập bằng việc đi hát phục vụ cho các buổi hầu đồng. Về tính tình, ông là người điềm đạm, sống có tâm có đức. Ngược lại, ông Chính tuy nóng nảy nhưng lại có thu nhập ổn định nhờ công việc kỹ sư xây dựng. Cứ như vậy, người nọ bù trừ cho người kia, cùng nhau làm điểm tựa vững chắc cho các con.

Trong 3 đứa trẻ, An được cưng chiều nhất, song thua xa Nguyên và Việt từ việc học tới việc nhà. Đối lập hai ông anh trấm tính, An mang hơi hướm cá tính, nghịch ngợm. Ngoài những khoảnh khắc đùa cợt nhau, 3 anh em vẫn hòa thuận, đùm bọc, chăm lo cho nhau trong mọi thời điểm.

Thế nhưng, hạnh phúc của gia đình này đang bị đe dọa bởi quá khứ. Đó là bà Liên (Thu Quỳnh), mẹ của Nguyên trở về sau nhiều năm xa cách với mong muốn hàn gắn. Những lời mắng mỏ, trách móc cay nghiệt của bà Liên vẫn còn ám ảnh cậu. Chưa kể, bà Quyên (NSƯT Kiều Anh) nhiều khả năng cũng sẽ tái ngộ con trai là Việt trong những tập tới.

Bị so sánh với bản phim gốc

Với chủ đề gia đình, Cha tôi, người ở lại mang tới một kịch bản ấm áp, giàu cảm xúc, đan xen kịch tính trong một vài khoảnh khắc để gia tăng hương vị cho tác phẩm. Như đã đề cập, đội ngũ biên kịch cài cắm, sử dụng nhiều chất liệu mới để tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc. Đơn cử là "xiên bẩn", cách gọi tên một món ăn vặt phổ biến trong giới trẻ.

Đặc biệt là dấu ấn văn hóa dân tộc ở nhân vật ông Bình. Theo đó, vợ chồng ông Bình đều đam mê hát chèo, đó cũng là cơ duyên dẫn dắt hai người đến với nhau. Hơn hết, bộ phim truyền tải thông điệp ấm áp về gia đình như ông Bình nói: "Không phải anh em ruột thịt, chẳng phải máu mủ ruột rà, chỉ cần yêu thương nhau chân thành thì cũng có thể là một gia đình mà".

 Việc bộ phim bị so sánh với bản gốc là điều khó tránh khỏi.

Việc bộ phim bị so sánh với bản gốc là điều khó tránh khỏi.

Xét về diễn xuất, An do Ngọc Huyền đảm nhận tạo ấn tượng bởi sự hồn nhiên, nhí nhảnh. Trong một gia đình mà đàn ông chiếm số đông thì An là một nhân vật cần thiết để mang đến những khoảnh khắc vui nhộn, lan tỏa tinh thần lạc quan. Trong khi đó, Nguyên do Trần Nghĩa thủ vai còn khiên cưỡng, chưa thực sự thuyết phục.

Chưa kể, Cha tôi, người ở lại hơi vội khi trình bày hết quá khứ của các nhân vật ngay từ đầu. Tuy khán giả có cái nhìn toàn vẹn về cả 5 cha con, song nhiều người cho rằng sử dụng làm nút thắt cho các tập sau sẽ hấp dẫn hơn.

Trên các nền tảng mạng xã hội, điều mà khán giả tranh luận nhiều nhất là việc đặt bộ phim lên bàn cân so sánh với tác phẩm gốc: "Bản Việt phần lời thoại với không khí hơi nặng nề, màu phim tối, nhạc buồn quá. Bản Trung thấy nhẹ nhàng tình cảm hơn","Phim lồng ghép văn hóa Việt Nam. Mình thấy hay mà", "Mình thấy khó xem, cái bóng bản gốc quá lớn".

Dễ hiểu khi những khán giả đã xem bản gốc sẽ có góc nhìn khắt khe hơn, kỳ vọng tác phẩm đổi mới những tình tiết không ưng ý ở bản gốc. Và đây cũng là cái khó mà tác phẩm của đạo diễn Vũ Trường Khoa cần phải vượt qua.

Nhật Long

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngoc-huyen-gay-chu-y-post1532826.html