Ai mì Quảng không - ca khúc hay nhất về món ăn của một vùng quê
Có thể nói ca khúc Ai mì quảng không của cố nhạc sĩ Trần Phú Thiên là bài hát hay nhất viết về ẩm thực vùng miền.
Là người Quảng, chắc chắn ai cũng cũng từng ăn mì Quảng và biết làm mì Quảng. Là người Quảng, chắc chắn ai cũng yêu thích bài hát Ai mỳ Quảng không.
Bài hát Ai mì Quảng không được sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Phú Thiên, một người con của quê hương xứ Quảng. Anh sinh năm 1991 tại thôn Đông Đức, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại Đại học Văn hóa TP.HCM anh về làm việc tại Trung tâm Văn hóa thị xã Điện Bàn, và song song đó là sáng tác âm nhạc... Nhưng rất tiếc, anh đã qua đời vào ngày 28.12.2020, khi mới 29 tuổi.

Nhạc sĩ Trần Phú Thiên (1991 - 2030) - Ảnh tư liệu
Trước khi mất, Trần Phú Thiên có một số ca khúc được nhiều người biết đếnnhư Sẽ chiến thắng Đà Nẵng ơi, Khao lề thế lính Hoàng Sa, Gánh nước chè xanh, và nổi tiếng nhất là ca khúc Ai mì Quảng không. Đây là tác phẩm anh viết riêng cho ca sĩ Tố My (cũng là một người con xứ Quảng). Qua sự thể hiện xuất sắc của Tố My, bài hát không chỉ có người Quảng yêu thích mà còn được công chúng yêu âm nhạc cả nước đón nhận nồng nhiệt bởi giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, ca từ gần gũi, bình dân dễ đi vào lòng người.
Từ đó Ai mì Quảng không được người Quảng làm hoạt cảnh bên cạnh gánh mì trong những ngày họp mặt đồng hương ở TP.HCM. Ai mỳ Quảng không cũng được nhà thiết kế Huệ Thi (người gốc Quảng đang làm việc ở Cần Thơ) dàn dựng đưa lên sàn diễn thời trang với hình ảnh người mẹ gánh mì đi bán dạo cùng các cô thôn nữ đã làm thổn thức trái tim của biết bao người...

Ca sĩ Tố My thể hiện bài hát "Ai mỳ Quảng không" của Trần Phú Thiên - Ảnh: Chụp màn hình
... Nhưng Ai mì Quảng không không chỉ dừng lại ở một tác phẩm âm nhạc để nói về mì Quảng mà là tiếng lòng, sự rung động, góc nhìn tinh tế của của nghệ sĩ khi chạm vào những điều tưởng chừng là giản dị chứa đựng cả hồn cốt văn hóa của một vùng quê.
Từ những câu hát đầu tiên, người nghe đã cảm nhận được không khí thân thuộc của một gánh hàng rong, với tiếng rao quen thuộc: “Ai mì Quảng không?”. Âm nhạc nhẹ nhàng trầm lắng qua chất giọng ngọt ngào của Tố My tạo nên một không gian đầy màu sắc về đời sống bình dị của vùng quê Quảng Nam.
Lời bài hát không chỉ mô tả hương vị của món ăn mà còn gợi nhớ về những kỷ niệm quê hương, nơi mà bát mì Quảng ra đời chứa đựng tình cảm gia đình, nỗi nhớ da diết của những người con xứ Quảng xa quê...
"Đi xa bốn phương trời nhớ về quê mình Quảng Nam
Yêu sao giọng hát hò khoan mảnh đất chứa chan tình người
Nhớ con đường làng dáng mẹ gồng gánh vội vàng
Tiếng rao bên đàng ai mì Quảng không?"
Trong tác phẩm của Trần Phú Thiên, hình ảnh người mẹ hiện ra tràn ngập ký ức của người nhạc sĩ, đây cũng là ký ức tập thể của biết bao nhiêu người Quảng xa quê khi bất chợt thấy dáng ai như dáng mẹ mình:
"Thương sao dáng hao gầy áo mẹ ướt đẫm mồ hôi
Bao năm dù nắng dù mưa mẹ vẫn sớm hôm tảo tần
Bước chân nặng dần, đánh đổi hạnh phúc mẹ dần
Tiếng rao vang vọng ai mì Quảng không?
Ai mì Quảng không?"
Người mẹ trong bài hát không chỉ là người nấu ra những tô mỳ Quảng thơm ngon, mà còn tượng trưng cho sự tần tảo, chắt chiu lo cho gia đình. Hình ảnh ấy gợi nhớ đến biết bao người mẹ miền Trung, sớm hôm vất vả nhưng vẫn luôn giữ trong mình sự dịu dàng, ấm áp. Tô mì mẹ nấu không chỉ là một món ăn mà còn là sự kết tinh của tình yêu thương, sự hy sinh và những giá trị truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ.
Trong ký ức của những người con xa quê, không có tô mì Quảng nào ngon bằng tô mì mẹ nấu. Đó không chỉ là sự kết hợp của nguyên liệu mà còn là hương vị của tuổi thơ, của những ngày tháng sống trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Dù đi đến đâu, dù có thưởng thức bao nhiêu món ăn ngon, hình ảnh người mẹ với gánh mỳ Quảng, với những bữa cơm giản dị vẫn luôn khắc sâu trong tâm hồn người con. Đây cũng chính là tâm trạng của nhiều người con xa quê - dù cuộc sống có thay đổi thế nào, tình mẹ và hương vị quê nhà vẫn không thể nào phai nhạt.

"Gánh mì Quảng bên đàng" là ký tức tập thể của nhiều thế hệ người Quảng xa quê
Bài hát không chỉ ca ngợi món mì Quảng mà còn là lời tri ân đến những người mẹ - những người đã dành cả cuộc đời cho con.
Có thể thấy, sâu thẳm trong từng lời ca nốt nhạc là niềm tự hào về quê hương, là cách giới thiệu mì Quảng vô cùng tinh tế đến với cộng đồng của tác giả bài hát, dù ai cũng biết rằng đó là phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Quảng Nam.
Bên cạnh ý nghĩa ẩm thực, bài hát còn thể hiện niềm tự hào về quê hương, với cách giới thiệu mì Quảng như một phần không thể thiếu trong văn hóa miền Trung.
Có rất nhiều bài hát rất hay ca ngợi ẩm thực vùng miền như Chiếc bụng đói (Tiên Cookie), Sài Gòn cà phê sữa đá (Hà Okio), Hà Nội trà đá vỉa hè (Đinh Mạnh Ninh), Bài ca thịt nướng (Phạm Toàn Thắng)... Nhưng có thể nói ca khúc Ai mì Quảng không là tác phẩm hay nhất khi người nghệ sĩ biết kết hợp âm nhạc với ẩm thực để chuyển tải những tình cảm sâu nặng, những hoài niệm đẹp đẽ của nhiều người vào ca khúc.
Âm nhạc là phương tiện mạnh mẽ giúp lan tỏa thông tin, và khi một món ăn đặc sản được đưa vào bài hát, nó sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn. Điều này góp phần quảng bá ẩm thực vùng miền, giúp công chúng biết đến những món ăn truyền thống và hiểu hơn về nét văn hóa gắn liền với món ăn đó.
Khi một món ăn được nhắc đến trong âm nhạc, nó có thể gợi lên những hình ảnh quen thuộc về quê hương, gia đình, về tuổi thơ, về những điều đẹp đẽ nhất. Chắc chắn những người xa quê khi nghe một bài hát về món ăn quê mình có thể cảm thấy gần gũi, hoài niệm và thêm yêu thương cội nguồn.
Việc đưa ẩm thực vào âm nhạc đã khó, việc làm cho ca khúc được thăng hoa càng khó hơn nhưng Trần Phú Thiên đã làm được... Nhưng thật tiếc khi anh không còn hiện diện trong cuộc sống này để làm nên những bài ca thấm đẫm tình quê hương nữa rồi...
Nghe bài hát Ai mỳ Quảng không: