Ngọc Khuê: 'Tôi từng sợ mình không tỉnh dậy trên bàn đẻ'
Mắc biến chứng nguy hiểm khi mang thai ở tuổi 42, ca sĩ Ngọc Khuê đã nghĩ đến điều xấu nhất, thậm chí viết sẵn lời nhắn cho con vì sợ mình không thể tỉnh lại, nhưng điều kỳ diệu đã đến với hai mẹ con.
Ngọc Khuê sinh năm 1983, là một trong những giọng ca nổi bật của dòng nhạc dân gian đương đại. Cô được khán giả yêu mến qua loạt ca khúc như Bà tôi, Chuồn chuồn ớt... và từng đảm nhiệm vị trí giám khảo các chương trình như The Voice, Vietnam Idol, Sao Mai, Gương mặt thân quen... Cô cùng chồng là nhà sản xuất âm nhạc, DJ Huy Ngô đăng ký kết hôn vào năm 2024 và công khai mối quan hệ tại buổi ra mắt đĩa than Dạo chơi vào đầu năm nay.
42 tuổi, Ngọc Khuê bất ngờ có thai lần thứ hai và trải qua thời gian khó khăn khi được chẩn đoán mắc rau tiền đạo trung tâm, một biến chứng thai kỳ đe dọa tính mạng mẹ bầu và thai nhi với tỷ lệ mắc phải 1/200 trường hợp, ở tuần thai thứ 12. Đến tuần thai thứ 36, cô phải mổ cấp cứu với các dấu hiệu nguy hiểm. Sau nửa tháng sinh con, ca sĩ chia sẻ với Ngôi Sao về hành trình mang thai và ca mổ nhiều rủi ro, đứng giữa ranh giới sinh tử.

Ngọc Khuê bên ông xã Huy Ngô ở tuần thứ 30 của thai kỳ.
Ngày biết mình mang thai ở tuổi 42, chị và các thành viên trong gia đình đã đón nhận tin tức đó thế nào?
Tôi gần như không tin được vào mắt mình khi nhìn thấy hai vạch đỏ trên que thử thai. Tôi đứng yên lặng hồi lâu trong phòng tắm, tay khẽ run lên, nước mắt rơi mà không kịp lau. Ở tuổi này, tôi nghĩ mình không còn cơ hội nào nữa. Vậy mà món quà lớn nhất của vũ trụ đã đến lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng đầy xúc động.
Khi báo tin cho ông xã, anh ấy không nói gì nhiều, chỉ ôm tôi rất chặt. Sau đó, anh thủ thỉ: "Mình cố gắng vì con nữa nhé". Câu nói ấy đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh trong suốt hành trình sau đó. Con trai lớn của tôi là một người rất hiểu chuyện và thương mẹ. Bạn ấy hiểu mẹ hay mệt nên mỗi lần thấy mẹ nằm, bạn ấy tự động đi lại nhẹ nhàng, rón rén hôn lên bụng mẹ và thì thầm với em: "Em đừng làm mẹ mệt nhé." Những yêu thương đơn giản ấy là liều thuốc tốt nhất cho tôi trong thai kỳ.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt của chị có gì đặc biệt so với lần đầu mang thai?
Tôi rất cẩn thận. Không phải vì sợ hãi, mà vì tôi biết mình đang giữ gìn một sinh linh bé bỏng và phải có trách nhiệm với từng hơi thở của con trong bụng. Tôi hạn chế đồ ngọt, hoàn toàn nói không với thực phẩm chế biến sẵn, ăn ít tinh bột trắng và bổ sung nhiều rau xanh, đạm tốt, trái cây ít đường. Tôi cũng uống nhiều nước, ngủ sớm và giữ tinh thần thoải mái. Mỗi lần đi khám thai định kỳ, tôi đều chuẩn bị sẵn sàng mọi câu hỏi cho bác sĩ, ghi chú lại mọi thay đổi nhỏ nhất của cơ thể.
Chị thấy cuộc sống của mình thay đổi thế nào?
Có lẽ khác biệt lớn nhất là tôi sống chậm lại. Tôi không còn làm việc kiểu hết mình, cạn sức như những năm ba mươi tuổi nữa. Thay vào đó, tôi dành thời gian thiền và đi bộ mỗi ngày. Tôi vẫn làm việc trong studio, vẫn lên lớp đều và hay nghe nhạc ambient hoặc nhạc thiền, thứ âm thanh vừa nuôi dưỡng tâm hồn mẹ, vừa là sóng âm dịu dàng cho con.
Tôi ăn đơn giản, ăn chậm, lắng nghe cơ thể từng ngày. Mỗi bữa ăn đều là một lời cảm ơn gửi đến sự sống đang lớn dần trong tôi.
Phát hiện bị rau cài răng lược bám mặt trước tử cung, một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng và hiếm gặp, ở tuần thai thứ 12, chị trải qua những cảm xúc gì?
Khi bác sĩ nói mình bị rau cài răng lược, tim tôi như rơi xuống một vực sâu. Tôi không rõ đó là gì nhưng tôi thấy trong mắt bác sĩ sự lo ngại rõ rệt. Sau khi tìm hiểu, tôi bắt đầu nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề và thú thật là tôi đã rất hoảng sợ. Tôi khóc rất nhiều. Nhưng rồi, cũng từ lúc đó, tôi tự dặn mình phải mạnh mẽ hơn gấp mười lần, vì không chỉ là sự sống của tôi mà còn là cả sự sống của con.

Ngọc Khuê thấy kỳ diệu khi vượt qua nghịch cảnh.
Những lúc sợ hãi, hoang mang nhất, chị tìm đến điều gì để trấn an bản thân? Ai là người đồng hành với chị trong những lúc ấy?
Tôi may mắn có một người chồng rất tâm lý và sống khoa học. Anh không chỉ là người bạn đời, mà còn là người bạn đồng hành đúng nghĩa trong thai kỳ này. Anh đọc rất nhiều sách, tìm hiểu kỹ về những biến chứng thai sản, các hướng điều trị mới nhất, chế độ dinh dưỡng, vận động và cả sức khỏe tinh thần cho mẹ bầu. Anh không hoảng loạn, không than thở, mà luôn có cách trấn an tôi bằng những lý lẽ nhẹ nhàng, nhưng vững chắc như một cái cột giữa cơn bão.
Có những đêm tôi nằm im, tay đặt lên bụng và thì thầm với con "Mẹ không sợ. Con đừng sợ" nhưng thật ra, tôi vẫn sợ lắm. Và chính anh là người lặng lẽ ngồi cạnh, tay nắm tay. Chỉ cần ánh mắt bình tĩnh của anh thôi cũng đủ khiến tôi thấy an toàn.
Anh chưa từng bỏ lỡ một buổi khám thai nào của vợ, là người nhắc tôi uống vitamin đúng giờ, động viên đi ngủ sớm, dặn tôi ăn từng bữa lành mạnh và cười mỗi khi thấy tôi lo lắng quá mức. Với anh, việc đồng hành cùng vợ trong thai kỳ không phải là nghĩa vụ mà là sự tự nguyện đầy yêu thương. Chính điều đó khiến tôi cảm thấy mình không đơn độc, dù phải đi qua một hành trình đầy thử thách.
Chị từng tiết lộ thời điểm chị phải mổ cấp cứu, cả gia đình đều xác định chỉ cần hai mẹ con an toàn thì 'phải cắt tử cung cũng đành'. Nguyện vọng lớn nhất của chị khi ấy là gì?
Tôi chỉ có một mong ước là con được sống. Tôi đã làm mẹ một lần và hiểu không có hạnh phúc nào lớn hơn khi được nhìn thấy con khỏe mạnh. Nếu phải đánh đổi bằng cơ thể mình, tôi cũng sẵn sàng. Thậm chí trước khi vào phòng mổ, tôi còn viết sẵn lời nhắn cho con phòng trường hợp mình không tỉnh dậy.
Vì sao chị bày tỏ nguyện vọng được gây mê toàn thân mà không đặt ống nội khí quản xuyên thanh quản trong hoàn cảnh sinh tử?
Tôi sợ cảm giác bị ép tim, sợ bị tỉnh giữa ca mổ, sợ đau đớn nhưng cũng sợ việc đặt nội khí quản khiến giọng nói của mình không còn nguyên vẹn, một nỗi lo rất bản năng của một người ca sĩ. Khi nói ra nguyện vọng ấy, tôi biết mình đang đi trên một ranh giới mỏng manh nhưng tôi tin vào ekip mổ, tin vào bác sĩ gây mê và tin vào chính cơ thể mình, sau những tháng ngày kiên cường.
Chị đã trải qua ranh giới sinh - tử như thế nào khi nằm trên bàn mổ?
Mọi thứ trắng xóa, lạnh và mờ dần. Tôi nghe loáng thoáng tiếng bác sĩ, tiếng máy móc, rồi tất cả biến mất. Đó là khoảng lặng rùng mình trước một giấc mơ gây mê. Có một điều lạ lắm, trong sâu thẳm tôi vẫn nghe tiếng con gọi tôi dậy, như thể tôi không được phép bỏ cuộc. Và thế là tôi quay lại, với một cơ thể đau đớn nhưng trái tim tràn đầy sự sống.
Giây phút tỉnh dậy, biết mình đã thoát cửa tử và được nhìn thấy con, cảm giác của chị ra sao?
Tôi đã khóc. Không phải vì đau, mà vì hạnh phúc. Tôi thấy con, bé xíu, đỏ hồng, nằm yên bên ngực mình. Điều dưỡng đặt con da kề da, và thế là tôi được ôm con lần đầu tiên. Một cái ôm không cần lời, nhưng ấm nóng như vũ trụ. Tôi đã vượt qua tất cả chỉ để có giây phút ấy, được chạm vào sự sống của chính mình.

Em bé Khủng Long - Dino nhà Ngọc Khuê khi được vài ngày tuổi.
Nhìn lại hành trình làm mẹ lần thứ hai của mình, điều gì khiến chị thấy biết ơn?
Tôi biết ơn rất nhiều người, trong đó có cả các y bác sĩ lẫn người thân. Họ đều là những người đã đồng hành và nâng đỡ tôi suốt hành trình sinh tử này. Trước tiên là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người đã theo dõi thai kỳ cho tôi một cách sát sao và đầy tận tâm. Bác chính là người phát hiện biến chứng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược và luôn trấn an, động viên, đưa ra những chỉ định chuyên môn kịp thời để giúp tôi từng bước vượt qua thử thách. Những hình ảnh đầu đời của bé Khủng Long khi con nằm trong bụng mẹ do bác sĩ Chi Mai cung cấp cũng là món quà kỳ diệu, là động lực để tôi can đảm hơn trong suốt thai kỳ.
Khi bước vào giai đoạn nguy cấp nhất, tôi may mắn gặp được bác sĩ Quang Hùng. Bác không chỉ cứu sống hai mẹ con mà còn giữ lại được tử cung cho tôi - một điều gần như không tưởng với một ca bệnh phức tạp như thế. Tôi cũng biết ơn bác sĩ Thu đã gây mê cho mình theo đúng nguyện vọng không làm ảnh hưởng đến giọng hát. Không chỉ là kỹ thuật, đó còn là sự thấu cảm rất lớn của một người bác sĩ dành cho bệnh nhân.
Tôi còn biết ơn ông xã, con trai lớn, chị gái, bố mẹ hai bên và những người thân yêu đã luôn âm thầm bên mình, chưa một phút rời xa. Tôi biết ơn ekip điều dưỡng phòng hậu sản, và cả những người bạn đã cầu nguyện, gửi lời chúc mỗi ngày dù chẳng thể ở cạnh. Và cuối cùng, tôi biết ơn bé Khủng Long, con trai bé nhỏ của mình vì bé đã kiên cường như một chiến binh tí hon và chọn tôi làm mẹ. Tôi luôn muốn nói với con rằng: "Mẹ hứa sẽ yêu con trọn vẹn và rực rỡ nhất, như cách con đã đến với mẹ - dũng cảm và diệu kỳ".