6 lợi ích sức khỏe của thịt vịt đối với mẹ bầu
Các món ăn từ thịt vịt được nhiều người yêu thích và mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là 6 lợi ích sức khỏe của thịt vịt đối với phụ nữ mang thai.
NỘI DUNG
1. Thịt vịt cung cấp lượng protein thiết yếu
2. Kẽm trong thịt vịt thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tế bào
3. Thịt vịt chứa khoáng chất hỗ trợ chức năng tuyến giáp
4. Thịt vịt giàu chất chống oxy hóa
5. Thịt vịt chứa vitamin B giúp tăng cường hệ thần kinh
6. Cải thiện số lượng huyết sắc tố
Thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và là nguồn dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe.
Thịt vịt nổi bật với hàm lượng protein chất lượng cao, cung cấp đầy đủ các acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, rất quan trọng cho việc xây dựng và sửa chữa các mô. Đây cũng là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai.
1. Thịt vịt cung cấp lượng protein thiết yếu

Thịt vịt là nguồn dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu.
Thịt vịt giúp tăng lượng protein nạp vào cơ thể trong thai kỳ. Thịt vịt cung cấp dồi dào protein, bao gồm tất cả các loại acid amin cần thiết để giúp có một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng. Mỗi khẩu phần 70 g thịt vịt đã qua chế biến cung cấp khoảng 18 g protein. Để so sánh, 90 g thịt gà nướng chỉ chứa khoảng 7 g protein.
Việc nạp đủ protein trong thai kỳ giúp tăng cường miễn dịch với nhiều bệnh khác nhau, duy trì làn da khỏe mạnh và rạng rỡ, có các mô khỏe mạnh và sức khỏe tốt cho thai nhi.
2. Kẽm trong thịt vịt thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tế bào
Thịt vịt là một nguồn khoáng chất kẽm tuyệt vời. Mỗi 100 g thịt vịt cung cấp 1,9 miligam kẽm, chiếm khoảng 24% lượng khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và vận hành các enzyme thiết yếu cho quá trình trao đổi chất của tế bào diễn ra khỏe mạnh và hiệu quả. Ngoài ra, kẽm còn tăng cường đáng kể hệ miễn dịch trong thai kỳ.
3. Thịt vịt chứa khoáng chất hỗ trợ chức năng tuyến giáp
Thịt vịt cũng chứa hàm lượng khoáng chất selen cao. Mỗi 100 g thịt vịt cung cấp 14 microgam selen, chiếm khoảng 25% lượng khuyến nghị hàng ngày của khoáng chất này. Selen đóng vai trò tích cực trong việc điều hòa nhiều chức năng enzyme trong cơ thể phụ nữ trong thai kỳ. Khoáng chất này hỗ trợ chức năng tuyến giáp, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp trong thai kỳ.
4. Thịt vịt giàu chất chống oxy hóa
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thịt vịt thủy phân là một nguồn giàu chất chống oxy hóa cần thiết để bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Theo các nghiên cứu, khi thịt vịt được phân hủy bởi các enzyme tiêu hóa, nó giải phóng các peptide có tiềm năng chống oxy hóa. Do đó, tiêu thụ thịt vịt trong thai kỳ có thể bảo vệ cả mẹ và thai nhi đang phát triển khỏi căng thẳng oxy hóa.
5. Thịt vịt chứa vitamin B giúp tăng cường hệ thần kinh
Thịt vịt là một nguồn giàu vitamin B5 và vitamin B12. Một khẩu phần thịt vịt chứa 1,6 mg vitamin B5, chiếm 32% giá trị khuyến nghị hàng ngày của vitamin này. Ngoài ra, một khẩu phần thịt vịt chứa 0,4 mg vitamin B12, chiếm 12% lượng khuyến nghị hàng ngày. Cả hai vitamin này đều thúc đẩy chức năng của hệ thần kinh trong thai kỳ. Vitamin B5 giúp sản xuất các hóa chất đóng vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh. Vitamin B12 mang lại sự bảo vệ tốt khỏi tổn thương thần kinh trong thai kỳ, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh và hỗ trợ sự phát triển tối ưu của thai nhi.
6. Cải thiện số lượng huyết sắc tố
Cơ thể cần rất nhiều huyết sắc tố (hemoglobin) hoặc hồng cầu (RBCs) trong thai kỳ để giữ cho mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh. Chế độ ăn thiếu sắt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến thiếu máu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 1/3 phụ nữ mang thai (khoảng 37%) trên toàn cầu mắc bệnh thiếu máu. Thịt vịt giàu sắt, giúp tăng cường sản xuất huyết sắc tố, việc đưa thịt vịt vào một phần chế độ ăn trước sinh giúp tăng số lượng hồng cầu và ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.
Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể thưởng thức thịt vịt nhưng điều quan trọng là các món ăn từ thịt vịt phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn thịt vịt tái hoặc sống, bởi thịt chưa nấu chín hoặc nấu chưa kỹ có thể chứa vi khuẩn gây hại, dẫn đến các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.