Ngọc Lặc nâng cao hiệu lực quản lý và khai thác khoáng sản
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn huyện Ngọc Lặc luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, do đó hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) dần đi vào nền nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cao Thịnh là xã có nguồn tài nguyên đá vôi tập trung ở khu vực núi Bà Đầm, núi Hang Cá, núi Đồng Hồ và núi Đồng Chùa, với diện tích trên 56 ha. Tại khu vực này hiện có 12 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, với 12 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Chủ tịch UBND xã Lục Đình Văn cho biết: UBND xã là đơn vị trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo vệ TNKS, giám sát việc chấp hành pháp luật về TNKS của các đơn vị hoạt động khai thác trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong KTKS cho các tổ chức, cá nhân biết, chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, khoáng sản, hàng năm xã đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị, tránh tình trạng khai thác quá trữ lượng, chở quá tải, gây ô nhiễm môi trường...
Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc Đỗ Mạnh Linh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 26 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn hiệu lực, trong đó có 1 mỏ đất sét làm gạch; 1 mỏ khai thác quặng photphorit; 3 mỏ khai thác đá bazan và 21 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép cho 26 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các xã: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Cao Ngọc, Quang Trung, Thạch Lập, Thúy Sơn và Kiên Thọ.
Để nâng cao hiệu lực quản lý và khai thác TNKS, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS, môi trường trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Khoáng sản và các chính sách, pháp luật về TNKS, đất đai, môi trường, an ninh trật tự và an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sâu rộng trong Nhân dân và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với các đơn vị đang hoạt động kinh doanh, chế biến, KTKS nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản trên địa bàn huyện.
Mặc dù, công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn huyện Ngọc Lặc trong những năm gần đây được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị KTKS chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác đá làm cho các mốc giới thường xuyên bị vùi lấp, gây khó khăn trong công tác quản lý; nổ mìn trước giờ quy định; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển...
Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp khai thác TNKS trên địa bàn huyện, trên cơ sở kết quả của đoàn thanh tra và báo cáo của UBND các xã Cao Thịnh và Lộc Thịnh về kết quả kiểm tra thực địa tại mỏ đá trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Trường Long với số tiền 170 triệu đồng; Tổng Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Minh Tuấn và Công ty TNHH Đá Thành Minh, mỗi đơn vị 7,5 triệu đồng; đồng thời buộc các doanh nghiệp trên phải cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển trái phép khoáng sản, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Yêu cầu UBND các xã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động KTKS theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý. Yêu cầu các đơn vị KTKS đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến nhằm tiết kiệm TNKS và bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn lao động, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động...