Ngọc Lặc phát triển kinh tế trang trại
Nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện Ngọc Lặc đã tích cực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Đào Đức Sáu, thôn 4, xã Ngọc Liên là một điển hình về phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, chúng tôi được biết, từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, gia đình ông Sáu đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với 3 ha sắn dây, 2 ha củ từ, 2 ha dứa gai và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trang trại, ông Sáu đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật do địa phương tổ chức, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, các loại cây trồng, vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, trang trại của gia đình ông đạt sản lượng 200 tấn sắn dây, 150 tấn củ từ, 200 tấn dứa... Mỗi năm trừ chi phí, trang trại tổng hợp gia đình ông cho lợi nhuận 700 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, 25 lao động thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, nhưng gia đình ông Nguyễn Hải Thành, thôn Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn lại chọn hướng làm giàu với hoạt động chăn nuôi. Năm 2017, gia đình ông Thành đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi lợn khép kín với diện tích gần 1 ha, phân chia các ô chuồng khác nhau và các khu riêng biệt cho lợn nái sinh sản, lợn giống và lợn thịt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện trang trại của gia đình đang duy trì nuôi 100 lợn nái. Mỗi năm trang trại nuôi 2 lứa lợn thịt với quy mô 1.000 con/lứa, doanh thu đạt hơn 14 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư 12 ha đất trồng keo, 0,5 ha trồng bưởi... Trang trại của gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập từ 7 triệu đến 7,5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động.
Thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế trang trại, huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của kinh tế trang trại. Cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương và tỉnh, huyện Ngọc Lặc tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn... Huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất. Nhờ đó, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đã có bước phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, khai thác thế mạnh của từng xã, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 35 trang trại đạt theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trang trại cho doanh thu trung bình đạt hơn 5 tỷ đồng/năm và đang tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Tiêu biểu như: các dự án chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn của Tập đoàn Xuân Thiện; trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi công nghệ cao quy mô 4,9 ha, công suất 936.000 con/năm ở xã Minh Tiến của Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân; trang trại chăn nuôi gà quy mô 8,2 ha, công suất gần 2 triệu con/năm ở xã Lam Sơn của Công ty CP Nông sản Phú Gia; các mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới ở xã Kiên Thọ; mô hình trồng vải không hạt Nhật Bản và bơ Israel, thanh long, quy mô 30 ha ở xã Nguyệt Ấn của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm...
Bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Xác định phát triển kinh tế trang trại là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phát triển các mô hình. Địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để giúp các chủ trang trại trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp cho các trang trại chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.