Ngôi chợ miền Tây ngay hàng thẳng lối như 'game nông trại'
Không có kiot hay sạp dựng cố định, chợ Vị Thanh (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) vẫn gọn gàng, đều tăm tắp và tấp nập người ra vào.
Ngôi chợ nằm gần cầu Cái Nhúc, thành phố Vị Thanh có diện tích khoảng 700m2, tiếp giáp với mặt lộ và sông, mang đậm nét đẹp bình dị của miền quê sông nước. Địa điểm làm nên nét đặc sắc của vùng đất sông nước còn được gọi bằng cái tên gần gũi và tượng hình hơn là chợ “chồm hổm”.
Theo tiểu thương, chợ có từ hơn một thập kỷ năm trước, chuyên bán nông sản địa phương. Người bán thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, bày biện hàng hóa trong khoảng hai đến bốn mét vuông quanh mình. Vì người bán ngồi chồm hổm để bán và người mua hàng cũng vậy, nên cái tên dân dã là chợ “chồm hổm” ra đời.
Nổi tiếng là mùa nào thức ấy, chợ Vị Thanh bày bán toàn mặt hàng địa phương đặc trưng. Từ bông súng, đọt choại, tập tàng, rau dừa hay hẹ nước cho đến thủy hải sản đa dạng như cá rô, cá sặc, cá lòng tong… đều rất tươi ngon. Nhiều loại bánh dân dã đặc sản của người miền Tây như bánh bò, bánh chuối… tạo nên một chốn quy tụ đủ đầy đặc sắc của miệt vườn Hậu Giang.
Chợ “chồm hổm” họp khá sớm, người thôn quê từ nhiều nơi khác nhau đổ về chợ chuẩn bị dọn hàng từ 2, 3 giờ sáng và bán đến tầm 9, 10 giờ trưa là tan. Sở dĩ chợ hoạt động nhanh như vậy là vì bà con nông dân ở đây chỉ mang đủ hàng để bán. Khi tan chợ, phần dư sẽ để lại cho các sạp sỉ trong nhà lồng chứ không để hàng lại đến hôm sau, đảm bảo mọi thứ đều luôn tươi mới trong ngày.
Không có ki ốt cố định, ai muốn bán ở chợ đều có thể với chi phí thuê khoảng đất rộng 2-4m2 với giá khoảng 20.000 đồng/buổi. Số tiền này cũng sẽ được chi trả cho công tác vệ sinh.
Độc đáo hơn cả, chợ “chồm hổm” vô cùng mãn nhãn khi ngắm nhìn từ trên cao. Các gian hàng được quy hoạch vuông vức, ngay hàng thẳng lối như đang ở trong game nông trại. Vì thế, có thể nói, đây là chợ “chồm hổm” đẹp nhất Việt Nam cũng không sai.
Một điều thú vị nữa là ngôi chợ có cùng tuổi với thành phố Vị Thanh. Năm 2010, khi thị xã Vị Thanh được nâng cấp lên thành phố, người dân vùng kênh Xa No đã lập chợ để giữ lại chút “hương đồng gió nội” nơi phố thị hiện đại.
Dù cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thì các khu chợ truyền thống Việt Nam vẫn là một điều rất thân thuộc và đặc biệt. Bởi lẽ khi đi chợ quê, người ta không chỉ sắm sửa mà còn là tìm về chốn thân quen, cảm nhận không khí tấp nập, chuyện trò gần gũi và cả ký ức của những ngày xưa cũ, những điều quý giá khó có thể tìm thấy ở nơi nào.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ngoi-cho-mien-tay-ngay-hang-thang-loi-nhu-game-nong-trai-ar920461.html