Ngôi đầu kỳ lạ của CLB Nam Định

Nếu V.League 2023/24 tính xếp hạng bằng những bàn thua, đội dẫn đầu Nam Định sẽ tụt xuống gần bét bảng.

Không đội nào ghi nhiều bàn hơn Nam Định (50 bàn). Nhưng cũng hiếm đội nào thủng lưới nhiều hơn họ. Trong 14 cái tên góp mặt ở V.League mùa này, đội bét bảng Khánh Hòa có hàng thủ tệ nhất với 40 lần lọt lưới. Nam Định đứng hạng hai với 35 bàn.

Thống kê rất đáng chú ý vì nó đồng nghĩa với hơn 1,5 bàn thua/mỗi trận. Trong top 8 đội dẫn đầu V.League, không CLB nào thua quá 30 bàn. Những vị trí dẫn đầu của Bình Định, Bình Dương đều chỉ có từ 24 tới 26 bàn thua. Thể Công Viettel cũng nhờ thua ít (25 bàn) mà tiến dần từ nhóm đáy bảng lên top 5 chỉ trong vài vòng trở lại đây.

 Cầu thủ CLB Nam Định đều thuộc dạng khá trở lên ở V.League. Ảnh: Bảo Ngọc.

Cầu thủ CLB Nam Định đều thuộc dạng khá trở lên ở V.League. Ảnh: Bảo Ngọc.

Nam Định vừa hay vừa dở

Nói vậy để thấy hàng thủ Nam Định với 40 bàn thua đang chơi tệ thế nào. Thống kê ấy càng thất vọng hơn nếu nhìn vào nhân sự phòng ngự trong tay HLV Vũ Hồng Việt.

Người trấn giữ khung thành là thủ môn hay bậc nhất bóng đá Việt Nam những năm qua Trần Nguyên Mạnh. Trung vệ là ngoại binh xuất sắc từng đá ở Europa League Lucas Araujo cùng những cầu thủ nội có trình độ, giàu kinh nghiệm như Hoàng Văn Khánh, Dương Thanh Hào, Lê Ngọc Bảo. Đôi cánh của Nam Định là Nguyễn Phong Hồng Duy, Trần Văn Kiên.

Hàng thủ ấy được che chắn bởi Phạm Đức Huy, Trần Văn Công, Lý Công Hoàng Anh và mới bổ sung Nguyễn Tuấn Anh. Đó đều là những tiền vệ có năng lực hỗ trợ phòng ngự rất tốt.

HLV trưởng Vũ Hồng Việt cũng đã có mùa giải thứ 3 làm việc tại Nam Định. Hàng thủ của họ có đủ mọi yếu tố chất lượng, chiều sâu, sự đầu tư và cả thời gian xây dựng. Nhưng tất cả là không đủ.

Đối diện báo giới sau trận hòa 1-1 trước SLNA ở vòng trước, HLV Vũ Hồng Việt đan tay lại, liên tục ấn vào hai đầu ngón cái. Ông thừa nhận: "Bóng hai của chúng tôi không tốt, chúng tôi đã để thua từ những tình huống như vậy. Số bàn thua phản ánh rõ (tình hình hàng thủ của chúng tôi). Tôi nghĩ là tôi sẽ phải tính toán, tùy từng đối thủ, tính toán thật kỹ để giảm thiểu số bàn thua và các trận thua".

Điều đáng lo với HLV Vũ Hồng Việt là càng tới giai đoạn quyết định, hàng thủ Nam Định càng chơi tệ hơn. Sau quãng nghỉ nhường chỗ cho giải U23 châu Á, Nam Định đá 7 trận thì thua tới 13 bàn (gần 2 bàn thua/trận).

Hàng công Nam Định chơi bùng nổ trong cả 7 trận nhưng hàng thủ không làm được điều tương tự. Nếu Rafaelson Bezerra Fernandes không làm điều phi thường trước Thanh Hóa (ghi 5 bàn, thắng ngược 5-2), Nam Định sẽ có chuỗi 5 trận không thắng ở V.League, điều không thể tin nổi với một CLB đang dẫn đầu giải ở giai đoạn quyết định.

 HLV Vũ Hồng Việt chưa quen đua vô địch. Ảnh: Bảo Ngọc.

HLV Vũ Hồng Việt chưa quen đua vô địch. Ảnh: Bảo Ngọc.

Vai trò của HLV trưởng

Trách nhiệm ở đây chắc chắn thuộc về HLV Vũ Hồng Việt. Gần một mùa giải đã qua, với lực lượng mạnh và liên tục được bổ sung, ông Việt vẫn không thể hoàn thiện hàng phòng ngự Nam Định. Điều kỳ lạ là ngay mùa trước thôi, khi lực lượng còn hạn chế, ông Việt lại giúp hàng thủ Nam Định chỉ thủng lưới 19 bàn cả mùa.

Những gì đang diễn ra tại Nam Định cho thấy HLV Vũ Hồng Việt dường như chưa quen với cuộc đua vô địch. Hai mùa đầu ở Nam Định và thời gian trước đó tại Quảng Nam, ông Việt đều chỉ dẫn dắt những CLB đua trụ hạng.

Khi Nam Định được đầu tư mạnh và hướng tới chức vô địch, mọi thứ phải thay đổi. Ông Việt chưa thích nghi được với điều đó, đội bóng thành Nam cũng nhiều thời điểm chưa quen với cuộc đua đó. Họ quen ngồi ghế cuối hơn ghế đầu.

 Dấu ấn của CLB Nam Định ở tuyển Việt Nam là rất ít. Ảnh: Bảo Ngọc.

Dấu ấn của CLB Nam Định ở tuyển Việt Nam là rất ít. Ảnh: Bảo Ngọc.

Áp lực của vị trí đỉnh bảng, áp lực của việc phải từ bỏ lối đá phòng ngự, áp lực của việc phải tấn công chủ động là điều Nam Định và HLV của họ chưa trải qua.

Đó là lý do Nam Định từng bỏ xa các đối thủ trong giai đoạn đầu nhưng lúc này chỉ còn hơn Bình Định 6 điểm. Họ có lẽ vẫn vô địch khi mùa giải chỉ còn 4 vòng. Nhưng đây chắc chắn không phải một danh hiệu hoàn hảo.

Sự lệ thuộc rõ ràng của Nam Định vào Rafaelson còn dẫn tới những vấn đề khác. Thất bại trước Thể Công - Viettel hay những lần mất điểm trước SLNA, HAGL đều có cùng một kịch bản là Rafaelson tịt ngòi. Đội bóng thành Nam có điểm mạnh là một chân sút đang thăng hoa nhưng đó cũng là điểm yếu chí mạng của họ.

Sự phụ thuộc vào Rafaelson cũng cho thấy HLV Vũ Hồng Việt đang chưa thành công trong việc xây dựng lối chơi tập thể dù đội bóng của ông sở hữu hàng loạt tuyển thủ quốc gia, trong đấy có những chân chuyền “khét tiếng” như Khắc Ngọc, Tuấn Anh.

Đó có lẽ cũng là lý do Nam Định chưa thể đóng góp nhiều cho tuyển Việt Nam trong thời gian cuối của HLV Philippe Troussier ở Việt Nam. Mãi tới đợt FIFA Day vừa qua, đội bóng thành Nam mới có 4 cái tên được triệu tập. Dù vậy, vai trò của họ vẫn thua xa những CLB như Hà Nội, Công An Hà Nội hay cả Bình Dương, Thể Công - Viettel.

Ngôi vương V.League đang chờ Nam Định. Nhưng kể cả sau nó, họ vẫn còn một chặng đường dài.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngoi-dau-ky-la-cua-clb-nam-dinh-post1480445.html