Ngôi đình thờ 6 vị danh tướng thời Hùng Vương
Là nơi thờ 6 vị danh tướng thời Hùng Vương, cụm di tích đình, nghè Ngọc Lâu ở thôn Ngọc Lâu, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) gắn với thần tích về những vị danh tướng tài đức vẹn toàn.
Dẹp giặc Ân
Theo các tài liệu lịch sử, vào thời Hùng Vương thứ 6, ở phủ Quốc Oai có một người tên là Trần Phương, còn gọi là Phương công, tài đức vẹn toàn, được nhà vua tin dùng. Bấy giờ tại phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc xảy ra nạn trộm cướp quấy nhiễu nhiều lần, song quan quân địa phương không dẹp nổi, vua liền giao cho Phương công nhậm chức tại phủ Thuận An. Phương công dẹp yên nạn trộm cướp chỉ trong hơn 1 tháng, chia bổng lộc cho người nghèo khiến ai nấy tin phục.
Tại trang Ngọc Lâu, tổng Bằng Quân có một vị quan tên là Hồ công có một người con gái là Hồ Thị Ngọc đẹp người, đẹp nết. Biết tin, Phương công cho mời Hồ công đến thết đãi, tỏ ý muốn lấy Ngọc nương làm vợ và được Hồ công bằng lòng. Sau này vợ chồng Phương công sinh được 6 người con trai lần lượt là Lôi công, Long công, Lân công, Hoàng công, Bội công và Chấn công, khi trưởng thành đều văn võ song toàn. Sau khi vợ chồng Phương công qua đời, nhà vua cho truyền các con của họ thì thấy 6 người đều cao lớn, thần uy lẫm liệt nên đã giao cho nhậm chức tại 6 huyện. Sau khi nhậm chức, về trang Ngọc Lâu, họ thấy sơn thủy hữu tình nên đã lập “Du cung” tại 6 nơi, khuyến khích nhân dân trồng dâu nuôi tằm, được nhân dân yêu mến.
Theo thần tích lưu tại địa phương, 3 năm sau, nước nhà đối diện với nạn giặc Ân, vua xuống hịch cấp cáo, các ông phụng mệnh đem 3 vạn quân quyết giao chiến với quân giặc, đồng thời cho sứ giả đi khắp nơi cầu người tài. Đến xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc thấy một gia đình sinh được con trai 3 tuổi mà không biết nói, không biết cười. Biết sứ giả đến bỗng cậu bé nói với mẹ cho mời sứ giả vào. Được trang bị ngựa sắt, roi sắt và ăn no, cậu bé vươn vai trở thành người cao lớn phi thường, cùng các ông ra trận dẹp tan giặc Ân. Thắng trận trở về, nhà vua phấn khởi, phong cho các ông là đại tướng quân, cho phép ngụ tại trang Ngọc Lâu. Sau khi đón sắc chỉ về trang Ngọc Lâu, các ông truyền cho binh sĩ mở tiệc mời nhân dân ăn uống vui vẻ rồi tự “hóa”. Thương xót bề tôi tài giỏi, có công với đất nước, vua ban sắc phong Thượng đẳng phúc thần. Trải qua các triều đại, các ông đều được tôn thờ và ban mỹ tự.
Giá trị nghệ thuật độc đáo
Chưa có tài liệu nào xác định đình, nghè Ngọc Lâu được khởi dựng từ bao giờ, có thể vào đầu thời Lê Mạc khoảng thế kỷ XVI. Cả hai di tích đều được trùng tu nhiều lần.
Ông Nguyễn Xuân Truyền, một người cao tuổi ở thôn Ngọc Lâu cho biết từ nhỏ ông đã được nghe người già trong làng kể lại về thời điểm trùng tu ngôi đình. Lúc bấy giờ cả thôn chỉ có khoảng 200 khẩu với vài chục hộ dân nhưng vẫn quyết tâm góp công, góp của mua gỗ lim chở về theo lối sông Cẩm Giàng. Những khúc gỗ lim được dân làng hào hứng kéo về trung tâm thôn để dựng đình, trong đó một số khúc lớn làm cột cái có đường kính từ 50-60 cm. Ngôi đình trở thành niềm tự hào, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân nơi đây. Sau khi tu sửa đình, người dân tiếp tục tu sửa nghè, xây dựng chùa ở phía trước bên trái đình tạo thành một cụm di tích tương đối bề thế. Tuy nhiên, ngôi chùa sau này đã bị phá hủy, đến nay người dân Ngọc Lâu xây chùa sang vị trí khác phía sau đình.
Ngôi đình hiện nay mang kiến trúc của lần trùng tu vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) với kiến trúc chữ “Đinh” gồm 5 gian đại bái kiểu đao dĩ và 2 gian hậu cung kiểu bít đốc quai chảo. Kết cấu khung vì nhà đại bái kiểu chồng rường, lòng mái mở theo thức “thượng ngũ hạ lục”. Hậu cung kết cấu tương tự đại bái nhưng lòng mái mở theo thức “thượng ngũ hạ tứ” con chồng đấu vuông.
Giá trị nổi bật của di tích tập trung tại gian đại bái với đề tài “tứ linh” và “tứ quý” được các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo, kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật chạm bong với chạm lộng tạo nên những mảng khối sinh động. Hai bức cốn trước bố cục từ trên xuống dưới gồm rồng phượng, sư tử tranh châu và rùa ẩn trong lá sen. Dưới cùng là hình ảnh long mã, cá chép nô đùa trên thủy ba cùng những chú cua bò ngang. Hai bức cốn trong chạm khắc hình ảnh “long quần” gồm 1 con rồng lớn đang cuộn mình giữa mây lửa, xen kẽ chạm khắc sư tử tranh châu và nghê cầm biển tự. Mặt sau bức cốn chạm khắc hình ảnh tùng, cúc, trúc, mai hóa rồng. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đáng chú ý, mặt trước nhà đại bái còn giữ được 4 đầu dư chạm khắc vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) với kỹ thuật chạm bong, chạm lộng đẹp mắt. Đến nay, một số đầu dư cũng như một số chi tiết trang trí bên trong tòa đại bái đã được tu bổ, thêm mới, khắc phục tình trạng hư hỏng khi trải qua hàng trăm năm tồn tại. Người dân địa phương còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý tại cụm di tích này. Trong đó có khoảng 10 đạo sắc phong thời Nguyễn và các tấm bia ghi nhận quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, đây là những tư liệu lịch sử có giá trị.
Ông Nguyễn Hữu Ngôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Lâu cho biết: “Hàng trăm năm nay, cụm di tích đình, nghè là điểm tựa văn hóa, tinh thần của người dân. Vì vậy, nhiều đời nay nhân dân địa phương chúng tôi luôn quan tâm trùng tu, tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị để giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc”.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-6-vi-danh-tuong-thoi-hung-vuong-165040