Ngôi làng của người phong đẹp như tranh vẽ dưới chân đèo Hải Vân

Dù giờ đây người dân làng Vân đã được bố trí đất tái định cư, đời sống đã ổn định, nhưng nơi đây vẫn còn lưu lại những dấu vết của một ngôi làng đã chở che cho những người phong khỏi sự kỳ thị, hắt hủi của người đời, thậm chí cả từ người thân, ruột thịt.

Làng Vân (còn gọi Hòa Vân), tọa lạc dưới chân đèo Hải Vân, thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Làng nằm tựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn thơ mộng, hiền hòa. Nhìn khung cảnh đó, ít ai biết đằng sau ẩn giấu những nỗi đau thấu trời, thấu đất.

Ngôi nhà của người phong

Ngôi làng ban đầu được một người Mỹ thành lập năm 1968 nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng 40 bệnh nhân bị nhiễm virus Hansen (virus gây bệnh phong, bệnh hủi, bệnh cùi). Đây là một khu vực biệt lập, không có đường sá, chỉ có thể di chuyển bằng đường mòn qua đường núi trắc trở, hoặc di chuyển bằng tàu thuyền từ phía trung tâm Đà Nẵng vào.

Sự ra đời của ngôi làng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp thuốc thang để xoa dịu nỗi đau thể xác, mà còn là chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Là nơi những bệnh nhân phong không cần phải chạy trốn, không cần phải giấu đi đôi bàn tay trầy trụa mỗi khi gặp người lạ.

Làng Vân nhìn từ phía xa, bao quanh là vịnh Nam Chơn.

Làng Vân nhìn từ phía xa, bao quanh là vịnh Nam Chơn.

Bởi vậy, rất nhiều bệnh nhân phong từ nhiều nơi trên cả nước đang trong hành trình chốn chạy sự xua đuổi, xa lánh của cộng đồng đã tìm đến làng Vân. Nhiều người vì đồng cảm với nhau mà đã nên duyên vợ chồng, họ sinh con đẻ cái, khiến ngôi làng ngày một đông hơn.

Sau bao năm khốn khổ, họ mới thực sự có một nơi để được sống như một con người, được yêu thương và nhận lại yêu thương như một người bình thường, được thực hiện ước mơ vun vén gây dựng gia đình.

Thời điểm đó, nền y học chưa phát triển, giao thông còn hạn chế, cộng với sự vô thừa nhận, hắt hủi, nghi kỵ thiếu hiểu biết về căn bệnh phong nên làng Vân trở thành "vô hình" trên bản đồ và trong cộng đồng. Mãi cho đến năm 1998, làng mới được công nhận là một đơn vị hành chính cấp thôn (thôn Hòa Vân) thuộc TP Đà Nẵng.

Đó là lần đầu tiên, cả làng nói chung được thừa nhận về mặt pháp lý, được đăng ký hộ khẩu, được đi bầu cử. Năm 1998 cũng là dấu mốc lịch sử của làng khi toàn bộ người dân Hòa Vân được chữa dứt điểm bệnh phong, chỉ còn lại di chứng nên bệnh không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.

Từ đó đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mới nào. Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng đã sớm giải thể khu điều trị bệnh phong tại làng Vân. Song, dẫu "làng" đã thành "thôn", nhưng do đi lại khó khăn, có nhiều người bị di chứng bệnh tật, tàn phế, nên làng Vân vẫn nghèo nàn, lạc hậu...

Những ngôi nhà hoang sơ của người dân làng Vân.

Những ngôi nhà hoang sơ của người dân làng Vân.

Sự trở mình mạnh mẽ của con em làng Vân

Hơn 40 năm kể từ khi người phong trú chân tại đây, ngôi làng đã có khoảng 130 nóc nhà với hơn 350 nhân khẩu. Họ ra sức vun đắp cho chốn nương tựa của mình, nhà cửa đều được xây dựng kiên cố, có cả trường mẫu giáo, trạm xá nhà sinh hoạt cộng đồng…

Cuộc sống bình dị trôi qua với những hoạt động tự cung tự cấp: chài lưới, bẫy chim, làm ruộng, chăn bò,… Nhưng thẳm sâu họ vẫn khao khát được hòa nhập cộng đồng, được thăm lại thân nhân bản quán, con em được đi học cao đẳng, đại học.

Vậy nên, khi TP. Đà Nẵng có chủ trương thu hồi đất, người làng Vân dù rất bịn rịn với mảnh đất cưu mang, họ vẫn đồng thuận di dời vào đất liền, bỏ hoang nhà cửa, ruộng vườn. Tháng 8/2012, cả làng thu vén toàn bộ đồ đạc sang bên kia vịnh Nam Chơn, định cư tại phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Minh,… (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Vị thế của người làng Vân nay cũng khác trước. Con cháu làng Vân được học hành tử tế, nhiều người đã trở thành giáo viên, kỹ sư, cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Hiện ở làng Vân vẫn còn khoảng 20 người dân tạm trú. Họ là những người lao động nghèo với công việc bán tạp hóa, làm lưới lừ, đánh cá. Bà Hồ Thị Hoa (tên thường gọi là Him), bán tạp hóa tại làng Vân chia sẻ, "Tôi là dân gốc làng Vân, hơn chục năm trước gia đình tôi cũng di dân theo chính sách vào sống tại phường Hòa Minh. Nghe cha ông kể lại, làng Vân ngày đó bị mọi người kỳ thị ghê lắm. Nói đến những ký ức ngày ấy, ai cũng ứa nước mắt, đau thương, cô đơn lắm!".

Làng Vân ngày nay đã khoác trên mình một màu áo mới, trở thành địa điểm yêu thích của những người đam mê loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm. Đến với nơi đây, họ được trải nghiệm những hoạt động thú vị như tắm biển, check-in, thưởng thức ẩm thực, cắm trại, chèo sup, lái cano, câu cá, câu mực…. cũng như những câu chuyện về cách mà ngôi làng hình thành.

Một vài hình ảnh ở làng Vân:

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngoi-lang-cua-nguoi-phong-dep-nhu-tranh-ve-duoi-chan-deo-hai-van-20240902141056714.htm