Ngôi làng nhà giàu ngàn năm tuổi bên dòng Nhuệ Giang

Người làng Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, vẫn tự hào về một thời cỗ làng luôn có yến xào, nhà xây đẹp thuê người trông và làm tương riêng để ăn, không bán, không ăn tương nơi khác…

 Cổng làng Khúc Thủy - ngôi làng nhỏ từ hơn ngàn năm trước là Trang Khúc Thủy với dinh thự của vua, quan và từng là ngôi làng giàu có một thời.

Cổng làng Khúc Thủy - ngôi làng nhỏ từ hơn ngàn năm trước là Trang Khúc Thủy với dinh thự của vua, quan và từng là ngôi làng giàu có một thời.

Nếu nói về làng Khúc Thủy chắc ít người biết nhưng đây là ngôi làng cổ, thơ mộng đã đi vào chính sử ngàn năm trước, nằm yên bình soi bóng bên dòng Nhuệ Giang.

Từ thuở vua Lý Thái Tổ- Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long và chọn mảnh đất “Ở nơi trung tâm trời đất”, lại là nơi có “Mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh” để làm nơi “Thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (trích: “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn) Ngài đã để tâm tới mảnh đất thiêng, miền Thánh địa bây giờ- làng Khúc Thủy ngày nay. Và từ tháng 7/1010 ngôi làng nhỏ bên dòng sông Nhuệ đã đi vào chính sử (theo Đại Việt Sử ký toàn thư) khi vua Lý Công Uẩn cho xây bên “ngoài thành về phía Nam dựng chùa Thắng Nghiêm” hay còn gọi là chùa Khúc Thủy, tại làng Khúc Thủy hiện tại.

Cổng làng và con đường làng nằm bên dòng Nhuệ Giang thơ mộng xưa từng đón thuyền rồng của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lý Công Uẩn dạo chơi, ngắm cảnh.

Ngôi làng cổ từng là “Ấp của vua

Làng Khúc Thủy chỉ là ngôi làng nhỏ, nép dưới những vòm cổ thụ xum xuê, soi mình xuống dòng Nhuệ Giang nên thơ nhưng từ ngàn năm trước đã được gọi là Trang Khúc Thủy với những khu dinh thự xa hoa của các bậc công thần, danh gia vọng tộc. Chẳng thế mà trong tài liệu của họ Đào làng Khúc Thủy đã cho biết: “Trong quần thể Thánh địa Khúc Thủy, chùa Linh Quang xưa còn gọi là chùa Quan, nơi lễ bái của các quan lại thời phong kiến” bởi “Dinh thự của vua chúa phong kiến các đời được xây dựng tại đây”. Từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (trước vua Lý Công Uẩn), “Trong một lần đi tuần thú, thấy phong cảnh nơi đây hữu tình, thế đất có long chầu phượng vũ, lân ly hội tụ, nhà vua bèn cho lập dinh tại đất này”.

Ngôi đình cổ thờ ngài Linh Thông Hòa Thượng Đại Vương Trần Thông

Tương truyền, mối duyên lành của vua Lý Thái Tổ với vùng đất này được bắt đầu từ một ngày đẹp trời, vua Lý Thái Tổ ngự thuyền rồng, từ sông Kim Ngưu qua sông Tô Lịch, xuôi theo dòng Nhuệ Giang thẳng tới chùa Hương Tích lễ tạ Phật sau khi đã định đô ở Thăng Long.

Khi vua đi qua khu vực này, “Ngài thấy một ngôi cổ tự trang nghiêm tú lệ, liền cho dừng thuyền vào lễ Phật. Cảnh trí một vùng trang nghiêm thơ mộng, thế đất Long chầu Phượng vũ, nhà vua liền nói: Nơi đây thật xứng đáng là bầu trời cảnh Phật!” và “Ngài đã đặt mỹ hiệu cho vùng đất này là Trang Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Nam Thượng và lập làm Thang Mộc Ấp (Ấp Của Vua). Sau này, Ngài thường lui tới lễ Phật, vãn cảnh. Chùa Thắng Nghiêm, trang Khúc Thủy từ đó đã trở thành nơi du ngoạn tâm linh của các bậc vua chúa, quan lại thời bấy giờ”.

Chùa Khúc Thủy, từng có tên là chùa Thắng Nghiêm đời Lý, chùa Trì Long đời Trần nơi lưu những câu chuyện đẹp về Đức vua Đinh Tiên Hoàng và Đức vua Lý Công Uẩn. Nơi đây còn lưu kỉ niệm thời thơ ấu của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Nơi lưu dấu các bậc Danh tăng - Danh tướng nước Việt Nam

Trên trang lịch sử của chùa Thắng Nghiêm (hay còn gọi là chùa Khúc Thủy) cho biết: Ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn ngàn năm tuổi này từng là nơi giảng đạo của ngài Tôn Giả Bảo Đức (tương truyền là một hóa thân của Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Bồ Tát) từ Thiên Trúc sang sáng lập và truyền bá Phật Pháp. Ngài đã cho xây dựng Ngôi Đại Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật (đến nay vẫn còn và nhân dân trong vùng gọi khu vực này là khu Mả Bụt).

Ngôi chùa còn là nơi trụ xứ tu hành của các bậc danh tăng nhiều triều đại như ngài Khuông Việt Quốc sư, Vạn Hạnh Quốc sư, Trùng Liên Bảo Tích Quốc sư.

Thú vị hơn, trong thời điểm Ngài Đạo Huyền, một danh tăng họ Lý, nổi tiếng là tinh thông Tam Tạng, giới đức trang nghiệm trụ trì đã thu nhận Trần Quốc Tuấn, khi đó mới 7 tuổi, được gửi gắm tới đây, làm đệ tử.

Ngài Đạo Huyền nhìn Trần Quốc Tuấn mỉm cười nói: “Thật đúng là duyên mệnh Trời Phật định sẵn!”. Tại đây, Trần Quốc Tuấn đã được truyền dạy Tam Tạng Thánh Điển, Pháp Thuật Bí truyền. Trần Quốc Tuấn đã ở đây đến năm 21 tuổi và được nhận xét: “Là người có trí tuệ siêu phàm, chẳng bao lâu đã tinh thông giáo pháp, văn võ kỳ tài, không ai có thể sánh kịp”.

Trần Quốc Tuấn đã được vua Trần Cảnh, là chú ruột, đích thân tới đón về triều: “Vua cùng đoàn tùy tùng sa giá tới Trang Khúc Thủy, chùa Trì Long (vào thời Trần, chùa Khúc Thủy được đổi thành chùa Trì Long) cảm tạ ơn dưỡng dục của Thiền sư Đạo Huyền và thỉnh Thiền sư cùng đón Trần Quốc Tuấn hồi cung. Vua thấy Trần Quốc Tuấn tướng mạo phi thường, tài trí vẹn toàn, xứng danh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, liền phong làm tướng trấn giữ biên ải phương Bắc”.

Rặng cổ thụ chứng kiến những thay đổi của làng qua từng giai đoạn

Cũng ngôi chùa làng Khúc Thủy đã ghi dấu vị danh tăng- danh tướng Trần Thông (con trai ngài Trần Khát Chân, một vị danh tướng cuối đời Trần, tên ông hiện được đặt tên cho con phố lớn thuộc Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) người đã giúp vua Giản Định đời Trần dẹp loạn nhà Hồ, đánh đuổi giặc Minh, trấn an bờ cõi. Ngài Trần Thông có lẽ là trường hợp đặc biệt khi xếp áo cà sa theo lời mời của vua lên đường chinh chiến, thắng trận trở về, từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý đời thường để tiếp tục tu hành.

Bởi vậy, “Thiền phả” của chùa cho biết: Khi ca khúc khải hoàn trở về triều đình, vua phong ngài làm Phó tướng, kiêm Quân vệ Thủy bộ nhưng ngài khước từ, mong được về chùa tiếp tục tu hành. Nhà vua ưng thuận và ban sắc phong cho ngài là Linh Thông Hòa Thượng Đại Vương. Ngài đã quay trở lại chùa Khúc Thủy tu hành và trụ trì. Hiện nay, rất nhiều đình, đền và chùa ở khu vực này thờ ngài là Thành hoàng làng, có nhiều ngôi đình phối thờ Ngài và Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Một ngôi nhà xưa cũ nằm trên con đường chính ven dòng Nhuệ Giang

Người dân tự hào về một thời giàu sang, phú quý đã qua…

Chúng tôi đã dành nhiều ngày lang thang trên con đường làng rợp mát bóng cổ thụ nằm ven dòng Nhuệ Giang xanh trong thuở nào và bâng khuâng tưởng tưởng về khung cảnh cổ xưa của làng đã đi vào sử sách…

Vẫn còn đây ngôi cổ tự uy nghi, những ngôi đình còn lưu dấu cổ, nhiều ngôi nhà, con ngõ giữ vẻ xưa cũ đáng yêu nhưng dòng Nhuệ Giang đâu còn trong xanh nữa và nhiều ngôi nhà mới xây lên… Có gì còn mãi với thời gian và ở làng từng có người viết đơn kiến nghị xin chủ trương bảo tồn làng cổ trước kiến trúc sô bồ hiện đại đang phá vỡ không gian cổ kính của làng bấy lâu bởi những áp lực và cơn lốc hiện đại hóa từ đời sống - một câu chuyện tưởng có thể khiến nhiều người phì cười cho là lẩm cẩm, kém thức thời…

Nhưng có vào nhà dân mới biết, trong cảm xúc và niềm tự hào của lứa tuổi 70, rất nhiều các bà, các bác say mê nói về làng quê mình với sự hãnh diện, niềm vui ngời sáng như không hề bị lớp bụi thời gian che phủ. Trò chuyện với chúng tôi, bác Ngọc Thủ, trong ngõ 13 của làng kể: “Làng tôi nhỏ nhưng tự hào là ngôi làng anh dũng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Thời chống Mỹ, làng tôi không chịu “Tề” nên bị Mỹ ném bom, xông vào làng giật đổ, phá hủy những ngôi nhà đẹp. Dân quân, du kích đã phải khoét tường từ nhà nọ luồn sang nhà kia để chiến đấu anh dũng. Làng tôi cũng đóng góp cho đất nước nhiều tên tuổi như ông Đào Thế Tuấn làm Viện trưởng Viện Nông nghiệp, ông Thiện Thi - Bộ Trưởng Bộ Tài chính, ông Đặng Tính - Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng.

Vợ chồng bác Ngọc Thủ trong ngôi nhà kỉ niệm lưu dấu vàng son một thời buôn bán thịnh vượng của làng.

Từ những năm trước năm 1930, khi cả nước nhiều làng quê vẫn sống trong mái tranh, chưa dùng giúp việc làng tôi đã có đường lát gạch, nhà xây kiên cố, thật đẹp với lim lát nhưng thuê người đến trông, cả làng chỉ có vài nhà có người ở lại còn tất cả tỏa đi các nơi buôn bán, làm ăn, chủ yếu là buôn vải, buôn lụa.

Cỗ làng làm bằng yến, ba ba và nhiều sơn hào hải vị bởi quanh năm mải mê làm ăn có dịp việc làng mọi người mới về sum họp nên tất cả góp nhau làm thật lớn. Khi đó, chưa có phương tiện bảo quản, chẳng có ai ở lại ăn nên cỗ bàn linh đình, thịnh soạn ăn không hết lại đổ… xuống sông”.

Bác Nguyễn Sơn - một công dân của làng thốt lên: “Ôi, nếu nói về đặc điểm đáng nhớ nhất của tôi về làng thì đó chính là món Tương Bồng Khúc Thủy. Không ở đâu trên khắp đất nước Việt Nam này lại có món Tương ngon đến vậy. Cũng vẫn là làm bằng hạt đậu tương, hạt gạo nếp cái vàng nhưng Tương làng tôi có công thức lên men độc đáo với sự bồng lên khi ngâm tương mà tới lúc ngắt tương thơm nức mùi đặc trưng nên mới gọi là Tương Bồng.

Còn mốc tương đạt tới độ độc đáo mà người ta gọi là Mốc Mật, nó keo lại như đường phèn, ánh lên màu hổ phách, ăn vào ngọt lừ như ăn đường phèn vậy. Chúng tôi làm rất ít, đủ ăn, nhà nào làm thì nhà đó ăn như người ta làm café ghém, dưa muối chứ không làm nhiều, làm để bán và cũng không thể ăn tương nơi khác làm”.

Hai bác rất tự hào về ngôi nhà với những họa tiết trang trí bằng gỗ sang trọng, bền vững trong ngôi nhà.

Tạm biệt ngôi làng cổ với những dấu ấn đẹp đẽ đã đi vào các trang sử nước nhà, chúng tôi hy vọng cùng với sự đầu tư để khai thác về du lịch, làng Khúc Thủy cũng như nhiều ngôi làng cổ đẹp đẽ khác sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy để duy trì những không gian quý giá gắn với lịch sử và nét đặc trưng văn hóa dân tộc trong sự phát triển như vũ bão của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Thục Nhi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ngoi-lang-nha-giau-ngan-nam-tuoi-ben-dong-nhue-giang-post147428.html