Ngôi làng ở Thái Lan bị nước biển nhấn chìm từng ngày
Trong những thập kỷ gần đây, Ban Khun Samut Chin, ngôi làng ven biển ở tỉnh Samut Prakan của Thái Lan, cách ngoại ô Bangkok khoảng 10 km, đang dần bị biển 'nuốt chửng'.
Theo trang The Guardian (Anh), từ hành lang của trường Khun Samut, có thể thấy rõ nước biển đã dâng lên đáng kể. Ở đằng xa, bên kia vùng nước tĩnh lặng của các trang trại nuôi tôm lân cận, có thể nhìn thấy những chiếc cột nhô lên. Chúng từng là cột điện, cung cấp năng lượng cho các khu vực của ngôi làng đang bị nhấn chìm trong Vịnh Bangkok.
Trường Khun Samut, được dựng trên những cột bê tông, đã buộc phải dỡ 2 lần. Các gia đình phải nhiều lần chuyển nhà. Nhiều người đã rời hẳn đi sau khi tìm được việc làm ở nơi khác. Dân số ở làng ngày càng ít đi.
Trường Khun Samut hiện chỉ còn lại 4 học sinh. Một số buổi học, mỗi lớp chỉ có 1 học sinh khi các em khác vắng mặt. Tại ngôi trường này, các em được dạy về các vấn đề như khủng hoảng khí hậu, tham gia các chuyến đi dã ngoại để tìm hiểu về biện pháp bảo tồn và lịch sử của ngôi làng.
Napat Ploykhao, 10 tuổi, cho biết: “Trường của chúng cháu từng nằm ở ngoài biển. Cháu biết được rằng rừng ngập mặn rất quan trọng vì nó có thể ngăn sóng biển”.
Rừng ngập mặn, hệ thống phòng thủ tự nhiên chống lại những đợt sóng mạnh và triều cường của Vịnh Thái Lan, đã giảm mạnh để nhường chỗ cho các trang trại nuôi tôm. Cùng với đó, việc khai thác nước ngầm, cũng như sự phát triển của các con đập trên sông Chao Phraya chảy qua Bangkok, đã ngăn dòng chảy của trầm tích ở hạ lưu, làm trầm trọng thêm vấn đề xói mòn bờ biển.
Làng Ban Khun Samut Chin đã phải hứng chịu tình trạng xói mòn bờ biển tồi tệ nhất ở Thái Lan. Theo ước tính, khoảng 1,1 km đến 2 km bờ biển đã biến mất kể từ giữa những năm 1950 đến nay.
Ông Wisanu Kengsamat, trưởng làng Ban Khun Samut Chin ,mô tả những thay đổi mà ông đã chứng kiến trong bốn thập kỷ qua: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, tôi đã và đang chứng kiến những thay đổi đang diễn ra. Trước đây từng có 100 hộ gia đình sinh sống trong làng, giờ chỉ còn khoảng 80 hộ. Dân số đã giảm một nửa.”
Ông cho biết những người trẻ tuổi phải rời làng để học trung học và thường không quay trở lại. Một số gia đình không còn nhà để ở vì xói mòn. Họ không có không gian để sinh sống và không thể kiếm tiền.
“Nếu mọi người có thể tìm được việc làm ở nơi khác – như công nhân nhà máy, nhân viên văn phòng hoặc nông dân – họ sẽ rời đi”, ông Wisanu nói và cho biết những người ở lại cũng cảm thấy lo lắng khi ngày càng có nhiều người tìm đến những khu vực an toàn hơn để sinh sống.
Cô Orrawan Kaewnum, giáo viên tại trường Khun Samut, cho biết một số học sinh phải đi bộ cả tiếng đồng hồ dọc bờ kè, trên những chiếc cầu gập ghềnh để đến trường.
“Thông thường, các trường học Thái Lan bắt đầu học lúc 8h30 và 8h học sinh phải có mặt. Nhưng ở đây, chúng tôi linh động, không cố định thời gian. Vào những hôm mưa gió, các em có thể mất nhiều thời gian để đến trường. Khi chúng tôi nhìn thấy những đám mây đen ùn ùn kéo đến, chúng tôi sẽ đóng cửa trường học sớm hơn”, cô nói. “Chúng tôi giống như những con kiến trước thiên nhiên”.
Làng Ban Khun Samut Chin đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và mực nước biển dâng cao - mối đe dọa đang gia tăng trên toàn cầu. Trong thập kỷ qua, mực nước biển tăng 4,62 mm mỗi năm và cuộc khủng hoảng này đang trở nên tồi tệ hơn. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng cảnh báo mực nước biển dâng có thể dẫn đến “cuộc di cư hàng loạt của toàn bộ dân số theo quy mô như trong Kinh thánh”.
Thái Lan, quốc gia có khoảng 17% dân số (khoảng 11 triệu người), sống ở các vùng ven biển, đặc biệt dễ bị tổn thương. Thủ đô Bangkok cũng phải đối mặt với rủi ro phức tạp do mực nước biển dâng cao cũng như lượng mưa lớn và lũ lụt.
Bà Wijitbusaba Marome, trợ lý Giáo sư tại khoa kiến trúc và quy hoạch của Đại học Thammasat, cho biết mối đe dọa về mực nước biển dâng cao thường ít được chú ý nhất vì nó xảy ra từ từ.
“Con người có thể không nhìn thấy bằng chứng trực tiếp về một thảm họa do mưa lớn. Nhưng nó đang dần ảnh hưởng đến kế sinh nhai của chúng ta”, bà nói.
Tại Ban Khun Samut Chin, người dân đã sử dụng tiền quyên góp và làm việc với các học giả từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok để xây dựng các công trình bảo về làng. Trong 2 thập kỷ qua, dân làng đã trồng 19,2 ha rừng ngập mặn và dựng các hàng rào tre ngăn sạt lở. Họ cũng đã đóng cột bê tông ở một số khu vực để giảm tác động nghiêm trọng của sóng.
Trưởng làng Wisanu nói rằng để có thể bảo vệ ngôi làng, người dân cần có sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra.
Còn Napat nói rằng cậu bé không chắc về ước mơ của mình khi lớn lên.
Bà nội của Napat, Wanna Mainuam, tin rằng cậu bé sẽ ở lại Ban Khun Samut Chin. Dân làng có thể tăng doanh thu nhờ du lịch hoặc bằng cách tổ chức các nhóm du lịch từ các trường học hoặc công ty muốn tìm hiểu về bảo tồn. Bà Wanna nói Napat thích đưa khách du lịch đến chùa vào cuối tuần để tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng.
“Nghề đánh bắt cá đã trở nên khó khăn hơn nhiều, nhưng du lịch có thể mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho làng Ban Khun Samut Chin. Du khách có thể tham quan và thưởng thức các loại hải sản tươi sống khi đến đây. Đó là cách để du khách tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây”, bà nói.