Ngôi làng 'vách đá' mang vẻ ngoài khiếp sợ nhưng đáng sống nhất thế giới

Ngôi làng Kandovan nằm ở phía Tây Nam cách thành phố Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan (Iran) khoảng 60 km. Nơi đây nổi tiếng với kiến trúc nhà độc đáo, là những nhà hang động được chạm khắc từ những khối núi đá lửa khổng lồ.

Ngôi làng cổ Kandovan nằm ở phía Tây Bắc của Iran, cách thành phố Tabriz 60km về phía Tây Nam. Nơi đây được biết đến như là một trong những ngôi làng kỳ lạ nhất thế giới. Để lí giải về cái tên Kandovan của mình, người dân địa phương cho rằng cái tên này có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư. "Kanto" có nghĩa là tổ ong do hình dáng đặc biệt của những ngôi nhà tại đây, chúng được sắp xếp nằm san sát nhau như một tổ ong khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng của ngôi làng này.

Do nhiều yếu tố tác động như : sau đợt phun trào của núi lửa Sahand (hiện nay ngọn núi lửa này đang ngủ đông), mưa, nắng, gió…khiến những mảnh vỡ, tro và dung nham núi lửa đông cứng lại với nhau thành những hang động nhỏ mà con người có thể sống được. Và sau này đã được những người dân gần đó biến nơi này thành nhà của họ với phần mái hình nón bằng đất đá tích tụ.

Theo truyền thuyết, những cư dân đầu tiên đến sống trong những chóp đá đó để trốn tránh quân xâm lược Mông Cổ. Họ ngày đêm đào những khối đá núi lửa để làm nơi ẩn náu. Bởi vậy mà khu dân cư này trông chẳng khác gì những tổ mối trong thiên nhiên, nhưng điểm đặc biệt là nó cấu tạo từ những lớp tro núi lửa cổ đại, bị chèn, nén qua hàng ngàn năm mà thành. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học thì nơi đây được xem là nơi bắt đầu của thời kỳ tiền Hồi giáo.

Với sự kết hợp của thiên nhiên và đôi bàn tay con người khéo léo, ngôi làng được xây dựng trên sườn các dãy núi Soltan Daghi và Sabalan. Các nghiên cứu địa lý đã chứng minh rằng tuổi của vách đá ở ngôi làng này dao động từ 700 đến 1.500 năm tuổi.

Với hàng loạt ngôi nhà san sát nhau có hình dáng như bắp ngô, ngôi làng Kandovan đem lại cho người ta cảm giác đang ở thế giới thần tiên xa xôi nào đó. Những ngôi nhà được chạm khắc hoàn toàn bằng tay trên những mỏm đá núi lửa cứng đã gây tiếng vang trên toàn thế giới và được ghi danh vào danh sách Di sản Quốc gia của Iran, làm vô số du khách mê mẩn bởi kiến trúc độc đáo.

Những ngôi nhà ở đây thường có từ 2 đến 4 tầng, tầng nào cũng có cửa sổ với kính trang trí. Tầng trệt dành cho động vật, tầng một và tầng hai làm không gian sinh sống, còn tầng trên cùng có thể làm nơi thờ cúng hay lưu giữ những vật dụng không cần thiết. Không giống như những ngôi nhà nông thôn điển hình, thức ăn tại nơi đây được trữ ở nơi cao nhất để tránh ẩm thấp.

Một điều thú vị khác về những Karan này là không có cầu thang bên trong ngôi nhà, vậy nên nếu muốn lên tầng cao hơn, người ta phải sử dụng các bậc thang ngoài trời. Những ngôi nhà ở Kandovan được xây dựng trên độ dốc 70 độ vậy nên có thể dễ dàng bắt gặp những bậc thang bằng đá hoặc gỗ khắp làng. Bên cạnh đó, để đảm bảo bên trong nhà có đủ ánh sáng và thông gió tốt, người dân đã chạm khắc những ô vuông nhỏ và che chúng bằng tấm kính đủ màu đóng vai trò như cửa sổ.

Tuy có đặc trưng khí hậu là mùa đông kéo dài và lạnh giá, nhưng người dân ở đây lại có thể thích nghi rất tốt. Nguyên nhân là do những ngôi nhà mà họ xây dựng rất mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, vậy nên không ngoa khi nói rằng đây là những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới.

Cư dân tại đây đa số sinh sống nhờ nông nghiệp, chăn nuôi ong hoặc gia súc. Nhờ thời tiết thích hợp và thảm thực vật phong phú dưới chân dãy núi Sabalan và Sahand, mật ong tại đây được đánh giá là có chất lượng hoàn hảo.

Đừng nghĩ rằng cuộc sống ở đây rất khó khăn, bởi họ có đầy đủ những tiện nghi như bất kỳ vùng nào khác trên thế giới: không gian làm việc, cửa hàng, trường học, nhà tắm công cộng, nhà máy và thậm chí là nhà thờ được xây dựng tại vách đá to nhất tại đây.

Mặc dù trên thế giới có 2 ngôi làng vách đá khác có cấu trúc tương tự là Cappadocia ở Thổ Nhĩ Kỳ và Manitou Cliff Dwellings ở Mỹ, Kandovan vẫn là ngôi làng đặc biệt nhất. Không giống như 2 ngôi làng còn lại, Kandova và ngôi làng vách đá duy nhất trên thế giới có người sinh sống, và dân số tại đây là 670 người.

Gần đây, dân số đã tăng lên và nhiều ngôi nhà thông thường đã được xây dựng tại khu vực phía nam, nhưng những vách đá lịch sử vẫn vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi đường chân trời.

Kiến trúc độc đáo không phải là điểm thu hút duy nhất của nơi đây. Do đặc điểm địa chất mà có một số suối nước nóng tự nhiên đã hình thành, với tỷ lệ ô nhiễm khoáng thấp và có khả năng điều trị bệnh.

Ngoài ra, du khách cũng có thể dạo bộ trên những cung đường dài chạy qua thung lũng tốt tươi và tận hưởng thời tiết dễ chịu, trò chuyện với những cư dân thân thiện, ngắm nhìn toàn cảnh hoàng hôn lộng lẫy trong khi thưởng thức món mật ong tuyệt vời và trái cây tươi ngon. Tất cả những điều trên đã khiến Kandovan trở thành một trong những địa điểm du lịch đáng ghé thăm nhất ở vùng Tây Bắc Iran.

Minh Tuấn (Tehran Times, UWTO)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngoi-lang-vach-da-mang-ve-ngoai-khiep-so-nhung-dang-song-nhat-the-gioi-5684726.html