Ngôi nhà chung ấm áp tình thương yêu

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tại tổ 14, phường Quyết Thắng, Thành phố, có khuôn viên khá rộng, không gian mát mẻ và yên tĩnh. Nơi đây đã và đang trở thành ngôi nhà chung để chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hướng dẫn các em ôn luyện bài tập.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hướng dẫn các em ôn luyện bài tập.

Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên, bà Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 90 trẻ em, độ tuổi từ 3 đến 17 tuổi. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm đã phân công 9 cán bộ trực tiếp quản lý, chăm sóc các cháu. Mỗi cán bộ quản lý một tổ gồm 10 cháu ở các lứa tuổi khác nhau.

Với tình yêu thương dành cho các cháu nhỏ, các cô đã chăm lo chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ, bảo đảm cho các cháu được sinh hoạt điều độ; chỉ bảo, uốn nắn từ những điều nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt hằng ngày để hình thành nhân cách cho các cháu. Đồng thời, đôn đốc các cháu học bài, làm bài tập, rèn cho các cháu thói quen học tập nền nếp.

Ngoài chế độ được nhận theo quy định của Nhà nước, như được miễn giảm học phí, được hỗ trợ đồ dùng học tập vào đầu năm học và các quý trong năm, Trung tâm còn kết nối với các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm chăm lo hỗ trợ vật chất qua hình thức tặng quà, tặng xe đạp, đồ dùng học tập, thưởng học sinh mồ côi, khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập.

Chị Lèo Thị Ngắm, viên chức Phòng quản lý chăm sóc, cho biết: Các con luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt hằng ngày và rất cố gắng học tập. Ngoài giờ học ở trường, khi về phòng học tập trung, các bạn học lực khá hơn sẽ được phân công kèm cặp một số bạn học yếu. Nhờ vậy, khi lên lớp các con sẽ tiếp thu bài nhanh hơn.

Tại phòng học tập trung, chúng tôi nhận thấy các em ở nhiều lứa tuổi đang ngồi tập viết, đọc bài, làm toán cùng nhau. Em Lò Thị Như, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, mới vào đây được 1 tháng. Bố mẹ mất năm em học lớp 5, từ đó em ở cùng anh trai, nhưng anh trai phải đi làm thuê ở xa. Em Như tâm sự: Năm nay, em lên lớp 10, được cô giáo giúp đỡ làm thủ tục, hồ sơ để vào trung tâm. Ở đây, các cô giống như mẹ, yêu thương, nuôi dưỡng để em tiếp tục được đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Em Sùng Thị Dà Mị (15 tuổi) chia sẻ: Em ở bản Hua Lành, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, bố mẹ mất sớm, em ở cùng bà ngoại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được trung tâm tiếp nhận, chăm sóc từ năm 8 tuổi. Em cũng được đi học; được các mẹ phụ đạo thêm, nên kết quả học tập của em ngày càng tốt hơn.

Năm học vừa qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có 75 em tham gia học tập tại 3 cấp tiểu học, THCS, THPT; 100% em đạt hạnh kiểm khá, tốt; 20% số em có học lực khá, giỏi. Năm học mới 2023-2024, Trung tâm có 85 em theo học tại 4 bậc học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố. Tuy có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng các em luôn chăm ngoan, học giỏi.

Hiện nay, trung tâm có 5 em đang học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Ngoài chế độ được hưởng theo quy định, Trung tâm đã liên hệ với các trường để bảo đảm chỗ ăn nghỉ cho các em; hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí để các em không thiếu thốn, thiệt thòi so với bạn cùng trang lứa.

Từ tình yêu thương, sự giúp đỡ của những người cha, người mẹ thứ hai, con đường tới trường của những trẻ em mồ côi được trải rộng hơn; giúp các em chăm ngoan, học giỏi để trở thành những công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương, bản mường ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/ngoi-nha-chung-am-ap-tinh-thuong-yeu-eRujFjmSg.html